Một năm làm vợ, cả đời chờ mong

'Tháng 3/1969, tôi và anh ấy nên duyên vợ chồng, đến tháng 4/1970, tôi sinh con trai đầu lòng và 3 tháng sau, anh ấy lên đường nhập ngũ. Từ chiến trường, những lá thứ chứa chan tình cảm vẫn được anh ấy gửi về đều đặn và lúc nào cũng động viên ở nhà giữ gìn sức khỏe, anh sẽ sớm về với 2 mẹ con. Thế nhưng, anh ấy đã không về nữa…', bà Nguyễn Thị Gừng, 78 tuổi, vợ liệt sĩ Lê Quang Tặc, rưng rưng nước mắt.

 Bà Nguyễn Thị Gừng không cầm được nước mắt khi nhắc đến chồng

Bà Nguyễn Thị Gừng không cầm được nước mắt khi nhắc đến chồng

Chỉ 1 năm được ở bên chồng

Nhắc tới người chồng liệt sĩ, đôi tay bà Nguyễn Thị Gừng (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) run run áp tấm ảnh đen trắng của chồng vào lòng rồi bật khóc.

"Chúng tôi nên duyên vợ chồng từ sự sắp đặt của bố mẹ. Ở bên nhau chỉ được thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để hiểu và yêu nhau. Thế rồi anh ấy đi vào chiến trường và không trở về nữa…", bà Gừng nghèn nghẹn kể.

Sinh ra trong gia đình có 3 chị em, bà Gừng là con gái thứ 2. Tuổi trăng tròn, bà đẹp nức tiếng trong vùng. Trong khi đó, gia đình ông Lê Quang Tặc cũng khá giả. Trong 4 anh em trai, ông Tặc nổi trội hơn với nhiều tài lẻ như đàn hay, sáo giỏi.

Tấm ảnh duy nhất của liệt sĩ Lê Quang Tặc vẫn được gia đình giữ gìn

Tấm ảnh duy nhất của liệt sĩ Lê Quang Tặc vẫn được gia đình giữ gìn

Là người cùng xã, một bên trai tài một bên gái sắc, bà Gừng và ông Tặc đã được gia đình hai bên mai mối cho nhau. Ngày đó "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó", cuộc hôn nhân dù được sắp đặt nhưng bà Gừng nói rằng, vợ chồng bà như là duyên trời định.

Họ yêu nhau từ những ánh mắt đầu tiên và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi một năm sau, vào tháng 4/1970, bà sinh con trai đầu lòng. Tuy nhiên, những ngày hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi bởi thời điểm đó, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn ác liệt.

Tháng 7 năm đó, đang phục vụ ở hậu phương, ông Tặc nhận lệnh tổng động viên, lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bà Gừng vẫn nhớ như in giây phút hai vợ chồng bịn rịn chia tay nhau. Ôm chồng thật chặt, bao nhiêu lời muốn nói nhưng cổ họng bà Gừng nghẹn cứng. Rồi bóng chồng khuất dần sau lũy tre làng. Đó cũng là lần cuối cùng bà nhìn thấy chồng, bằng da, bằng thịt...

"Chiến trường khốc liệt nhưng thời gian đầu, những lá thư vẫn được anh ấy gửi về đều đặn. Anh động viên tôi giữ gìn sức khỏe, chăm sóc con tốt, chiến thắng anh ấy sẽ trở về. Rồi những cánh thư thưa dần.

Có lẽ chiến tranh ác liệt quá, anh ấy không có thời gian để viết hoặc thư bị thất lạc đâu đó. Tôi tự vấn như vậy và bắt đầu sống khép mình hơn vì rất sợ ai đó hỏi tin tức về chồng mình", bà Gừng kể lại.

Như hiểu được tâm trạng nhớ nhung, buồn bã của người cháu gái, người bác họ của bà Gừng thường xuyên đến nhà động viên và ngủ lại để mẹ con bớt phần cô quạnh. Mãi sau này bà Gừng mới biết, trước đó một người lính đồng hương, cùng đơn vị với ông Tặc đã viết thư về cho người thân và tiết lộ ông Tặc đã hy sinh.

Gia đình này giấu kín nhưng không hiểu sao người bác của bà Gừng biết được. Thương cô cháu gái, người bác luôn ở bên cạnh cho đến năm 1974, bà Gừng mới nhận được giấy báo tử của chồng dù liệt sĩ Lê Quang Tặc hy sinh từ ngày 6/3/1972.

Tấm bản đồ giúp anh Lê Quang Vinh tìm được hài cốt bố ở Campuchia

Tấm bản đồ giúp anh Lê Quang Vinh tìm được hài cốt bố ở Campuchia

Vạch rừng tìm hài cốt bố

Tin chồng hy sinh như sét đánh ngang tai. Cầm tờ giấy báo tử, bà như hóa đá. Nhớ thương chồng, bao đêm nước mắt đầm đìa ướt gối nhưng bà Gừng không cho phép mình gục ngã.

Bà đã mạnh mẽ đứng dậy để làm trọn đạo hiếu người dâu hiền, người mẹ và giữ trọn lời thề với người chồng đã khuất. Nhiều người đến dạm hỏi, bà đều lắc đầu: "Trái tim tôi đã trao trọn cho anh ấy. Cả đời này tôi chỉ nhớ thương anh ấy".

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình nhưng điều khiến bà Gừng luôn day dứt là hài cốt của chồng vẫn chưa biết ở đâu khi giấy báo tử chỉ với dòng chữ "hy sinh ở mặt trận phía Nam" và "an táng ở nghĩa trang gần mặt trận".

