Bí ẩn đằng sau việc Greenland có tỷ lệ tự tử cao bậc nhất thế giới?
Hòn đảo mà Tổng thống Donald Trump muốn nước Mỹ kiểm soát, thật bất ngờ lại là nơi có tỷ lệ người dân tự tử cao hàng đầu thế giới.
Tất cả mọi người ở Greenland đều biết một người thân đã tự tử. Một người bạn tốt, một người họ hàng, một người anh em hoặc một người hàng xóm. Một người cha, người mẹ, một người chị em, một người bạn cùng lớp... Dường như không thể tìm thấy một người nào trên hòn đảo băng giá này chưa từng bị cướp mất người thân bằng cách tự tử ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.
Doris Jakobsen, một nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội Siumut, 50 tuổi, nói: “Tất nhiên là tôi biết [người thân tự tử]. Thực tế, đó là một trong những lý do tôi tham gia chính trị”.
Ông Rikke Ostergaard, 48 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học xã hội, cho biết: "Ở đây, bạn được sinh ra, đi học, lớn lên, thành thiếu niên, hút điếu thuốc đầu tiên, có bạn trai đầu tiên, bạn bè tự tử, bạn học xong… Đó là một phần tiểu sử của mỗi người”.
Poul Pedersen, một nhân viên xã hội 30 tuổi, nói: “Bạn thân nhất của tôi và anh họ tôi đã tự tử. Và bạn gái thân nhất của tôi đã tự tử nhiều năm sau khi em gái cô ấy tự tử. Mỗi khi có ai đó tự tử ở đây, chúng tôi tự hỏi: Ai sẽ là người tiếp theo?”
Còn Maliina Abelsen, nhà xã hội học, 48 tuổi, nói: “Tôi biết ít nhất 10 người.”
Greenland, hòn đảo rộng lớn và trống trải, gần như hoàn toàn bị chôn vùi trong băng, chỉ có 57.000 người sinh sống. Nhưng hòn đảo mà Tổng thống Donald Trump hiện đang mong muốn biến thành một phần của nước Mỹ lại là nơi có một trong những tỷ lệ tự tử cao nhất hành tinh. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là 9 người/100.000 dân mỗi năm. Ở Mỹ, tỉ lệ này vào năm 2022 là 14,2, ở Hàn Quốc vào cùng năm là 25,2; ở Nga, là 25, theo dữ liệu năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới. Còn ở Greenland, theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ này không dưới 80. Thậm chí, vào năm 1989, “đại dịch” tự tử đã lên tới con số gần như không thể tưởng tượng được là 120 người/100.000 dân. Trong thời gian đó, các chuyên gia cho rằng Greenland nắm giữ kỷ lục đáng ngại là nơi có nhiều vụ tự tử nhất trên Trái đất.
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt
Có thể dễ dàng nhìn ra xung quanh và chỉ ra ngay thủ phạm: thiếu ánh sáng, khí hậu khắc nghiệt và sự cô đơn. Vào mùa đông, bình minh ló dạng lúc 11 giờ sáng và không có gì lạ khi người dân đi làm trong nhiệt độ -15 độ C, với vầng trăng sáng treo cao trên bầu trời. Những ngày trời quang thì bầu không khí lạnh cóng, thường xuống -17 độ C.
Nhưng lời giải thích không đơn giản như vậy. Không có nghiên cứu nào cho thấy rằng tự tử ở Greenland ít xảy ra hơn vào những ngày hè, khi ánh sáng ban ngày chiếu liên tục và mặt trời “nhảy múa” trên đầu người dân Greenland 24 giờ một ngày.
Những câu chuyện cổ của người Inuit kể lại rằng, khi người già cảm thấy vô dụng, họ sẽ đến một vách đá và nhảy xuống biển để không trở thành gánh nặng cho những người còn lại trong cộng đồng. Nhưng trên thực tế, những người thường tự tử nhất trên đảo Greenland lại là thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 24. Một yếu tố khác được nhắc đến là sự hiện diện của vũ khí trong tay những người có kỹ năng săn tuần lộc, hải cẩu và tuần lộc, mặc dù các nghiên cứu cho thấy phương pháp tự tử phổ biến nhất ở Greenland là treo cổ.
Địa hình cô lập, ít kết nối
Tỷ lệ tự tử hiện đang tăng vọt ở các thị trấn và làng mạc ở phía đông của hòn đảo, những cộng đồng xa xôi nhất. Ở Greenland, không có con đường nào ngoài những con đường nối thủ đô Nuuk với vùng ngoại ô rồi kết thúc.
