Đề xuất Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 14/2, đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Trà Vinh) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đổi mới sáng tạo và vươn mình của dân tộc.

Tuy nhiên tại quy định "Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng", ông Bình cho rằng quy định này chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao. Do vậy, đại biểu đề nghị “Đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó”.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (Nguồn: Quốc hội)

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (Nguồn: Quốc hội)

Dự thảo luật cũng quy định Thủ tướng “không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách”. Theo đại biểu, đây là một bước cấp tiến về quy định vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia của người đứng đầu Chính phủ thay vì những việc nhỏ cũng cần có quyết định của Thủ tướng. Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa dẫn chứng: “Như trước đây, Nghị định 137/2020 vẫn giao Thủ tướng quyết định bắn pháo hoa ở các lễ hội. Có nghĩa những công việc sự vụ, rất nhỏ vẫn cứ giao cho Thủ tướng và cứ như vậy thì Thủ tướng không còn thời gian để làm công việc quản trị nền quản trị quốc gia”.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa (Nguồn: Quốc hội)

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa (Nguồn: Quốc hội)

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trong đó, liên quan tới nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, có ý kiến đề xuất bổ sung quy định về cơ chế trách nhiệm giải trình là bổ sung khoản 7 vào Điều 6 nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước Nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn, thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai, và cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.”

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;...

Bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Nguồn: Quốc hội)

Bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Nguồn: Quốc hội)

Bộ trưởng cho biết, một trong những nhiệm vụ chính của dự thảo là hoàn thiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng, tạo sự chủ động, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cả hệ thống hành chính Nhà nước. Điều này sẽ tháo gỡ rào cản phân định nhiệm vụ cụ thể đang được quy định đan xen trong các luật chuyên ngành.

Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, qua rà soát 257 luật chuyên ngành cho thấy 152 luật quy định nhiệm vụ cụ thể của Thủ tướng; 142 luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp. "Từng ấy văn bản khiến cho việc thực thi rất chồng chéo. Vậy làm sao có thể thực hiện được phân cấp, phân quyền triệt để". Vì vậy, Luật Tổ chức Chính phủ khi sửa đổi sẽ là luật gốc, đưa ra nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng. Các văn bản pháp luật sau này phải tuân theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền theo Luật mới này.

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

(Nghị quyết 96/2023 của Quốc hội)

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/de-xuat-thu-tuong-co-quyen-kien-nghi-quoc-hoi-bo-phieu-tin-nhiem-voi-bo-truong-302810.htm
Zalo