DIỄN ĐÀN NGƯỜI LAO ĐỘNG SẼ TẠO HIỆU ỨNG TÍCH CỰC VỚI CÔNG NHÂN
Ngày mai 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn'. Đây là động thái cụ thể hóa cam kết của Quốc hội trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Giới chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng sau diễn đàn nhiều chính sách thiết thực sẽ được đề xuất, giúp duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đây chính là cuộc giám sát toàn diện nhất đối với các vấn đề khó khăn mà người lao động đang gặp phải hiện nay.
Dự báo thị trường lao động vẫn chịu nhiều rủi ro và thách thức
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện tình hình lao động, việc làm tiếp tục duy trì đà phục hồi. Trong quý 1/2023, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi này kéo theo tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cũng giảm. Theo thống kê, trong quý 1, có 205.128 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 8.233 người so với quý 4/2022 và giảm 2.500 người so với cùng kỳ của năm 2022.
5 nhóm ngành có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 45,9%; hoạt động dịch vụ khác 28,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 4,5%; xây dựng 3,5%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 3,2%. 5 nhóm nghề có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là thợ may, thêu và các thợ có liên quan với 26,4%; thợ lắp ráp 7,8%; nhân viên bán hàng và kỹ thuật viên điện tử cùng chiếm 2,9%, kế toán 2,6%.
Mặc dù thị trường lao động hiện nay đã cơ bản ổn định song theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, một số ngành (may mặc, giày da, chế biến gỗ....) vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. Tính riêng trong quý 1/2023, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước là gần 294 nghìn người, tập trung đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu ở một số ngành như da giày, dệt may ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang, Vĩnh Long...Số lao động mất việc làm trong quý 1 là 149 nghìn lao động, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%).
Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng đưa ra dự báo thị trường lao động những tháng tiếp theo của năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức; các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày…, dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đây không phải vấn đề “một sớm, một chiều” có thể xử lý ngay. Giải pháp căn cơ là cần tái cấu trúc doanh nghiệp, định hướng lại các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chiều sâu. Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động đặc biệt với lao động trình độ thấp cần đào tạo, đào tạo lại.
Ngành lao động - thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương cần tập trung nắm chắc thực trạng của doanh nghiệp trên địa bàn; cả doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lẫn doanh nghiệp có người lao động giãn việc phải sa thải lao động. Từ đó, triển khai các giải pháp, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện hỗ trợ cho họ. Để làm được việc này, vị chuyên gia cho rằng, cũng cần có sự phối hợp giữa người lao động, doanh nghiệp và của tổ chức liên quan đến người lao động, đặc biệt là tổ chức Công đoàn. Các địa phương cần có đề án về cung ứng lao động. Đặc biệt, cần chú ý nguồn cung lao động từ các doanh nghiệp có lao động bị mất việc, giãn việc; lao động muốn chuyển đổi việc làm, lao động mất việc phải ưu tiên hàng đầu.
Diễn đàn người lao động kỳ vọng lan tỏa hiệu ứng tích cực đến doanh nghiệp và người lao động
Trước khó khăn đó, người đứng đầu Quốc hội luôn trăn trở làm sao tìm ra giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, diễn đàn Người lao động đã lần đầu tiên được Quốc hội tổ chức tập trung làm rõ vai trò của công nhân, vấn đề xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, vấn đề giám sát thực thi chính sách pháp luật, vấn đề lao động việc làm. Diễn đàn Người Lao động năm 2023 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, là vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động, Phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai… và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của giới chuyên gia và người lao động việc Quốc hội tổ chức diễn đàn trong bối cảnh hiện nay là rất kịp thời và cần thiết, tạo sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực đối với công nhân và người lao động nói chung.
TS. Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bày tỏ việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt về mặt hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế cho người lao động. Người lao động cũng có cơ hội phản ánh thực tiễn thi hành các luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ cũng như đóng góp ý kiến trong tiến trình sửa đổi các luật này.
