'Nhìn và Cảm nhận': Chiếc áo cơ quan tôi quá chật ...

Đầu năm 2023, cơ quan tôi (một cơ quan báo chí mới được thành lập) bắt đầu tuyển biên tập viên, phóng viên. Đủ các hồ sơ ứng tuyển, từ thành tích bằng không (0) khi các em đang là sinh viên đến thành tích dày đặc cả chục trang đánh máy...

Phỏng vấn xin việc nhưng không hiểu cơ quan xin vào cần gì?

Tôi là thủ trưởng cơ quan nên trực tiếp phỏng vấn các ứng viên sau mấy vòng để quyết định có tuyển hay không. Một ứng viên nữ có CV (CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae - sơ yếu lý lịch, ghi tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển) dày đặc tên các cơ quan đã công tác. Dù là người trực tiếp phỏng vấn tuyển người để làm việc cho mình mà khi phỏng vấn xong tôi vẫn ...toát mồ hôi vì sự lạ kỳ!

Dưới đây dù là "lược ghi" (nhưng hoàn toàn chính xác) nội dung cuộc phỏng vấn ứng viên nữ đó (bạn nữ sinh năm 1987...):

+Người phỏng vấn: Bạn là người tỉnh Y nhỉ?

+Ứng viên: Không. Cháu là người... Hà Nội!

+Người phỏng vấn: Trong hồ sơ bạn khai nơi sinh, quê quán là tỉnh Y mà? Và ghi địa chỉ bố mẹ bạn đang ở số nhà ... thuộc tỉnh Y.

+Ứng viên: Cháu là...người Hà Nội! Người Hà Nội ạ!

Nhà báo Tô Phán: " Kế hoạch hay dự án gì thì phải có kết quả hữu ích cho cơ quan, cho cộng đồng"

-Người phỏng vấn: Thôi được, người Hà Nội hay là người tỉnh nào đó không có gì là quan trọng...

+Ứng viên: Nhà cháu làm kinh doanh nên ở 2 nơi cho tiện việc điều hành, luân chuyển hàng hóa ở Hà Nội và tỉnh Y.

-Người phỏng vấn: Trong CV bạn viết là có năng lực, nhiều kinh nghiệm, nhưng chỉ trong 6-7 năm bạn chuyển tới 6-7 cơ quan. Nghĩa là trung bình 1 năm bạn nhảy việc 1 lần...Tôi không câu nệ chuyện nhảy việc của các ứng viên trẻ vì ai cũng có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp, nhưng 1 năm nhảy việc 1 lần thì có vẻ không bình thường bạn nhỉ?

+ Ứng viên: Cháu chuyển nhiều nơi làm việc là vì cháu muốn trải nghiệm để có nhiều kinh nghiệm...

- Người phỏng vấn: Trải nghiệm để trưởng thành là tốt, nhưng ...

+Ứng viên: (bỗng lên giọng, ngắt lời với thái độ ko thiện chí với người phỏng vấn), chú để cháu nói hết đã...(người phỏng vấn hơi bị...choáng). Quan trọng hơn là ở các cơ quan đó, cháu muốn triển khai những kế hoạch, dự án theo ý tưởng mới của cháu để tạo nên những bước phát triển nhanh chóng cho công ty. Cháu ko thích làm những việc đơn giản, có tính lặp lại, buồn tẻ. Làm một thời gian thấy cơ quan đó không phù hợp với mình, thì cháu nghỉ thôi.

-Người phỏng vấn: Bạn ứng tuyển về đây cũng là kế hoạch thực hiện hành trình... trải nghiệm à?

+Ứng viên: Cháu muốn trải nghiệm ở môi trường mới là làm báo.

- Người phỏng vấn: Bạn đã thực hiện thành công ý tưởng, dự án nào ở các cơ quan cũ chưa?

+Ứng viên: Các sếp rất quý cháu, tôn trọng cháu, đánh giá rất cao ý tưởng, kế hoạch, dự án của cháu, nhưng vì nhiều lý do nên các sếp ấy chưa triển khai được...

- Người phỏng vấn: Kế hoạch hay dự án gì thì phải có kết quả hữu ích cho cơ quan. Vậy là chưa thấy rõ năng lực thực sự hữu ích cho cơ quan của bạn. Nếu về đây làm việc bạn đề xuất những đề án mà không khả thi, cơ quan ko đủ điều kiện thực hiện thì tôi cũng không cho triển khai...

+ Ứng viên: Thì chú cứ cho cháu thử việc vài tháng là biết thôi ạ. Trước đây, cháu đánh cược với sếp cơ quan cũ là không nhận lương 3 tháng nếu không triển khai dự án của cháu thành công...

Với thái độ quá tự tin, quá kiêu ngạo, bạn trẻ có thể làm gì khi lãnh đạo các cơ quan đòi hỏi? Ảnh minh họa: AI.

Với thái độ quá tự tin, quá kiêu ngạo, bạn trẻ có thể làm gì khi lãnh đạo các cơ quan đòi hỏi? Ảnh minh họa: AI.

-Người phỏng vấn: Vậy có thành công không?

