Phát triển điện hạt nhân - bài 2: Cơ chế và mô hình nào cho đầu tư nhân lực?

Song song với việc chuẩn bị các hạ tầng về thể chế, pháp luật, nguồn vốn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các trường đại học (ĐH) cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Đây là ngành công nghiệp mới nên các trường cũng phải "vừa chạy vừa xếp hàng”.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Khởi động lại, cần bắt đầu từ đâu?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Quản lí Đào tạo, Trường ĐH Điện lực, cho hay, trường là một trong sáu đơn vị được Chính phủ chỉ đạo, phân công đào tạo nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo Quyết định số 1558 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” năm 2010. Nhà trường đã đào tạo được 2-3 khóa sinh viên. Năm 2016, nhà trường mở ngành Công nghệ kĩ thuật hạt nhân để tuyển sinh nhưng cũng năm đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Các hoạt động đào tạo liên quan đến điện hạt nhân dừng lại từ đó, phòng thí nghiệm với 25 mẫu thử cũng cửa đóng then cài.

Theo ông Toàn, năm 2024, Quốc hội có Nghị quyết tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhà trường cũng khởi động lại chương trình đào tạo. Sau khi có thông tin tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhà trường đã rà soát lại chương trình, phối hợp trong và ngoài nước để sẵn sàng xây dựng chương trình đào tạo ngành điện hạt nhân. “Năm 2025, nhà trường chính thức tuyển sinh trở lại với số lượng 80 sinh viên ngành học này”, ông Toàn nói.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ, từ trước tới nay, trường chưa có một chuyên ngành nào đào tạo trực tiếp về năng lượng hạt nhân. Nhưng từ lâu, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đào tạo kĩ thuật hạt nhân để phục vụ lĩnh vực y học, công nghiệp. Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội duy trì mỗi năm 70 - 80 sinh viên kĩ thuật hạt nhân. ĐH Bách khoa Hà Nội có một chuyên ngành hẹp khác chủ yếu áp dụng kĩ thuật hạt nhân là Vật lí y khoa.

Ông Nguyễn Phong Điền nêu thực tế, điện hạt nhân không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà máy. Bởi việc xây dựng có thể bằng công nghệ nước ngoài, nhà thầu nước ngoài nhưng vận hành, duy tu, bảo trì, sửa chữa, xử lí chất thải, đặc biệt vận hành để hòa được vào lưới điện quốc gia phải có nguồn nhân lực của chính Việt Nam. Nên bên cạnh thúc đẩy xây dựng nhà máy, Chính phủ cần quyết liệt đặt hàng đào tạo nhân lực. ĐH Bách khoa Hà Nội khi đó sẽ đào tạo kĩ sư vận hành lò phản ứng ở mức cơ bản (kĩ sư Vật lí) và được gửi ra nước ngoài học tiếp để tiếp cận công nghệ mới.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS Điền cho hay, năm 2010, Quốc hội có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân và từ năm 2014, ĐH Bách khoa Hà Nội (khi đó là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã xây dựng đề án đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân cho đất nước. Nhà trường đã khởi động chương trình này và có khoảng 100 kĩ sư được đào tạo. Tuy nhiên, do sự gián đoạn về chính sách, nhà trường dừng tuyển sinh, đào tạo. Phần lớn sinh viên này được đào tạo chuyển tiếp sang lĩnh vực khác như Công nghệ thông tin hoặc nếu tiếp tục công tác trong ngành năng lượng thì học thêm bằng cấp khác như kĩ thuật điện để chuyển đổi phù hợp với công việc.

“Điều này đồng nghĩa với việc từ đó đến nay họ không được cập nhật kiến thức mới và không làm việc trong lĩnh vực hạt nhân”, ông Điền nói. Ngoài ra, từ 2010 - 2016, Việt Nam cử khoảng 200 cán bộ học tập, nghiên cứu lĩnh vực này tại Nga và họ đã quay về. Nhưng đã lâu đội ngũ này không làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân. Trong khi đó, công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân đã có nhiều bước tiến, đặc biệt là liên quan đến an toàn sau một loạt sự cố ở Fukushima (Nhật Bản), Chernobyl (Nga). Công nghệ mới đã được thử nghiệm và chạy ổn định.

Việt Nam có viện nghiên cứu về năng lượng nguyên tử, có lò phản ứng hạt nhân mini để phục vụ nghiên cứu tại Đà Lạt. ĐH Bách khoa Hà Nội cử cán bộ vào phục hồi và vận hành trở lại nhưng công nghệ rất cũ, chỉ áp dụng đào tạo nguyên lí, nguyên tắc, không thể đào tạo cho công nghệ mới.

Hằng năm, ĐH Bách khoa tuyển sinh ngành Vật lí kĩ thuật với khoảng 250 - 300 sinh viên. Trong quá trình học, kiến thức nền tảng có liên quan đến điện hạt nhân như Vật lí chất rắn, Vật lí nguyên tử được đào tạo bài bản. Nhưng ông Điền thừa nhận trang thiết bị chưa được cập nhật với công nghệ mới.

“Vừa chạy vừa xếp hàng”

Ông Điền cho rằng, chuẩn bị nhân lực ngành điện hạt nhân nên rút kinh nghiệm từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khi nhà máy hoàn thiện, Việt Nam có rất ít sinh viên được đào tạo ngành hóa dầu. Có giai đoạn kĩ sư hóa dầu làm việc tại nhà máy đều là sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội. Lúc đó, họ vừa làm vừa học bởi hệ thống kĩ thuật hiện đại, không được học ở ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhưng với khả năng tư duy tốt, các kĩ sư tiếp cận thực tế nhanh qua sự tham gia trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Việc đi đồng thời “2 chân” (học - làm) sẽ khiến các kĩ sư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giai đoạn đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể thuê chuyên gia nước ngoài.

“Phương án vừa chạy vừa xếp hàng đối với nhân lực nhà máy điện hạt nhân nhanh nhất là Nhà nước đặt hàng, có cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ sở vật chất của các trường ĐH đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đồng thời cử người ra nước ngoài học tập”, ông Điền nói.

Theo ông Điền, để có được nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thời gian tới, xa hơn là ngành công nghiệp điện hạt nhân, Việt Nam phải đi “2 chân”, một mặt khác đào tạo nhân lực trong nước có khả năng tiếp thu cái mới trong môi trường thực tế; mặt đào tạo chuyên gia tại nước ngoài để tiếp thu cái mới. Nhưng trước hết phải nâng cấp đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo hợp lí, sau đó mới tuyển sinh và cần từ 2-3 năm. Đào tạo một kĩ sư điện hạt nhân phải mất từ 5-10 năm.

“Trước khi chưa có tín hiệu chính chính thức từ Chính phủ về việc đặt hàng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội chưa nghĩ đến việc tuyển sinh đào tạo ngành năng lượng hạt nhân. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn chuẩn bị gấp rút cho chương trình đào tạo hạt nhân giai đoạn 2014 - 2018. Đề án này vẫn còn nguyên giá trị, chỉ cần nâng cấp. Vấn đề là tín hiệu của Chính phủ về việc quyết tâm và những người đứng đầu Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển điện hạt nhân như thế nào”, ông Điền chia sẻ.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-trien-dien-hat-nhan-bai-2-co-che-va-mo-hinh-nao-cho-dau-tu-nhan-luc-post1717220.tpo
Zalo