Sở GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương: Có phù hợp?
Nhiều cán bộ quản lý đề xuất giao thẩm quyền phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương cho sở GD&ĐT, thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay.
Đề xuất từ thực tiễn
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của các cơ sở giáo dục tại địa phương là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Bộ GD&ĐT đánh giá, việc lựa chọn SGK được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức giảng dạy tại địa phương.
Quá trình lựa chọn SGK giúp địa phương, cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục năng động, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học. Kết quả lựa chọn SGK tại Hội đồng các môn học trùng khớp với SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn nhiều nhất…
Tại Quảng Nam, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Viết Tường, sở đã chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản của Bộ GD&ĐT; tổ chức lựa chọn và tham mưu phê duyệt danh mục SGK bảo đảm yêu cầu về thời gian, tính đa dạng các đầu sách. Kết quả lựa chọn phù hợp với nguyện vọng đề xuất của cơ sở giáo dục, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc này là quy trình tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cần có thời gian, hồ sơ nhiều (báo cáo, thuyết minh, danh mục SGK từng trường…) nên ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai, nhất là tiến độ thời gian. Do đó, ông Thái Viết Tường đề xuất giao sở GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Có cùng đề xuất giao trách nhiệm về sở GD&ĐT, lý do ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang đưa ra là: Do số lượng trường trên địa bàn tỉnh lớn (307 trường tiểu học, 155 trường THCS, 54 trường THPT, 9 trung tâm GDTX), nên việc tham mưu UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt danh mục cho từng đơn vị gặp khó khăn.
Từ thực tiễn lựa chọn SGK tại cơ sở giáo dục, cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cũng nhất trí với phương án giao cho sở GD&ĐT ban hành quyết định lựa chọn SGK cho địa phương mình với các lý do:
Sở GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định. Do vậy, sở GD&ĐT là cơ quan nắm chắc nhất về giáo dục - đào tạo, trong đó có việc lựa chọn SGK và chịu trách nhiệm triển khai một cách hiệu quả.
Sở GD&ĐT căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, tiêu chí, tiêu chuẩn về việc lựa chọn SGK để hướng dẫn các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý có những nghiên cứu, đề xuất lựa chọn SGK chất lượng, phù hợp nhất. Thực tế hiện nay, theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023, sở GD&ĐT là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong phê duyệt quyết định danh mục SGK. Nếu chuyển chức năng này cho sở sẽ tăng tính chủ động, giảm bớt quy trình mà vẫn bảo đảm chất lượng lựa chọn.
“Do vậy, giao cho sở GD&ĐT ban hành quyết định về danh mục SGK sử dụng tại địa phương theo tôi là hợp lý; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nâng cao được tinh thần trách nhiệm của một cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, cô Trần Thị Bích Hạnh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông Lê Bá Cường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông lại cho rằng, các quy định về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, quy trình lựa chọn SGK... đều đã rõ ràng, hợp lý. Vì vậy, sở GD&ĐT thống nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ GD&ĐT.
Cần có hướng dẫn chọn lại SGK
Để làm tốt hơn việc lựa chọn SGK, cô Trần Thị Bích Hạnh cho rằng, các cơ sở giáo dục và giáo viên, cần nghiêm túc nghiên cứu để lựa chọn được những đầu SGK có chất lượng, phù hợp nhất cho địa phương mình.
Trong quá trình giảng dạy, cần liên tục rút kinh nghiệm, cho ý kiến để các bộ sách tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp hơn; bởi trên thực tế, mới chỉ qua nghiên cứu trong thời gian ngắn chưa thể thấy hết được những ưu, nhược điểm từng SGK mà phải trong thực tế giảng dạy điều này mới bộc lộ.
Về phía các nhà xuất bản, cần cung cấp các bản SGK hoàn chỉnh để cơ sở giáo dục, giáo viên nghiên cứu; nếu chỉ có bản mềm hoặc các đường link thì khó cho việc đọc, nghiên cứ SGK; mặt khác cũng không thấy rõ được về chất liệu giấy, in ấn, màu sắc…
Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang thì đề xuất quy trình lựa chọn lại cần có hướng dẫn cụ thể và phải được kiểm tra giám sát cẩn thận khi trường thay đổi loại sách sử dụng; bởi dự kiến sau khi tổ chức dạy học, các cơ sở giáo dục sẽ có những so sánh, điều chỉnh loại sách sử dụng.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa đề cập đến quy định trang bị các loại sách tại thư viện, giúp giáo viên, học sinh có đa dạng nguồn sách để tham khảo trong dạy - học. Riêng tỉnh An Giang đã có yêu cầu cơ sở giáo dục phải trang bị đủ các loại sách cho giáo viên tại thư viện.
Năm học 2024 - 2025 là năm cuối cùng hoàn thành một chu trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo ông Trần Tuấn Khanh, hiện dư luận xã hội phần lớn quan tâm đến SGK do Bộ GD&ĐT thẩm định, song sách bài tập sẽ là nhu cầu không thể thiếu trong quá trình dạy và học, quy định lựa chọn đối với loại sách bài tập còn đang bỏ ngỏ. Bộ GD&ĐT cần có quy định cho những loại sách này.
“Đối với các tài liệu, SGK liên quan như nội dung giáo dục địa phương, việc tổ chức biên soạn, đấu thầu chưa được cụ thể rõ ràng. Nếu UBND tỉnh đầu tư kinh phí để biên soạn, vấn đề in sách như thế nào? Nếu xã hội hóa kinh phí biên soạn, tổ chức in và phát hành sách ra sao? Điều này còn vướng, do vậy mong Bộ GD&ĐT có quy định rõ để các tỉnh thực hiện đúng theo pháp luật”, ông Trần Tuấn Khanh đề xuất.
Đến năm học 2024 - 2025, SGK theo Chương trình GDPT 2018 được biên soạn, phát hành sử dụng đủ cho tất cả lớp học. Từ năm học 2025 - 2026, các cơ sở giáo dục sẽ không phải chờ đợi thời gian SGK được xây dựng, hoàn thiện và lựa chọn. Vì vậy, hoạt động liên quan đến thông tin cho phụ huynh, học sinh về SGK, tài liệu học tập năm học 2025 - 2026 của các cơ sở giáo dục có thể được tiến hành sớm trước khi năm học 2024 - 2025 kết thúc.
Điều này tạo thuận lợi để phụ huynh, học sinh chuẩn bị SGK và có thể kế thừa khai thác sử dụng từ nguồn SGK, tài liệu học tập của học sinh khóa trước, giúp tiết kiệm cho phụ huynh, nhà trường, xã hội. - Ông Lê Bá Cường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông