Đề xuất cơ chế chỉ định thầu làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Sáng 14/2, Bộ trưởng Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng, trình Quốc hội cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ủy ban KHCN&MT có báo cáo thẩm tra về nội dung này.
![Chính phủ thấy cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51473946/c7a265b554fbbda5e4ea.jpg)
Chính phủ thấy cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa: VGP.
Sáng 14/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày báo cáo tóm tắt về nội dung cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước Quốc hội.
Các chính sách bao gồm việc cho phép triển khai đồng thời nhiều công đoạn như đàm phán hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
Chính phủ chỉ định thầu các gói quan trọng
Trước đó, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII và Quốc hội khóa XV đã thống nhất khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào vận hành từ năm 2030-2031.
Do đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên Chính phủ nhận thấy cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.
Về lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay", chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn với các gói thầu quan trọng liên quan đến xây dựng nhà máy chính, tư vấn, mua nhiên liệu, bảo dưỡng và vận hành ban đầu.
Đề xuất được phép thực hiện song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị dự án (khảo sát lập nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn, thực hiện dự án thành phần…) trong quá trình đàm phán hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng "chìa khóa trao tay" trước khi phê duyệt dự án đầu tư.
Để đảm bảo nguồn vốn, dự án sẽ huy động từ nhiều kênh, bao gồm vay Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, chủ đầu tư được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo đủ vốn đối ứng.
Chính phủ cũng sẽ bố trí ngân sách cho công tác di dân, tái định cư, xây dựng hạ tầng và các chính sách an sinh xã hội tại khu vực dự án.
![Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quochoi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51473946/159cb38b82c56b9b32d4.jpg)
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quochoi.
Ngoài ra, 4 cơ chế đặc thù khác cũng được đề xuất như cho phép các chủ đầu tư miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn.
Cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án...
“Việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù này là cấp thiết để bảo đảm tiến độ dự án, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề mới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh phù hợp”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh thêm.
Cần có cơ chế kiểm soát các hợp đồng
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy tờ trình chưa nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về tính cấp bách của các cơ chế, chính sách cũng như quan điểm và nguyên tắc ban hành trong dự thảo Nghị quyết.
Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ủy ban cho rằng Chính phủ chưa làm rõ cơ sở pháp lý theo Luật Đầu tư công hay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu áp dụng Luật Đầu tư công, hồ sơ cơ bản đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội xem xét. Nhưng nếu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ và thời hạn gửi thẩm tra chưa đầy đủ. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để kịp trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp này.
Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ và bổ sung giải pháp để bảo đảm mục tiêu đưa nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành năm 2030. Đồng thời, cần làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để xác định thời điểm ban hành Nghị quyết, thay vì chờ đến khi Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào tháng 5/2025.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Ủy ban cơ bản nhất trí nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ liệu cơ chế, chính sách đặc thù có tiếp tục áp dụng sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hay không.
![Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quochoi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51473946/c27c6b6b5a25b37bea34.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quochoi.
Ngoài ra, Ủy ban đề nghị bỏ quy định nêu đích danh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư vì Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về các cơ chế, chính sách đặc thù. Hơn nữa, chủ trương đầu tư dự án còn chưa được điều chỉnh. Nghị quyết này sẽ là cơ sở để Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, do vậy, chưa nên quy định tên gọi chủ đầu tư cụ thể.
Liên quan đến các cơ chế và chính sách lựa chọn nhà thầu, một số ý kiến ủng hộ phương án Chính phủ đề xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chỉ định thầu đã được quy định trong Luật Đầu tư và phù hợp với việc lựa chọn nhà thầu cho dự án, do đó không cần đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.
Hình thức chỉ định thầu gói thầu "chìa khóa trao tay" được đánh giá là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hạn chế cạnh tranh, lợi ích nhóm và thiếu minh bạch. Vì vậy, cần quy định rõ điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, đồng thời bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ hợp đồng, đặc biệt đối với các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi dự án hoàn thành.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc quy định cụ thể các cơ chế, chính sách đối với EVN và PVN trong dự thảo Nghị quyết.
Hình thức chỉ định thầu gói thầu "chìa khóa trao tay" còn tiềm ẩn nguy cơ hạn chế cạnh tranh, lợi ích nhóm và thiếu minh bạch. Vì vậy, cần quy định rõ điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, đồng thời bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ hợp đồng
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Liên quan đến cơ chế đảm bảo mức vốn đối ứng, Ủy ban yêu cầu Chính phủ làm rõ và khẳng định rằng việc đánh giá lại tài sản để bổ sung vốn tự có, cũng như giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại, phải hoàn toàn phục vụ cho dự án điện hạt nhân, không sử dụng vào mục đích khác.
Ngoài ra, có ý kiến đề xuất cần quy định chặt chẽ về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác. Đồng thời, cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả đầu tư.
Về công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Ủy ban đề nghị cần có biện pháp đảm bảo quyền tham gia của cộng đồng, đặc biệt là những người dân không có điều kiện tiếp cận internet, đồng thời tuân thủ các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Có ý kiến đề xuất lồng ghép thủ tục đánh giá tác động môi trường, công nghệ và an toàn hạt nhân nhằm giảm bớt quy trình, thủ tục. Ủy ban đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất này và quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết để tránh hiểu lầm rằng có thể bỏ qua việc lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.