Di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn

Những kết quả điền dã, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học và bảo tàng học từ nhiều thập kỷ nay ở các di sản mang tên làng, tên đất, tên sông, tên suối của Đồng Nai như: Phước Tân, Bình Đa, Gò Me, Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá, Suối Linh, Suối Chồn, Núi Gốm, Dầu Giây, Phú Hòa, Hàng Gòn, Bến Gỗ... đã trở nên quen thuộc và thân thích với khoa học và người dân.

Những “câu đố lịch sử” đầy bí ẩn

Từ nơi đó, ngôn ngữ khảo cổ học và bảo tàng học đã mang từ ngàn xưa về cho hôm nay một vóc dáng cụ thể và hài hòa của đất nước - con người Đồng Nai thời tiền sử và sơ sử, với những biểu tượng văn hóa bản địa “không tiền khoáng hậu” như những làng làm nông và chài lưới, những công xưởng chế tạo trang sức (Đồi Phòng Không) và đàn đá tiền sử (Lithophone préhistorique, Bình Đa), những kho tàng chứa vũ khí đồng thau kiểu “qua đồng” và hình tượng con “trút” đồng (Manis Javanica) (Long Giao), những “cánh đồng chum gốm” mang hình hài những nghĩa trang cộng đồng dày đặc thời sơ sắt và đặc biệt, cả quần thể kiến trúc đá lớn độc đáo đã được phát hiện chính trong vùng từng là trung tâm sinh tụ và tinh thần Đồng Nai thời sơ sắt - di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn.

Các tác giả cố gắng phác họa bức tranh văn hóa, xã hội đặc sắc của cả miền Đông Nam Bộ mà trong đó, quần thể kiến trúc Mộ Cự thạch Hàng Gòn được nhận thức như “một trung tâm tinh thần Đồng Nai” thời kỳ “Nhà nước sớm” và cũng là công trình “có một không hai” khi đối sánh với các truyền thống tạo dựng cự thạch ở Việt Nam và châu Á trong thời đại kim khí.

Mộ Cự thạch Hàng Gòn được khám phá và khai quật đầu tiên bởi viên kỹ sư cầu đường Pháp Jean Bouchot từ gần một thế kỷ trước, từng được ghi nhận trong Danh mục những công trình lịch sử của xứ Nam Kỳ xưa (Liste des monuments historiques de l’ancienne Cochinchine, năm 1930) và thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới (Henri Parmentier, George Coedès, Van Stein Callenfels, Jean-Yves Claeys, Paul Lévy, Ovlov. Jansé, Louis Bezacier, E. Garpardone, H.H.E. Loofs, Edmond Saurin, Louis Malleret, Henri Fontaine, Peter Bellwood, Eiji Nitta...).

Người ta cho rằng đây là loại hình kiến trúc đá lớn kiểu hầm mộ ghép phiến cùng các hàng trụ đá và liên hệ Mộ Cự thạch Hàng Gòn với các di sản cự thạch khắp châu lục (bán đảo Deckker Transjordanie, Assam, bắc Miến Điện, đảo Java, bắc Trung Hoa, Ấn Độ và Tissamharama (Sri Lanca) và cả châu Úc... Nhưng nhiều nhận thức lớn, đặc biệt về vị thế, niên đại và chủ nhân đích thực của cả quần thể cự thạch độc đáo này vẫn còn là những “câu đố lịch sử” đầy bí ẩn.

