Điều kiện gây bão lửa tại Los Angeles là hậu quả từ biến đổi khí hậu

Một sự kết hợp đặc biệt của các điều kiện môi trường cực đoan đã tạo ra cơn bão lửa chưa từng có tiền lệ đang diễn ra trên khắp miền nam bang California.

Đám cháy lan rất nhanh

Đám cháy lan rất nhanh

Trong các thành phần gây ra những đám cháy rừng này ở khu vực Los Angeles, phải kể tới sức gió mạnh gần bằng bão và độ khô như thời kỳ hạn hán. Hiện tượng gió và khô kết hợp báo trước một thời kỳ của các hiện tượng phức hợp, tức là các loại điều kiện thời tiết cực đoan xảy ra đồng thời vào những thời điểm bất thường trong năm, dẫn đến những tình huống vượt quá khả năng ứng phó của chúng ta.

Vào thứ tư, tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết điều lực lượng của Bộ Quốc phòng để tiếp viện lực lượng chữa cháy của tiểu bang và địa phương. Đây là động thái hiếm hoi nêu bật mức độ nguy hiểm mà các đám cháy di chuyển nhanh đã gây sức ép cho các nỗ lực ứng phó.

Khi gió mạnh và khô hạn bắt tay nhau

Tính đến tối thứ tư, các đám cháy Palisades và Eaton đã thiêu rụi hơn 40 cây số vuông và vẫn hoàn toàn không được kiểm soát. Khoảng một phần ba số nhà và doanh nghiệp trên khắp Los Angeles phải cắt điện nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra hỏa hoạn mới do đường dây điện bị sự cố.

Đám cháy Palisades hiện được xếp hạng là đám cháy có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử Los Angeles với hàng trăm ngôi nhà và các công trình khác bị phá hủy và thiệt hại lớn đến mức làm cạn kiệt nguồn cấp nước của thành phố. Tại Pacific Palisades, người dân đã phải bỏ lại xe hơi để chạy bộ khỏi những khu phố bị tắc nghẽn trong khi đám cháy lan rất nhanh.

Ước tính thiệt hại ban đầu từ các vụ cháy rừng lên tới hàng chục tỉ USD và có thể khiến hỏa hoạn đang diễn ra trở thành vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ - vượt qua vụ cháy Camp năm 2018 ở Paradise, California.

Đội cứu hỏa đã phải đối mặt với đêm thứ hai có gió mạnh ở địa hình gồ ghề trong bối cảnh hạn hán và điều kiện khí quyển cực kỳ hiếm gặp ở Nam California vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, chứ đừng nói đến tháng 1. Đầu năm thường là thời điểm giữa mùa mưa nhưng năm nay mùa mưa sẽ đến chậm hơn nhiều tuần

Vài ngày tới sẽ là một thử thách khốc liệt. Những cơn gió mạnh, khô kéo dài đến đầu tuần sau sẽ duy trì khả năng hình thành thêm các đám cháy có quy mô tương tự. Trong trường hợp xấu nhất, các đám cháy Palisades và Eaton không được kiểm soát sẽ tiếp tục lan rộng hơn vào khu vực đô thị Los Angeles. Trong khi đó, các đám cháy mới xuất hiện đồng thời và nhanh chóng phát triển ngoài tầm kiểm soát có thể lan sang các khu dân cư khác. Chúng có thể đe dọa các khu an toàn nhanh hơn cả tốc độ phản ứng của lính cứu hỏa. Trong những điều kiện như thế, việc kiểm soát đám cháy do gió là gần như không thể.

Những đám cháy này là một thời khắc quan trọng, không chỉ đối với cư dân Los Angeles, mà còn tượng trưng cho một kỷ nguyên mới của thảm họa khí hậu phức tạp, hỗn hợp. Các điều kiện cho một trận bão lửa vào tháng 1 ở Los Angeles chưa bao giờ tồn tại trong toàn bộ lịch sử trước đây.