Mối liên hệ giữa các thị trấn trải dài dọc bờ biển và cách xa hàng trăm hoặc hàng nghìn kilomet phụ thuộc vào tàu thuyền, máy bay hạng nhẹ hoặc trực thăng, những phương tiện có thể bị đình trệ do một trận bão tuyết bất ngờ.
Thủ phủ Nuuk, với dân số 20.000 người, có các nhà hàng, cửa hàng, nhiều trụ sở công ty, một bảo tàng quốc gia, một trường đại học, một trung tâm văn hóa, một trung tâm mua sắm và một số siêu thị. Cuộc sống đắt đỏ, nhưng mức lương cũng tương đương với mức lương ở Đan Mạch.
Nhưng ở các thị trấn và làng mạc phía đông thì hoàn toàn không có những hình ảnh như vậy. Việc tiêu thụ rượu và các vấn đề liên quan đã đạt đến mức độ mà chính quyền phải cấm bán đồ uống có nồng độ cồn trên 15% từ cách đây nhiều năm. Tuy vậy, thị trường chợ đen vẫn hoạt động. Một chai rượu vodka nhỏ có thể có giá hơn 60 USD. Ngoài mức độ lạm dụng rượu cao, tỷ lệ lạm dụng tình dục và bạo lực gia đình cũng cao ở khu vực này của đảo.
Một báo cáo được công bố vào tháng 3/2023 trên tạp chí BMC Psychiatry phân tích các vụ tự tử ở Greenland theo quan điểm lịch sử đã kết luận rằng nạn tự tử chỉ tăng mạnh từ những năm 1960 trở đi. Nó tiếp tục tăng cho đến đỉnh điểm vào năm 1989, với tỉ lệ 120 người tự tử/100.000 dân. Dần dần, tỷ lệ này đã giảm xuống - đặc biệt là ở thủ phủ Nuuk - cho đến khi ổn định ở mức trung bình hiện tại là 80.
Bản sắc bị xóa bỏ -Thủ phạm chính?
Nhà xã hội học Maliina Abelsen đã nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm và hiểu rõ nguồn gốc của nó: “Tôi đã đi đến Australia, New Zealand và Canada, và câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở tất cả các xã hội bị thực dân hóa, và tỷ lệ tự tử ở đó cũng tương tự. Khi bạn bị tách khỏi ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của chính mình, bạn cảm thấy xa lạ với xã hội và với chính mình. Và thay vì trút sự thất vọng đó ra bên ngoài và tạo ra một cuộc cách mạng, bạn lại hướng sự thất vọng đó vào bên trong và tự trách mình vì không đủ tốt”.
Thêm vào đó là việc hàng nghìn ngư dân và thợ săn gần như bị ép buộc phải di dời khỏi các ngôi làng trong suốt những năm 1970, họ phải đến và sống ở thủ đô. “Nhiều người cảm thấy như họ đang sống trong một sở thú”, bà Abelsen nói. “Và khi bạn tước đi những gì tạo nên một ai đó và họ mất đi bản sắc của mình, thì điều tiếp theo là rượu, lạm dụng, bạo lực và tự tử”.
Theo chuyên gia này, sự gia tăng các vụ tự tử đã tạo ra một “vòng xoáy tiêu cực” trong xã hội Greenland, một loại bệnh truyền nhiễm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Tự tử đã trở thành một mô hình, một đại dịch. Một lối thoát quen thuộc. Một điều gì đó đã trở thành thông lệ. Tôi biết nhiều người trẻ tuổi có bạn thân tự tử và điều đó khiến họ nghĩ rằng họ không phải là bạn tốt, rằng họ không xứng đáng được sống vì điều đó, và cuối cùng họ cũng tự tử. Vì vậy, căn bệnh lây lan. Đó là một vòng xoáy tiêu cực. Giống như việc uống rượu vậy", nhà xã hội học Abelsen chia sẻ.
Làm thế nào để đảo ngược tình hình? “Vâng, bằng cách mở cửa xã hội để chữa lành mọi tổn thương mà chúng ta mang theo, cả tổn thương cá nhân — chẳng hạn như cảm giác tội lỗi hoặc nghiện rượu hoặc thiếu bản sắc — và tổn thương tập thể, thường liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với Đan Mạch, bởi vì chúng ta đã tạo ra một xã hội dựa trên quan niệm rằng chúng ta không tốt bằng người Đan Mạch. Đó là điều mà thế hệ của tôi tin tưởng. Nhưng các thế hệ mới không còn nghĩ theo cách đó nữa”, bà Abelsen giải thích.