Bùng nổ xu hướng 'nghỉ hưu ngắn hạn' trong giới trẻ: Chọn dừng lại để bước tiếp
Gen Z ngày càng có xu hướng rời bỏ công việc ổn định để theo đuổi xu hướng 'nghỉ hưu ngắn hạn' (micro-retirement). Điều này giúp họ giảm bớt áp lực, cân bằng cuộc sống và tận hưởng hiện tại, thay vì chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu truyền thống.
Nghỉ hưu để tìm lại bản thân
Hơn một năm trước, Mạnh Tuấn (29 tuổi, Hà Nội) quyết định "nghỉ hưu ngắn hạn" khiến bạn bè và đồng nghiệp không khỏi bất ngờ. Là nhân viên truyền thông tại một công ty lớn, Tuấn sở hữu mức lương ổn định, lộ trình thăng tiến rõ ràng, nhưng áp lực công việc đã bào mòn tinh thần anh mỗi ngày.
"Mỗi sáng thức dậy, mình thấy bản thân không còn hào hứng đi làm. Những ý tưởng dần cạn kiệt, sức khỏe giảm sút, mình nhận ra mình đang bỏ lỡ nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống," anh chia sẻ.
Tuấn quyết định xin nghỉ việc và dành trọn một năm để "nghỉ hưu ngắn hạn". Trong khoảng thời gian ấy, anh chàng đã làm những điều trước đây chưa từng dám nghĩ đến: thực hiện chuyến đi xuyên Việt kéo dài ba tháng, theo học một khóa nhiếp ảnh ở Đà Lạt, và bắt đầu viết blog du lịch để chia sẻ hành trình của mình.
"Đó là quyết định khó khăn. Ban đầu, mình cũng lo lắng liệu có đủ tài chính để duy trì cuộc sống trong 1 năm không? Liệu mình có thể quay lại thị trường lao động sau kỳ nghỉ dài như vậy không? Nhưng càng suy nghĩ, mình càng thấy nếu không dừng lại, mình sẽ tiếp tục một cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán," Tuấn kể.
Hành trình xuyên Việt là điểm nhấn trong kỳ nghỉ của anh. Tuấn đi qua từng vùng đất, từ những cánh đồng lúa mênh mông ở miền Tây đến các cung đường núi hùng vĩ ở Hà Giang. Anh chàng 29 tuổi gọi đó là khoảng thời gian để "tái tạo năng lượng và tìm lại bản thân":
"Trước đây, mình chỉ biết đến công việc và những cuộc họp kéo dài. Lần đầu tiên trong đời, mình được sống chậm lại," anh bộc bạch.
Sau ba tháng rong ruổi trên khắp các nẻo đường, Tuấn dành thêm sáu tháng để học nhiếp ảnh và làm việc tự do. Anh thừa nhận việc không có thu nhập cố định trong thời gian dài là thử thách lớn, nhưng những trải nghiệm mới đã giúp anh trưởng thành và hiểu rõ hơn về giá trị của bản thân.
Câu chuyện của Mạnh Tuấn không phải là trường hợp cá biệt. Ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam lựa chọn "nghỉ hưu ngắn hạn" để tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khác với nghỉ phép ngắn hạn hay nghỉ hưu truyền thống, "nghỉ hưu ngắn hạn" là hình thức nghỉ việc trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm, để người lao động có thể tận hưởng cuộc sống và theo đuổi những sở thích cá nhân.
Minh Hạnh (25 tuổi, Hà Nội), hiện đang nhà thiết kế đồ họa tự do, từng trải qua kỳ "nghỉ hưu" kéo dài 8 tháng để thoát khỏi áp lực công việc. "Mình nhận ra bản thân không còn sáng tạo như trước. Những ý tưởng ngày càng trở nên lặp lại, thiếu sáng tạo, vì vậy mình quyết định dừng lại một thời gian để nâng cấp bản thân," Minh Hạnh kể.
Trong thời gian nghỉ, cô nàng tham gia các workshop về mỹ thuật truyền thống, học vẽ tranh sơn dầu và dành thời gian nghiên cứu các sản phẩm thủ công của Việt Nam. Minh Hạnh cũng thử sức với vai trò giảng viên tại một trung tâm nghệ thuật dành cho trẻ em. "Mình không nghĩ rằng mình sẽ yêu thích việc dạy học đến vậy. Các em nhỏ giúp mình nhìn nhận lại giá trị của sự sáng tạo và niềm đam mê từ những điều nhỏ bé," cô chia sẻ.