Hai câu trả lời cho một câu hỏi

Vì sao lại thế? Câu trả lời ngắn gọn cho điều kiện thời tiết ác mộng hiện giờ là các loại khí nhà kính mà con người tiếp tục thải ra đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu và khiến các đám cháy lớn trở nên phổ biến hơn ở California. Khi bầu khí quyển ấm lên, không khí nóng hơn sẽ làm bốc hơi nước nhanh hơn và có thể làm hạn hán trở nên trầm trọng hơn .

Băng tan ở Bắc Cực tạo ra những thay đổi trong luồng không khí đối lưu khiến các đám cháy rừng lớn do gió ở California có nhiều khả năng xảy ra hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tượng gió Santa Ana (loại gió khô thường xảy ra vào mùa thu và đầu mùa đông) có thể ít xảy ra hơn nhưng có thể dữ dội hơn vào những tháng mùa đông do khủng hoảng khí hậu.

Câu trả lời phức tạp hơn là những đám cháy này là một ví dụ đặc biệt nghiêm trọng về điều mà các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo trong nhiều thập niên qua: thảm họa khí hậu kép. Đó là khi chúng xảy ra đồng thời, gây ra nhiều thiệt hại hơn so với khi chúng xảy ra riêng lẻ. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu leo thang, các hệ thống khí quyển, đại dương và sinh thái phụ thuộc lẫn nhau sẽ tương tác dẫn đến những thay đổi phức tạp, thậm chí thay đổi bản chất khó có thể dự đoán trước.

Trong 16 tháng kể từ lần chạm trán với cơn bão nhiệt đới đầu tiên của thành phố, miền nam California đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử và chỉ nhận được 2% lượng mưa bình thường trước khi bước vào mùa mưa năm nay - đây là giai đoạn khô hạn nhất được ghi nhận. Những đám cỏ từ trận mưa lớn do bão nhiệt đới năm 2023 vẫn còn đó nhưng đã khô, càng làm tăng thêm nhiên liệu cho các đám cháy.

Bản thân điều kiện khô vốn là một thành phần trong công thức cho thảm họa. Nhưng còn thêm thành phần nữa là những cơn gió Santa Ana trong tuần này, tự nó đã phá vỡ kỷ lục về tốc độ gió trên toàn khu vực, với những cơn gió giật lên tới 161 km/giờ vào sáng sớm thứ tư. Những cơn gió khô này kết hợp lại tạo ra những điều kiện khắc nghiệt thích hợp cho cháy rừng là đủ để lực lượng cứu hỏa chịu chết ngay cả khi họ chủ động phòng chống. Còn lần này, bão khô lại đến vào tháng 1 khi nhiều lính cứu hỏa đang nghỉ phép còn thiết bị đã được chuyển vào kho.

Thảm họa thiên nhiên diễn ra trên toàn thế giới, không chỉ trong các vụ cháy rừng. Mùa bão năm 2020 và 2021 chứng kiến tổng cộng bảy cơn bão lớn ảnh hưởng đến Louisiana và bờ biển phía nam nước Mỹ giáp vịnh Mexico, đôi khi chỉ cách nhau vài tuần. Một loạt bão tương tự đã xảy ra vào năm ngoái ở Florida. Năm 2023, cháy rừng đã thiêu rụi một khu vực của Canada gấp đôi kỷ lục trước đó, tạo ra những đám khói trên khắp lục địa Bắc Mỹ và gây ra mối lo ngại về sức khỏe của hàng chục triệu người ở phía dưới hướng gió.

Trong những tuần và tháng tới, khi mùa mưa tiếp tục và dòng sông khí quyển tiếp theo tràn về, Los Angeles sẽ có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt thảm khốc tại các vết cháy Palisades và Eaton do không còn rừng ngăn. Một lần nữa, di chứng vụ cháy làm trầm trọng thêm thảm họa cho người dân địa phương.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dieu-kien-gay-bao-lua-tai-los-angeles-la-hau-qua-tu-bien-doi-khi-hau-228144.html
Zalo