Sự bí ẩn của cả quần thể di tích

Gần bảy thập kỷ sau khám phá Mộ Cự thạch Hàng Gòn, từ cuối năm 1995, công nhân xe ủi Xí nghiệp Đá lại phát hiện các tấm đan hoa cương nằm gần hầm mộ xưa và di tích được các nhà khảo cổ và bảo tàng khai quật khẩn cấp, khám phá thêm nhiều dữ liệu quý báu bằng đá, gốm, đồng và tập hợp mẫu than tro giám định bằng phương pháp phân tích carbone 14 để định tuổi tuyệt đối cho di tích: 2.670 đến 2.220 ± 40 cách ngày nay. Các nhà khai quật tin rằng di tồn cự thạch vừa khám phá liên kết chặt chẽ với quần thể kiến trúc Mộ Cự thạch Hàng Gòn đã biết và đó chính là nơi tập kết nguyên liệu và là dạng “công xưởng chế tác đá lớn” (Megalithic workshop-site) lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Từ những năm 2006-2010, để củng cố thêm dữ liệu khoa học cho việc lập dự án trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Mộ Cự thạch Hàng Gòn và xây dựng hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt, các nhà khoa học đã tiến hành điều tra, thám sát và khai quật hàng ngàn mét vuông trong cả khu vực rộng khoảng 4-5 hécta xung quanh di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, đã thu thêm nhiều di vật đá (2 bùa và 71 mảnh vỡ), gốm (7.155 mảnh), đồng thau (2 tù và cùng 10 mũi tên), đặc biệt thu thập thêm các hệ thống mẫu than định tuổi carbone 14 cho cả trầm tích đất đỏ xung quanh nó có khung niên đại rất rộng: Từ 26.600 ± 300 đến 1.570 ± 55 cách ngày nay); 35 mẫu đá phân tích thạch học, 3 mẫu đồng và 22 mẫu gốm phân tích hóa - quang phổ và cả các hệ thống 18 mẫu thổ nhưỡng để giám định bào tử phấn hoa vùng địa hình bazan trẻ chứa di tồn cự thạch và các di sản văn hóa hữu quan. Đây là những dữ liệu khoa học quý báu, hữu ích cho công cuộc tìm kiếm sự bí ẩn của cả quần thể di tích cự thạch này.

Thông tin quan trọng nhất và các kết quả nghiên cứu mới nhất về di sản quý báu

Quyển sách Di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn (sách nhà nước đặt hàng, khổ 16x24cm; Mã ISBN: 978-604-42-2292-9) với 450 trang, gồm 300 trang tiếng Việt và 150 trang tiếng Anh) là chuyên khảo của PGS-TS Phạm Đức Mạnh và tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân giới thiệu đầy đủ thông tin quan trọng nhất và các kết quả nghiên cứu mới nhất về di sản quý báu này với bố cục gồm ba phần:

Lễ hội Vía ông Đá tại di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn thu hút người dân và du khách tham gia. Ảnh:MyNy

Lễ hội Vía ông Đá tại di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn thu hút người dân và du khách tham gia. Ảnh:MyNy

Phần I, các tác giả giới thiệu về điều kiện tự nhiên và nhân văn tiểu vùng đất đỏ bazan phong hóa Đồng Nai trong khung cảnh chung của môi trường sinh thái toàn miền Đông Nam Bộ, với các hệ thống dẫn liệu khảo cổ liên quan đến hoạt động cư trú và sáng tạo văn hóa của các tập thể người cổ từ buổi đầu đá cũ đến những làng cổ làm nông, săn bắn, hái lượm lâm, thủy sản và hoạt động thủ công, những nghĩa địa an táng người chết trong mộ đất, mộ chum vò gốm, các kho tàng chôn đồ đồng trong miệng núi lửa thời kim khí - những cứ liệu “sử đất” liên hệ đến nền cảnh văn hóa - kỹ thuật của chính quần thể kiến trúc Mộ Cự thạch Hàng Gòn thời sơ sắt.

Phần II, là nội dung chính yếu của công trình, giới thiệu chi tiết về lịch sử khám phá, khai quật và nghiên cứu quần thể kiến trúc Mộ Cự thạch Hàng Gòn qua các giai đoạn từ năm 1927-2015, đặc biệt trình bày các di tích liên quan trực tiếp đến hầm Mộ Cự thạch Hàng Gòn và công xưởng chế tác Cự thạch Hàng Gòn, với các kết quả giám định thạch học, thành phần chất liệu đá, gốm, đồng thau và hệ thống niên đại carbone 14, với nhiều minh họa, thống kê chi tiết và hệ thống về các hiện tượng ghi nhận chính trong hiện trường khảo cổ.

Phần III và kết luận, là những nhận định về đặc trưng văn hóa, về vị trí lịch sử của quần thể kiến trúc Mộ Cự thạch Hàng Gòn đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các di tích thời đại kim khí ở “miệt cao” Nam Bộ nói riêng và trong bình diện văn hóa cự thạch hiện biết ở khu vực và châu Á.Quyển sách Di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn đến với bạn đọc gần xa như một sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc Đồng Nai, là nguồn tư liệu khoa học - văn hóa có nhiều thông tin bổ ích, nhiều tư liệu lý thú và thiết thực, có thể làm tài liệu tham khảo cho giới nghiên cứu, tài liệu học tập cho học sinh, sinh viên, giúp cho các thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về hào khí Đồng Nai, về truyền thống lao động, sáng tạo và thông minh của ông cha trên mảnh đất này.

Hạ Giao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/di-tich-quoc-gia-dac-biet-mo-cu-thach-hang-gon-8fe2d9a/
Zalo