Tâm từ bi cảm hóa muôn loài
THÍCH NGUYÊN HÂỤTrong kinh điển Phật giáo có nhiều giai thoại liên quan đến con rắn, thể hiện lòng từ bi, trí tuệ của đức Phật cảm hóa muôn loài. Cũng mang ý nghĩa ấy, song tích truyện 'Đức Phật kể câu chuyện về con rắn độc' còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống, thậm chí ở tầm quốc gia đại sự, theo cách gần gũi, dễ hiểu.
Một vị vua đến hỏi đức Phật, nếu thực hành theo hạnh từ bi không sát sinh của Ngài, đối với những kẻ phạm tội, có thể nghiêm trị hay không? Khi đất nước bị xâm lăng, liệu có thể hô hào binh sĩ và Nhân dân cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ đất nước mình hay không?
Nghe xong, Đức Phật liền kể cho vị vua nghe câu chuyện về một con rắn độc.
“Trong ngôi làng nọ, có một con rắn độc rất hung dữ. Nó đã cắn rất nhiều người và khiến họ phải mất mạng. Người trong làng vô cùng lo sợ, trẻ con cũng không dám chơi gần các gốc cây.
Một hôm có vị tu sĩ đi đến ngôi làng và ngồi nghỉ dưới bóng mát của gốc cây, chợt con rắn độc bò ra định cắn vị tu sĩ. Thấy sắc mặt của vị tu sĩ vẫn thản nhiên không sợ hãi, nó rất kinh ngạc.
Vị tu sĩ nói với nó rằng khi con cắn người và gây tổn thương cho họ, họ sẽ vô cùng đau đớn, thậm chí mất mạng. Rắn độc liền khởi tâm từ bi, từ đó nó quyết định sẽ không bao giờ hại người nữa.
Khi thấy rắn độc không cắn người, người ở trong làng dần dần hết sợ. Họ bắt đầu trêu chọc nó, trẻ con dùng chân đạp lên đuôi, rồi ném đá khiến nó bị thương rất nặng. Nhưng dù vậy, nó vẫn không hề làm tổn thương ai và không hề muốn báo thù. Đói khát và đau đớn khiến nó kiệt sức.
Một ngày kia, vị tu sĩ nọ lại đến, thấy tình cảnh của con rắn, rất đau lòng. Sau khi đắp thuốc chữa trị, vị tu sĩ mới hỏi tại sao con rắn lại lâm vào cảnh ngộ này. Rắn độc trả lời con đã lĩnh ngộ được lý đạo nên không cắn người.
Vị tu sĩ mỉm cười và nói rằng: ta bảo con kiềm chế bản tính hung hăng nhưng con lại làm mất bản tính tự vệ của mình. Con không cắn người thì cũng phải thè lưỡi ra để mà dọa họ chứ”.
Đức Phật nói tiếp với nhà vua: “Bất cứ một sự thái quá nào trong hành vi, dù không sát sinh cũng đều biến thành bạo lực. Người phạm tội phải bị trừng phạt vì tội lỗi và ác nghiệp mà họ gây ra. Làm như vậy họ sẽ kiêng sợ mà không dám tái phạm. Nhưng, khi trừng phạt một ai đó tuyệt đối không được để thù riêng, hận cũ chi phối sự phán quyết của mình. Khi tà ác thắng thế thì nhân tính sẽ không tồn tại, hãy lấy cái thiện để thắng cái ác, hãy làm theo luật pháp, hãy làm theo ý kiến của quần thần, Nhân dân và điều quan trọng là đều phải bắt nguồn từ tâm từ bi. Con hãy nhớ rằng tất cả đều phải bắt nguồn từ tâm từ bi”.
*****
Đức Phật và giáo lý của Ngài chỉ có một mục đích duy nhất đó là giải thoát cho con người nói riêng và mọi loài nói chung thoát khỏi khổ đau. Phật dạy nước trong bốn biển chỉ có một vị là “vị mặn”, cũng thế, giáo lý của Phật chỉ có một mục đích duy nhất là giải thoát, tức là giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
Phật giáo Đại thừa xác quyết rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Phật là Phật đã thành, chúng sinh nếu biết tu tập thì sẽ chắc chắn thành Phật, nên đức Phật dạy “các con là Phật sẽ thành”. Do vậy, khi mang hình hài khác nhau trong cõi luân hồi, có thể là thân người, thân trâu, bò, lừa, ngựa hay rắn thì cũng cần đối đãi nhau bằng tình thương yêu, như thế mới không mang lại đau khổ cho nhau.
Đức Phật chỉ muốn diệt ý niệm xấu - ý niệm xấu đó có khi được ví là nọc độc của rắn - của chúng sinh chứ không phải diệt toàn bộ thân và tâm của chúng sinh. Nghĩa là, một người làm ác thì cần giúp họ diệt trừ ý niệm ác chứ không diệt trừ cả con người kia, vì như thế là một việc làm thái quá, vì một cây bị sâu mà hủy cả khu rừng.
Ý niệm xấu mới là nọc độc làm người khác và thậm chí là tự thân đau khổ, cũng như con rắn kia, khi biết được “nọc độc” của mình có thể gây chết người, nhưng sau khi khởi lên tâm từ bi, nó không còn là rắn độc nữa. Có thể hiểu rằng, là con người tất sẽ có những tính xấu ác, hệt như hễ là rắn độc ắt sẽ có nọc độc, nhưng khi biết giữ giới, biết làm thiện thì không để những tính xấu đó điều khiển hành vi bản thân nữa.
Khi một chúng sinh mang thân rắn, có thể là rắn độc nhưng chúng ta không nhân danh bảo vệ loài này mà tàn sát, thậm chí là hủy diệt loài khác. Vì khi làm như thế thì đã thiên vị, từ đó có thể là “ân nhân” của loài này nhưng lại là “kẻ hủy diệt” đối với loài khác.
Diệt cái xấu, nêu điều tốt là công việc của tất cả các bậc vĩ nhân minh triết từ cổ chí kim, cũng là mục đích của mọi pháp luật của các quốc gia từ Đông sang Tây... Tuy vậy, muốn diệt cái ác cũng cần có biện pháp đúng đắn, có trình tự trước sau, phân chia nặng nhẹ... Do vậy, Phật dạy muốn bắt rắn độc - diệt trừ ý niệm xấu ác trong lòng người - cũng cần có trật tự thứ lớp, có biện pháp khác nhau: phải chế ngự không cho cái ác có điều kiện làm ác bằng hình thức mạnh, phương pháp cứng rắn trước, sau đó mới tìm cách giáo hóa, hướng dẫn từ từ.
Rắn và độc tính của rắn là hai khái niệm khác nhau; con người và cái xấu của loài người cũng là hai khái niệm không giống nhau. Tuy nhiên, chúng song song tồn tại, vấn đề cốt lõi ở việc bỏ xấu theo tốt, bỏ ác theo thiện bằng cách nhận thức, hiểu rõ và có các biện pháp tương thích, cần tránh cách làm biến chính bản thân của sự diệt ác lại trở thành cái ác. Vì nếu chúng ta làm không đúng phương pháp thì chỉ là diệt được cái ác này bằng cách thay thế cái ác khác.