Ông Tô Hoài Nam mong muốn diễn đàn tập trung làm rõ bức tranh toàn cảnh về tình hình việc làm, thu nhập, hai vấn đề người lao động quan tâm nhất; Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với lao động. Từ đó, xây dựng kế hoạch bảo vệ người lao động thiết thực. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tương lai sẽ có những tổ chức đại diện của người lao động không nằm trong Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Điều này đặt ra bài toán Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải tiếp tục cải cách hiệu quả quản lý, hoạt động, cải thiện chất lượng cán bộ, công chức trong các tổ chức công đoàn cơ sở.
Ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng, diễn đàn cần đề cập, quan tâm hơn đến lực lượng lao động không chính thức - nhóm dễ bị tổn thương, khó tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động. Từ đó, những thảo luận tại Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng các chính sách thiết thực, giúp duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Diễn đàn cũng được đông đảo lực lượng người lao động kỳ vọng, Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Bộ phận Nghiên cứu tổ chức sản xuất Công ty TNHH S&D Quảng Bình chia sẻ là Doanh nghiệp may mặc chuyên xuất khẩu sang châu Âu, S&D Quảng Bình, Công ty đang phải xoay xở với tình trạng thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, chi phí nguyên liệu không ổn định, điện tăng giá, khó tiếp cận tín dụng càng khiến doanh nghiệp khó khăn. Vì vậy, cắt giả̉m lao động là điều khó tránh khỏi, kéo theo đó, thu nhập của đại bộ phận công nhân, người lao động sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, công nhân có nhu cầu cao về nhà ở xã hội nhưng đến nay cung không đáp ứng được cầu… Trong bối cảnh như vậy, tất cả người lao động trong công ty TNHH S&D Quảng Bình rất trông đợi Diễn đàn này để được trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đang được sửa đổi như vấn đề rút bảo hiểm một lần khi sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội. Kỳ vọng các ý kiến tại Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng các chính sách thiết thực như các chính sách phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con em, cũng như hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội, phúc lợi, từ đó tạo động lực để ngưòi lao dộng yên tâm làm việc và cống hiến cho công ty, cho đất nước.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng bày tỏ kỳ vọng Diễn đàn tổ chức với quy mô lớn với sự tham gia của khoảng 500 người đại diện cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được tổ chức theo hình thức thảo luận trực tiếp giữa lãnh đạo Quốc hội và các lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương với đoàn viên công đoàn, người lao động sẽ tạo cầu nối trực tiếp để Đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026,….Thông qua diễn đàn giúp Đoàn viên, người lao động nhận thức rõ hơn và thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Giám sát hiệu quả, đề xuất xác đáng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổ chức Diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng để lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người lao động và công nhân - đối tượng cử tri hết sức đặc biệt. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng mong rằng tại diễn đàn này, người lao động có thể nói hết những trăn trở, khó khăn của mình và các đại biểu sẽ đề xuất được giải pháp” trúng và đúng” để giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp cũng như người lao động đang gặp phải. Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội luôn dành mối quan tâm lớn cho người lao động. Ngay trong Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội tiếp tục có thêm các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Hy vọng tới đây, Quốc hội sẽ có thêm nhiều cuộc gặp gỡ với người lao động trong quá trình xây dựng luật pháp để bảo đảm lợi ích cho lực lượng quan trọng này.
Có thể nói trước cú sốc chưa từng có của đại dịch Covid 19, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động luôn là yếu tố quan trọng, tạo niềm tin giúp họ vượt qua khó khăn. Quan trọng nhất là việc lắng nghe, kịp thời điều chỉnh những chính sách pháp luật chưa thực sự phù hợp để người lao động ngày càng có cuộc sống tốt hơn, giúp họ yên tâm lao động, cống hiến cho xã hội. Diễn đàn Người lao động 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn” chính là cuộc giám sát toàn diện nhất đối với các vấn đề cấp bách của ngưòi lao động đang rất nhức nhối hiện nay.