+Ứng viên: Vì nhiều lý do sếp không cho triển khai... Nếu triển khai thì...

- Người phỏng vấn: Bạn nói rằng gia đình bạn làm kinh doanh, tại sao bạn không lập doanh nghiệp riêng để toàn quyền thực hiện những ý tưởng của mình?

+Ứng viên: Cháu làm nhiều việc, đầu tư chỗ này chỗ kia, nhưng lập doanh nghiệp phải có vốn lớn.

- Người phỏng vấn: Đâu phải cứ có số vốn lớn mới lập doanh nghiệp được. Nhiều người khởi nghiệp chỉ với vài chục triệu đồng.

+Ứng viên: Ý tưởng, dự án của cháu sẽ tạo nên chuyển biến nhanh...

-Người phỏng vấn: Thời nay khi mặt bằng kinh doanh tương đối phẳng thì đột phá là rất khó. Sự phát triển một cách ổn định là lựa chọn tối ưu. Đột phá, phát triển nóng mà không cẩn thận là sập ngay.

+ Ứng viên: Chú cứ thử việc cháu, chú sẽ thấy... Cháu sẵn sàng không nhận lương 3 tháng...

-Người phỏng vấn: Bạn học trường báo chí nhỉ, học trò của cô giáo Giang nhỉ? (có vẻ cô gái không biết cô giáo Giang là ai. Trong khi đó tất cả sinh viên học ngành đó đều biết cô giáo Giang vì cô ấy là Phó Giám đốc nhà trường).

+Ứng viên: Cháu học liên thông lên đại học, nên...

- Người phỏng vấn: À vậy. Bạn đã tìm hiểu về cơ quan tôi trước khi gửi hồ sơ chưa?

+Ứng viên: Cháu cũng mới sơ bộ tìm hiểu.

Phỏng vấn ứng viên về làm công tác báo chí mà hai bên không nói chút nào về báo chí. Thật...

Nhà báo Tô Phán

- Người phỏng vấn: Bạn nhận xét thế nào? Cứ mạnh dạn lên, đừng ngại gì cả.

+ Ứng viên: À thì,... Chú cứ thử việc cháu, chú sẽ thấy... Bác A, bác B, chú C..., sau khi gặp cháu đều khen cháu nhiều năng lượng, có năng lực.

- Người phỏng vấn: Tôi sẽ xem xét cụ thể...Bạn thông minh và nhiều năng lượng. Bộ phận tổ chức sẽ thông báo cho bạn.

+ Ứng viên: Vậy, chú ...?

-Người phỏng vấn: Bộ phận tổ chức sẽ thông báo nhé. Tôi khuyên bạn một điều rằng, cơ quan tôi nhỏ, không phù hợp với bạn đâu. Cái áo này quá chật đối với bạn. Do đó bạn cần cân nhắc thật kỹ nhé. Cảm ơn bạn đã đến phỏng vấn. Chào bạn...

+Ứng viên: Chào chú... Thế ý chú thế nào ạ?

-Người phỏng vấn: Bộ phận tổ chức nhân sự sẽ thông báo cho bạn...

+Ứng viên: Ơ, chú...

Tôi lắc đầu và tự nói với mình khi cô ứng viên đứng dậy ra về nhưng thái độ rất lưu luyến: "Phỏng vấn ứng viên về làm công tác báo chí mà hai bên không nói chút nào về báo chí. Thật..."

Những chiếc áo quá chật trước những "tư tưởng lớn"!

Tôi viết ra chuyện này ko có ý chê ứng viên nào cụ thể. Vấn đề là hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị không đủ chỗ cho những người có... tư tưởng lớn như bạn ứng viên có CV dày đặc tên các bằng cấp, tên các cơ quan đã "đi qua" như đã nhắc đến ở trên. Và sẽ có nhiều cái áo quá chật đối với những bạn có chung đặc điểm như bạn ấy.

Viết ra không phải để thanh minh cho quyết định của tôi là đã không nhận một người "nhiều năng lượng" như vậy về làm việc. Điều mà tôi muốn nói đến là tình trạng "bay ngoài lề vè vè" nhưng không đậu vào đâu của một "seri" bạn trẻ ngày nay.

Ngày nay có không ít bạn trẻ học nhiều ngành, nhiều lớp và đương nhiên các bạn đó có nhiều bằng cấp, nhiều chứng chỉ. Hồ sơ lý lịch của các bạn ấy dày đặc tên cơ quan đã trải qua, cũng như tên các bằng cấp, tên các ý tưởng táo bạo...

Tuy nhiên, trong thực tế, các bạn ấy không đóng góp được gì cho các cơ quan đã đến làm việc. Với VC ngon lành, hình thức đẹp (trai xinh gái đẹp), họ thường nổi bật và là lực lượng "đe dọa" các ứng viên khác trong các cuộc phỏng vấn tìm việc.

