Cuộc gọi được cả thế giới mong chờ

Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm. Giới phân tích nhận định, cuộc điện đàm có vai trò quan trọng không chỉ đối với quan hệ song phương Mỹ-Nga, mà còn cục diện chính trị quốc tế nói chung.

Có lẽ trong những tháng gần đây, chưa có cuộc điện đàm nào trên thế giới được mong đợi như cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sau khi ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Một số người chờ đợi sự tiếp xúc này với hy vọng mong manh, một số thì hoài nghi, song cũng có những sợ hãi nhất định. Điều này không khó hiểu khi quan hệ Mỹ-Nga đã đạt đến một điểm phân nhánh khác, tức là thời điểm mà bất kể một tác động bên ngoài nào dù nhỏ nhất cũng có thể thay đổi mối quan hệ này một cách khó lường và triệt để.

Đánh giá qua những phản ứng, bình luận đầu tiên của các bên, cuộc điện đàm kéo dài gần một tiếng rưỡi được cho là hiệu quả và hứa hẹn sẽ có những hoạt động tiếp xúc ở nhiều cấp độ khác nhau trong tương lai gần. Có thể đoán trước được rằng, trọng tâm của hai nhà lãnh đạo là triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng các bên cũng giành một thời lượng trong chương trình nghị sự để đề cập đến các vấn đề cấp bách khác của thế giới, cũng như quan hệ song phương.

Hai nhà lãnh đạo được cho là “bậc thầy” của đối thoại và thỏa hiệp - có lẽ không cần thời gian để tìm hiểu lại về nhau. Hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã diễn ra tại thủ đô của Phần Lan, quốc gia trung lập vào thời điểm đó, cách đây gần sáu năm rưỡi, vào tháng 7 năm 2018. Vào thời điểm đó, cộng đồng quốc tế kỳ vọng rất nhiều vào cuộc họp ở Helsinki, nhưng thật không may, điều đó đã không xảy ra. Mặc dù cuộc đối thoại có vẻ diễn ra khá thuận lợi, nhưng Moscow và Washington đã không thể đảo ngược xu hướng căng thẳng trong quan hệ hai nước, và tiếp tục xấu đi nhanh chóng sau cuộc gặp thượng đỉnh.

Tất nhiên, hiện nay không ai muốn một Helsinki thứ hai mang tính hình thức và vô ích. Nếu như trước đây việc không có những tranh cãi gay gắt, căng thẳng trong cuộc gặp thượng đỉnh có thể được coi là thành công thì bây giờ việc không đạt được một kết quả rõ ràng nào sẽ chẳng khác nào một thất bại. Đó là lý do tại sao cả Điện Kremlin và Nhà Trắng đều nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của việc cẩn thận trao đổi các điều kiện, yêu cầu của nhau, tận dụng ngay cả những cơ hội nhỏ nhất, để đạt được, nếu không phải là bước ngoặt quyết định, thì ít nhất cũng là sự thay đổi theo hướng tốt hơn trong hợp tác song phương.

Việc xây dựng một công thức hòa bình, chấm dứt xung đột vũ trang ở châu Âu chắc chắn sẽ trở thành vấn đề chính và khó khăn nhất trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga. Hơn nữa, vấn đề giải quyết hòa bình không thể tách rời khỏi những vấn đề chung về việc tạo ra một hệ thống an ninh mới cho châu Âu và thậm chí cho toàn khối châu Âu-Đại Tây Dương. Trong vấn đề này, phía Nga có một lợi thế nhất định - vì Moscow đã nhiều lần nêu rõ ràng và kiên định các yêu cầu chính của mình, trong khi lập trường của Washington về cơ bản chỉ được biết đến thông qua các thông tin rò rỉ rời rạc và thường mâu thuẫn trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, rõ ràng sự tương tác giữa hai nước không thể và không nên bị thu hẹp chỉ bởi một vấn đề cho dù có vai trò cực kỳ quan trọng của châu Âu. Đặc biệt khi xét đến việc Mỹ-Nga sẽ không thể bỏ qua vai trò của các đồng minh và đối tác châu Âu của Mỹ hay Belarus trong việc thảo luận về cấu trúc an ninh khu vực. Theo truyền thống, trục chính của mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Liên Xô trước kia, hay Mỹ-Nga hiện nay, là kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược. Chính các thỏa thuận trong lĩnh vực này, từ SALT I năm 1972 đến START III năm 2010, đóng vai trò là chất xúc tác chính cho sự phát triển hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có vẻ như Tổng thống Donald Trump hiện nay không mấy quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí. Điều này có nghĩa là Nga sẽ cần phải tìm kiếm một nền tảng khác cho mối quan hệ giữa hai nước, nơi sẽ mang lại lợi ích cho cả hai.

Sẽ phải mất bao lâu để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga? Cho đến nay, Tổng thống Donald Trump dường như sốt sắng hơn, bởi ông muốn chứng minh cho cả những người ủng hộ và phản đối ông thấy hiệu quả trong cách tiếp cận của chính quyền mới đối với những vấn đề quốc tế khó khăn nhất. Trong khi đó, người đồng cấp Nga Vladimir Putin có vẻ như vẫn đang giữ được sự điềm tĩnh cần thiết, nhưng ông cũng không từ chối cơ hội gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Donald Trump để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước và kiến tạo một thế giới hòa bình, ổn định.

Có ý kiến cho rằng, đối với phía Nga, kịch bản lý tưởng nhất là tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ trong bối cảnh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Moscow vào ngày 9 tháng 5 sắp tới. Hơn nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là cũng sẽ có mặt tại lễ kỷ niệm này. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của 3 cường quốc tại thủ đô Moscow vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II ở châu Âu không chỉ là một chiến thắng lớn cho nền ngoại giao Nga, mà còn là dấu ấn chính trị đậm nét của cá nhân ông Putin.

Nhưng đây có thể là viễn cảnh lạc quan đối với người Nga. Cộng đồng quốc tế không quên rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải mất 5 tháng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Geneva vào tháng 6 năm 2021. Nhưng vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa hai nước, bất chấp mọi bất đồng, xung đột hiện hữu, nhìn chung vẫn còn tốt hơn nhiều so với hiện nay. Tổng thống Donald Trump có thể cần nhiều thời gian và công sức hơn để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nhất là khi phải tính đến mong muốn và lợi ích của các đồng minh châu Âu. Trong trường hợp đó, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Bắc Kinh vào dịp kỷ niệm Ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II vào đầu tháng 9 có lẽ là một phương án khả thi.

Người ta thường nói “Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng, mà ở hướng ta đang đi”. Đối với quan hệ Mỹ-Nga, cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào việc chính quyền hai nước không bị ràng buộc bởi những mâu thuẫn, bất đồng trong quá khứ hay tình hình hiện tại, mà tập trung vào việc định hướng cho tương lai và chấp nhận thay đổi. Chỉ khi Mỹ-Nga thu hẹp bất đồng, nối lại hợp tác, thì thế giới mới mong có được một nền hòa bình, ổn định chiến lược và phát triển bền vững.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cuoc-goi-duoc-ca-the-gioi-mong-cho-239620.htm
Zalo