Di sản còn mãi của Horst Kohler

Ngày 1/2/2025, ông Horst Kohler, cựu Tổng thống Đức (2004-2010) và cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã qua đời ở tuổi 81. Là một nhà lãnh đạo có tư duy chiến lược, với nhiều dấu ấn sâu sắc trong nền kinh tế, tài chính và chính trị toàn cầu, cuộc đời và sự nghiệp của ông Kohler thể hiện sâu sắc triết lý 'vị nhân sinh'.

Mầm ươm từ nghịch cảnh

Horst Kohler sinh năm 1943 tại Skierbieszów, một ngôi làng thuộc lãnh thổ Ba Lan, khi đó bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới 2. Gia đình ông là người Đức gốc Banat và đã phải rời khỏi quê hương để tránh khói lửa chiến tranh, sau đó di cư về Tây Đức và định cư tại Ludwigsburg, bang Baden-Württemberg.

Ông Horst Kohler, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham dự hội nghị bàn tròn về Tây Sahara ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 5/12/2018.

Ông Horst Kohler, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham dự hội nghị bàn tròn về Tây Sahara ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 5/12/2018.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Stuttgart, ông Kohler học chuyên ngành kinh tế chính trị trong Trường Đại học Tổng hợp ở Tubingen từ năm 1965-1969, nơi ông bộc lộ tư duy xuất sắc trong lĩnh vực tài chính và chính sách công. Ông Kohler làm việc tại Viện Phân tích kinh tế học ứng dụng trong giai đoạn 1969-1978 trước khi công tác tại Bộ Kinh tế Liên bang Đức tới năm 1981. Cũng trong năm này, ông đảm nhận cương vị trợ lý cho Thủ hiến bang Schleswig-Holstein Gerhard Stoltenberg (người về sau trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Đức). Sau khi chuyển lên Bonn vào năm 1982, ông Kohler chuyển sang làm việc tại Bộ Tài chính và kiêm nhiệm vai trò như đại diện cho Thủ tướng Helmut Kohl trong giai đoạn 1990-1993.

Từ 1993-1998, ông Kohler làm Chủ tịch Liên hiệp các mạng quỹ tiết kiệm và ngân hàng nhà đất Đức. Trong 2 năm tiếp theo, ông giữ vị trí điều hành Ngân hàng Kiến thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ở London. Những kinh nghiệm chuyên môn dày dạn và thái độ làm việc nghiêm túc cùng tầm nhìn đặc biệt đã giúp ông sau đó giữ chức Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ tháng 2/2000 đến tháng 3/2004.

Tháng 5/2004, ông đắc cử Tổng thống Đức và nhậm chức ngày 1/6/2004. Là vị tổng thống thứ 13 của nước Đức và vị tổng thống thứ 7 của Cộng hòa Liên bang Đức, ông Kohler khác biệt khi không đưa ra những bài phát biểu “đao to búa lớn” hay thuận tai người nghe - điều ban đầu khiến công chúng có phần hoài nghi. Ông Kohler thể hiện tinh thần làm việc hăng say, quyết liệt tìm kiếm lời giải cho những khúc mắc lớn nhất, và sẵn sàng đi đến tận cùng vấn đề với những giải pháp thực chất.

Trong các bài phát biểu, ông Koehler luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào sức mạnh của nước Đức cũng như năng lượng và sự sáng tạo của người dân nước này. Ông cho rằng, nước Đức là “vùng đất của những ý tưởng” sẽ định hình tương lai của chính nước này và đóng vai trò là một thế lực vì điều tốt đẹp trên thế giới. Với ông, câu trả lời cho những thách thức của quá trình toàn cầu hóa nằm ở nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, đặc biệt là đối với con em các gia đình nhập cư.

Tháng 5/2009, Quốc hội Đức gồm 1.224 ghế tiếp tục chọn ông Horst Kohler làm tổng thống, đánh dấu một thắng lợi quan trọng cho bà Merkel trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 cùng năm, đồng thời thể hiện sự “vừa vặn” của ông Kohler cho vị trí này.

Triết lý “vị nhân sinh”

Năm 1998, ông Kohler được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), với trọng trách là tái cơ cấu hệ thống tài chính, đặc biệt là các nước thuộc khối Đông Âu hậu Xôviết. Thời điểm ông tiếp quản, EBRD đối diện với một loạt thách thức nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998, khi nước này phải hứng chịu cuộc vỡ nợ trái phiếu nội tệ phát hành trong nước và phải phá giá đồng ruble.

Dưới sự lãnh đạo của ông Kohler, EBRD khi đó nhanh chóng tập trung vào việc hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi thông qua tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt hỗ trợ Sáng kiến Vienna nhằm giúp các nước châu Âu mới nổi quản lý ổn định tài chính, tăng cường các chính sách đầu tư, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển. Ông cũng nỗ lực thúc đẩy cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của các khoản đầu tư, đảm bảo nguồn vốn của EBRD được sử dụng một cách bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho các nước đang phục hồi sau khủng hoảng.

Sau đó, trong suốt 4 năm lãnh đạo IMF từ năm 2000, ông Kohler không chỉ tập trung vào cải cách thể chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng sự tham gia của các quốc gia đang phát triển trong hệ thống tài chính quốc tế. Với tầm nhìn này, ông đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc cải thiện các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, giúp các nước nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính một cách công bằng hơn.