Tôi biết có một cậu cao ráo đẹp trai xuất thân là nhân viên chuyên vác chân máy và cắm điện cho các phóng viên quay phim ở một đài truyền hình. Cậu ấy rất chịu khó học tại chức, nào là cao đằng, đại học, thạc sĩ, và bằng cao nhất là ... tiến sĩ báo chí! Hôm cậu ấy nhận bằng tiến sĩ đúng là lễ vinh quy bái tổ có một không ai ở vùng quê.

Khi có bằng tiến sĩ, cậu ấy scan màu tấm bằng ấy rồi trang trọng cầm lên nộp cho thủ trưởng, nhưng thủ trưởng chỉ chúc mừng và gọi bộ phận tổ chức lên nhận. Cậu ấy đề nghị đảm nhận chức vụ nhưng lãnh đạo "chưa" xắp sếp được. May cho đài truyền hình đó là "chưa" xắp sếp chức vụ cho cậu ấy. Cậu ấy cũng tham gia làm một số chương trình cho đài nhưng chẳng để lại dấu ấn gì ngoài hình ảnh ăn mặc chải chuốt, khoe quần áo, giày mũ hàng hiệu thiên về màu trắng và màu ...hồng biếc!

Chẳng biết vì sao một người em của tôi là tổng biên tập một tờ báo có tên tuổi đã nhận vị tiến sĩ chuyên áo quần màu trắng và hồng biếc đó về để gây dựng "kênh" truyền hình Internet. Thế rồi sau 3 tháng, vị tiến sĩ báo chí không xuất hiện nữa. Tôi hỏi tổng biên tập thì nhận được cái lắc đầu ngao ngán.

Chúng ta cứ hình dung rằng bằng cấp, chứng chỉ..., hiện nay bay như bướm đến mùa. Và tiếp đó xuất hiện một lớp bạn trẻ "bay vè vè" bên ngoài công việc với hình ảnh "nhuộm" những cánh bướm bằng cấp đang có chiều hướng tăng lên. Họ thường là con cưng của những gia đình "có điều kiện", không phải lâm vào cảnh sáng nay không biết buổi trưa có gì bỏ vào bụng không, hoặc tối nay có chỗ ngủ hay không?

Họ học nhiều nhưng không có kỹ năng, thậm chí không có kỹ năng viết hoàn chỉnh một cái dự tuyển cho đầy đủ yếu tố. Kỹ năng sống, kỹ năng làm việc có giá trị đặc biệt để con người ta có thể "sống sót" trong trường đời đầy biến động và nghiệt ngã. Thật buồn là những người không có kỹ năng mà chỉ có nhiều bằng cấp lại bay vè vè bên ngoài chỉ để làm dáng hoặc để cười cợt những người đang phải lao động thực sự.

Có lỗi của gia đình không? Có. Có lỗi của hệ thống giáo dục không? Có và có nhiều. Có lỗi của xã hội không ? Có. Quan điểm của các bậc phụ huynh nhiều khi phụ thuộc vào quan niệm xã hội cứ nghiêng ngả hết chiều này sang chiều kia về những xu hướng giáo dục, xu hướng giá trị từ phía ngoại lai. Nhiều khi phụ huynh không cần biết con em thực sự cần gì, không cần biết các bạn trẻ làm sao để "sống sót" khi điều kiện sống, điều kiện xã hội thay đổi..., mà chỉ muốn giáo dục con em theo... ý thích của mình. Bố mẹ không biết con cái muốn gì, và chính con cái cũng không bết mình muồn gì. Đó lại là thứ bi kịch của thế hệ cha - con ngày nay.

Thế giới ngày nay không còn tồn tại nhiều ốc đảo để những vị tiến sĩ chuyên tu và tại chức trình diễn những bộ quần áo hàng hiệu đã lạc mốt đâu!

Nhà báo Tô Phán

Hệ thống giáo dục phải thay đổi. Cứ cho rằng anh chàng đẹp trai xuất thân từ nhân viên vác chân máy quay phim thành tiến sĩ báo chí sẽ làm đẹp tính ưu việt của nền giáo dục toàn dân. (Tôi không hề có ý chê bai xuất thân của vị tiến sĩ này, bởi lẽ tôi cũng xuất thân là thợ mộc trước khi đi làm báo). Thêm nữa, như thế cũng làm đẹp đội hình tiến sĩ báo chí hiện nay bằng cách ăn mặc thời thượng với sắc màu của nghệ sĩ trên sân khấu. Nhưng với nền báo chí thì vị tiến sĩ đó chẳng đóng góp được chút gì?

Thế giới ngày nay không còn tồn tại nhiều ốc đảo để những vị tiến sĩ chuyên tu và tại chức trình diễn những bộ quần áo hàng hiệu đã lạc mốt đâu!

Vậy nên hệ thống giáo dục của chúng ta không nên để diễn ra không nên sinh ra những vị tiến sĩ như vậy. Hệ thống giáo dục của chúng ta nên tăng cường giáo dục kỹ năng thực tế hiện đại và hội nhập để mỗi học sinh, sinh viên có thể trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. Đó mới là việc cần thay đổi, cần làm của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Tô Phán

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhin-va-cam-nhan-chiec-ao-co-quan-toi-qua-chat-179241218090056178.htm
Zalo