Sau kỳ nghỉ, Minh Hạnh quay lại công việc với tâm thế mới. Hiện cô điều hành một dự án cá nhân kết hợp thiết kế hiện đại và nghệ thuật truyền thống, đồng thời làm việc với các đối tác lớn hơn nhờ vào những mối quan hệ cô xây dựng trong kỳ nghỉ.
Dẫu vậy, không phải bạn trẻ cũng dễ dàng thực hiện "nghỉ hưu ngắn hạn". Tài chính là một trong những yếu tố lớn nhất mà người trẻ phải cân nhắc.
Quang Huy (27 tuổi, Đà Nẵng), một kỹ sư công nghệ, mất gần một năm để chuẩn bị trước khi nghỉ việc. Huy tiết kiệm 30% thu nhập hàng tháng, đồng thời lên kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn nghỉ: " Mình đặt mục tiêu tiết kiệm đủ để chi trả chi phí sinh hoạt trong ít nhất một năm, bao gồm cả bảo hiểm y tế và dự phòng các khoản phát sinh. Điều này giúp mình an tâm hơn khi quyết định nghỉ."
Huy dành thời gian "nghỉ hưu" để khám phá công nghệ mới và học thêm về trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực anh chàng dự định chuyển hướng sự nghiệp. "Nghỉ không có nghĩa là dừng lại. Mình muốn dùng khoảng thời gian này để nâng cao kỹ năng, chuẩn bị cho một chương mới trong sự nghiệp của mình," anh nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như Huy. Nhiều người trẻ gặp khó khăn khi quay lại thị trường lao động.Minh Phương (27 tuổi, Hải Phòng) từng nghỉ hưu ngắn hạn trong hai năm để vun vén, chăm sóc bản thân và gia đình. Khi quay lại tìm việc, cô nàng gặp không ít trở ngại do khoảng trống trong hồ sơ. "Mình phải giải thích rất nhiều về lý do nghỉ việc, đồng thời chứng minh mình vẫn có thể bắt nhịp với công việc sau thời gian dài tạm nghỉ," Phương kể.
Cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng
Thạc sĩ Nguyễn Mai Lan, chuyên viên nhân sự tại Công ty Cổ phần One Mount Group nhận định rằng xu hướng "nghỉ hưu ngắn hạn" không chỉ là trào lưu nhất thời mà còn phản ánh sự thay đổi trong tư duy của thế hệ trẻ về cách tiếp cận sự nghiệp và cuộc sống. Tuy nhiên, chị cảnh báo, để kỳ nghỉ ngắn hạn này mang lại giá trị thực sự, người trẻ cần có sự chuẩn bị, mục tiêu và kế hoạch kỹ lưỡng.
Theo chị Lan, điều đầu tiên cần làm là xác định rõ mục tiêu của kỳ nghỉ: "Nghỉ để làm gì? Liệu đó có phải là thời gian để phục hồi sức khỏe, nâng cao kỹ năng, khám phá đam mê mới, hay chỉ đơn giản là tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống?"
Một yếu tố không kém phần quan trọng là lập kế hoạch tài chính chi tiết. Nghỉ hưu ngắn hạn đồng nghĩa với việc không có thu nhập ổn định trong một thời gian dài, vì vậy người trẻ cần đảm bảo đã tích lũy đủ quỹ dự phòng để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản, đồng thời sẵn sàng đối phó với các tình huống phát sinh.
Chị Lan khuyến nghị, để giảm áp lực tài chính, các bạn trẻ nên tìm cách tạo ra nguồn thu nhập thay thế như làm việc bán thời gian, đầu tư nhỏ lẻ,... Đồng thời, chị cũng khuyên người lao động trẻ nên chú ý đến việc giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ và cập nhật thường xuyên các xu hướng mới trong ngành nghề, nhằm tránh bị "tụt hậu" hoặc mất mạng lưới quan hệ khi quay trở lại thị trường lao động.