Tính bền vững của các khoản nợ dài hạn luôn là một mối quan tâm chính cho cả quốc gia mắc nợ và những người tài trợ cho các khoản nợ của họ. Trong hơn 2 thập kỷ trước những năm 1990, nhiều nước đang phát triển thường thu hút các nguồn vốn nước ngoài bằng hình thức vay nợ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh tiết kiệm nội địa còn hạn chế. Thiếu kinh nghiệm định hướng và phát triển kinh tế đã dẫn đến hệ quả là gánh nặng nợ ngày càng tăng, bóp nghẹt tăng trưởng, làm cho các nước mắc nợ càng lún sâu vào đói nghèo. Trong bối cảnh đó, giới kinh tế học và hoạch định chiến lược cho rằng, việc giảm các khoản nợ nước ngoài sẽ khuyến khích đầu tư, tăng trưởng kinh tế và phần nào cải thiện mức sống.

Đây cũng chính là những niềm tin làm nên động lực thúc đẩy Sáng kiến cho các nước nghèo mắc nợ cao (HIPC) của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) thành hình. Là người đặc biệt ủng hộ các sáng kiến này, ông Kohler cho rằng xóa nợ không chỉ giúp các nước nghèo thoát khỏi vòng luẩn quẩn tài chính mà còn tạo nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững. Thay vì chỉ tập trung vào các chính sách thắt lưng buộc bụng, Kohler kêu gọi một cách tiếp cận cân bằng hơn, bao gồm cả các biện pháp kích thích tăng trưởng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế.

Việc ông Horst Kohler từ chức năm 2010 từng được xem là cú sốc với bà Angela Merkel.

Việc ông Horst Kohler từ chức năm 2010 từng được xem là cú sốc với bà Angela Merkel.

Ông Kohler ủng hộ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với toàn cầu hóa, nhấn mạnh các nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau và tính bền vững. Ông tin rằng, các quốc gia được kết nối chặt chẽ trong một hệ sinh thái chung và nền kinh tế toàn cầu, khẳng định rằng không quốc gia nào có thể duy trì sự thịnh vượng mà không xem xét đến quan điểm của những quốc gia khác. Ông Kohler cũng nhấn mạnh đến những tác động lâu dài của các hành động trong hiện tại, là người ủng hộ các quyết sách chính trị nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài của con người trên Trái đất, luôn nhấn mạnh sự cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và trách nhiệm dài hạn, thúc đẩy đổi mới và thích ứng để giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu. Có thể nói, tầm nhìn của ông bao trùm cả quá trình toàn cầu hóa hiệu quả, bình đẳng, công bằng để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, được xây dựng trên nền tảng của các giá trị đạo đức và các hoạt động bền vững.

Trong cùng tầm nhìn này, với ông Horst Kohler, châu Phi luôn nằm trong trọng tâm của các vấn đề chính sách đối ngoại mà ông theo đuổi. Sven Behnke, cựu Chánh Văn phòng Tổng thống dưới thời ông Koehler, từng tiết lộ với báo giới rằng ông Kohler là người đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng và tiềm năng của châu Phi đối với sự phát triển toàn cầu, nhìn nhận “việc hợp tác với châu Phi dường như không chỉ sáng suốt và đúng đắn cho quá trình phát triển hướng tới tương lai mà còn là điều bắt buộc về mặt đạo đức”.

Trong nhiệm kỳ tổng thống (2004–2010), ông Kohler đã khởi xướng dự án “Quan hệ đối tác với châu Phi”, thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo, doanh nhân và trí thức châu Phi và châu Âu để bồi đắp một mối quan hệ đối tác công bằng. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi trong phát triển toàn cầu và ủng hộ quan hệ đối tác cân bằng đôi bên cùng có lợi. Ông Kohler nhấn mạnh rằng châu Âu cần từ bỏ mọi thái độ kiêu ngạo đối với châu Phi và thúc đẩy quá trình học hỏi đôi bên. Ông tin rằng mối quan hệ lịch sử và địa lý của châu Âu với châu Phi trao cho lục địa già một trách nhiệm đặc biệt trong việc hỗ trợ sự phát triển của lục địa này.

Dòng chảy di sản

Năm 2010, ông Kohler bất ngờ từ chức chỉ một năm sau khi tái đắc cử. Nguyên nhân bắt nguồn từ phát biểu gây tranh cãi của ông về việc quân đội Đức có thể tham gia các chiến dịch quân sự để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia. Dù sau đó ông giải thích rằng phát biểu của mình đã bị hiểu sai, nhưng áp lực từ dư luận - vốn vẫn nhạy cảm với những chủ đề liên quan đến quân sự - đã khiến ông quyết định rời nhiệm sở, một động thái được đánh giá là hiếm hoi trên chính trường Đức.
Tuy rời nhiệm sở, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong các tổ chức quốc tế với những nỗ lực thúc đẩy phát triển và hòa bình. Ông giữ vai trò Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Tây Sahara về các nỗ lực đàm phán hòa bình. Ông cũng có những đóng góp đáng kể vào việc định hình các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Ông Horst Kohler đã để lại một di sản to lớn trong lĩnh vực kinh tế và chính trị toàn cầu. Ông được nhớ đến như một nhà lãnh đạo có tư duy sâu sắc, kiên định với nguyên tắc và luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Những cải cách của ông tại IMF, EBRD và trong vai trò Tổng thống Đức vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách kinh tế hiện đại.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của ông Kohler, gọi ông là “một trong những chính khách tận tụy nhất của nước Đức” trong khi Thủ tướng Olaf Scholz ca ngợi ông là “một người đấu tranh không mệt mỏi vì một thế giới công bằng hơn”.

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/di-san-con-mai-cua-horst-kohler-i758734/
Zalo