Thấy mẹ mỗi lần thắp hương cho bố lại khóc, anh Lê Quang Vinh, con trai duy nhất của bà Gừng và liệt sĩ Lê Quang Tặc, cũng quặn thắt lòng. Không để mẹ cứ ám ảnh mãi trong ngôi nhà cũ, anh Vinh đã chuyển nhà từ huyện Thanh Oai lên thị trấn Xuân Mai.

Thế nhưng, việc chuyển nơi ở mới cũng không giúp mẹ anh nguôi ngoai. Thi thoảng, biết tin những người hàng xóm cũ đón một liệt sĩ trở về quê, bà Gừng lại lấy ảnh chồng ra ngắm rồi lặng lẽ khóc…

Anh Lê Quang Vinh và mẹ

Anh Lê Quang Vinh và mẹ

Sau khi thu xếp công việc gia đình, bắt đầu từ năm 2000, anh Vinh bước vào hành trình đi tìm hài cốt của bố. Thông qua Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Trung tâm MARIN), sau đó được đối chiếu lại từ trích lục từ Bộ Tư lệnh Thủ đô, anh biết được bố hy sinh ở Viện K20 nhưng K20 nằm ở đâu trong trích lục lại không có thông tin.

Bế tắc, anh Vinh tìm đến các nhà ngoại cảm. "Thời điểm đó, có nhà ngoại cảm rất nổi tiếng. Tôi phải đến nhà đó ăn ở 20 ngày mới đến lượt mình. Thế nhưng, sau khi họ đưa ra một số thông tin, tôi đã đối chiếu lại và thấy không chính xác. Tôi lại tìm đến người khác nhưng không được", anh Vinh kể lại.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Vinh quyết định đi tìm nhân chứng sống. Trải qua rất nhiều cuộc gặp gỡ, anh Vinh biết Viện K20 đóng quân ở nhiều địa phương khác nhau nhưng thời điểm 1970-1972 thì đóng ở huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia.

Trước đó, một người chú họ của anh từng chiến đấu ở mặt trận phía Nam cũng cho anh Vinh biết, bố anh hy sinh trên đất Campuchia. Người này còn đưa cho anh tấm bản đồ Campuchia và khoanh vùng ở một địa điểm thuộc tỉnh Stung Treng và khẳng định chắc nịch "bố cháu hy sinh ở đó".

Cùng với 4 người thân, anh Vinh quyết định sang tỉnh Stung Treng. Theo bản đồ người chú cung cấp, địa điểm được cho là nơi liệt sĩ Lê Quang Tặc hy sinh cách cửa khẩu đến 300km. Hơn nữa, khi đặt chân đến đây tất cả đã thay đổi so với những gì người chú kể lại.

Giữa bốn bề núi rừng, anh Vinh biết tìm bố ở đâu. Suốt một tuần lễ trên đất Campuchia, anh Vinh đã sống cùng người dân bản địa để tìm manh mối. Sau cùng anh như vỡ òa khi một người dân tiết lộ "biết địa điểm bộ đội Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ".

Anh Vinh nhờ người dẫn đường. Khi đến nơi, anh thấy nhiều bộ đội Việt Nam đang có mặt tại đây. Họ là đội chuyên trách K52, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Đại tá Vũ Văn Sơn, Đội trưởng đội chuyên trách K52, cho biết, đội đang tìm kiếm các liệt sĩ Viện K20. Nghe đến đây, anh Vinh và người thân sung sướng ôm nhau mà nước mắt cứ thế rơi. Như vậy, khả năng tìm được hài cốt của liệt sĩ Lê Quang Tặc là rất lớn.

Những ngày sau đó, đã có nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy nhưng tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nhân thân.

Qua cựu chiến binh Phan Ngọc Huân, người đi tìm hài cốt cùng Đội chuyên trách K52 và với danh sách 128 liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cung cấp, anh Vinh biết bố anh là 1 trong số hơn 100 liệt sĩ đã được tìm thấy. Tất cả các hài cốt đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Ngày 4/1/2021, Cục Người có công phối hợp với Viện Pháp y quốc gia tổ chức lấy mẫu phẩm liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ. Tất cả các ngôi mộ đưa về từ Stung Treng đều còn xương cốt, nhưng chỉ có 93 phần mộ có mẫu phẩm đáp ứng chất lượng để giám định ADN cho liệt sĩ.

Các mẫu phẩm sau đó được đưa về lưu giữ tại Viện Pháp y quốc gia để đối chiếu với thân nhân. Tháng 9/2022, 15 liệt sĩ đầu tiên trong số 93 mẫu phẩm lấy từ các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ đã xác định được danh tính. Số còn lại, trong đó có liệt sĩ Lê Quang Tặc, đến nay vẫn chưa xác định được.

"Việc hài cốt của bố tôi được quy tập vào nghĩa trang Đức Cơ đã giải tỏa được phần nào tâm tư của người thân, đặc biệt là mẹ tôi. Bà từng nói, chỉ khi nào tìm được hài cốt của chồng, bà mới an lòng nhắm mắt. Từ khi tìm được bố, mẹ tôi đã vui hơn, sức khỏe cũng tốt hơn.

Tôi vẫn mong sẽ được cùng cựu chiến binh Phan Ngọc Huân và chiến sĩ Đội chuyên trách K52, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai trở lại Stung Treng để tìm thêm những đồng đội của bố - những người đã hi sinh tại Viện K20 và chưa được tìm thấy hài cốt", anh Vinh nói về tâm nguyện của mình.

Có những cuộc hôn nhân không cần dài để yêu, không cần gần để gắn bó mà chỉ một lời thề cũng đủ để sống trọn đời thủy chung.

Nguyễn Cảnh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mot-nam-lam-vo-ca-doi-cho-mong-20250428135158367.htm
Zalo