ĐBQH Thạch Phước Bình: Nâng cao chất lượng phản biện xã hội và tham vấn trong quá trình xây dựng pháp luật
Trong chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 13/02, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
![Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_606_51485364/2fdd4344700a9954c01b.jpg)
Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường.
Tại phiên thảo luận, có 20 lượt đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, các ý kiến phát biểu thể hiện sự nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành nhằm nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh bày tỏ sự đồng tình cao với việc cần thiết ban hành dự án Luật, bên cạnh đó, đại biểu đóng góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6).
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm tính độc lập và khách quan của phản biện, dễ dẫn đến hình thức và hiệu quả không cao. Quy định về tham vấn của các ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan này trong việc tiếp thu ý kiến. Chưa có cơ chế giám sát việc tiếp thu, giải trình phản biện xã hội, khiến các cơ quan có thể lựa chọn tiếp thu một cách tùy ý.
Từ đó, đại biểu đề xuất: bổ sung quy định về thời hạn, hình thức công khai nội dung phản biện xã hội để nâng cao trách nhiệm giải trình. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận phản biện, tham vấn để bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Bổ sung quy định tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội trong phản biện chính sách, không chỉ giới hạn ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
![ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường chiều ngày 13/02. Ảnh: media.quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_606_51485364/a927d8beebf002ae5be1.jpg)
ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường chiều ngày 13/02. Ảnh: media.quochoi.vn
Thứ hai, về thẩm quyền ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội (Điều 10).
ĐBQH Thạch Phước Bình cho biết, hiện nay, việc Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới có thể dẫn đến tình trạng ban hành quy định khác với luật hiện hành mà không đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Khoản 2 chưa quy định rõ ràng về phạm vi và thời gian thử nghiệm chính sách, dễ dẫn đến việc kéo dài thí điểm, gây khó khăn trong việc tổng kết và luật hóa chính thức.
Từ đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định về thời gian tối đa thực hiện thí điểm chính sách mới, chẳng hạn không quá 5 năm và yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo tổng kết trình Quốc hội trước khi gia hạn hoặc luật hóa chính thức. Làm rõ nguyên tắc khi Quốc hội ban hành nghị quyết có nội dung khác với luật hiện hành.
Thứ ba, về nghị định, nghị quyết của Chính phủ (Điều 14).
Điểm c khoản 1 dự thảo Luật cho phép Chính phủ ban hành nghị định về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh. Quy định này có thể làm giảm vai trò lập pháp của Quốc hội và khiến Chính phủ mở rộng phạm vi điều hành mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Điểm b khoản 2 quy định Chính phủ có thể thực hiện thí điểm chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, không có quy định về trách nhiệm báo cáo, đánh giá kết quả thí điểm để chuyển đổi thành luật, gây ra nguy cơ kéo dài các cơ chế thí điểm không hiệu quả.
Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 14 về nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo hướng hạn chế quyền ban hành nghị định của Chính phủ đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ cho phép trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi đã có sự đồng ý rõ ràng từ Quốc hội. Đối với thí điểm chính sách mới, cần quy định thời gian cụ thể và yêu cầu báo cáo đánh giá tác động trước khi quyết định tiếp tục hoặc mở rộng thí điểm.
Thứ tư, về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội (Điều 23).
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, dự thảo Luật chưa có quy định rõ ràng về việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng Định hướng lập pháp, khiến nội dung có thể chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn xã hội. Định hướng lập pháp được xây dựng vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội và duy trì trong suốt nhiệm kỳ mà không có cơ chế đánh giá định kỳ để điều chỉnh khi cần thiết. Điều này có thể làm giảm tính linh hoạt trong ứng phó với các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 theo hướng: bổ sung quy định về việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng Định hướng lập pháp. Việc tham vấn này có thể thông qua các hội thảo, khảo sát hoặc lấy ý kiến công khai. Bổ sung quy định rõ Quốc hội có quyền điều chỉnh Định hướng lập pháp trong trường hợp xuất hiện các vấn đề mới, quan trọng. Việc điều chỉnh cần dựa trên báo cáo đánh giá định kỳ do Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.
Thứ năm, về điều chỉnh chương trình lập pháp hằng năm (Điều 26).
Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định việc điều chỉnh chương trình lập pháp hằng năm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên không có quy định yêu cầu cơ quan trình báo cáo kết quả thực hiện chương trình lập pháp hằng năm, làm cho việc giám sát tiến độ và chất lượng thực hiện bị hạn chế.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung quy định khi điều chỉnh chương trình lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có báo cáo giải trình rõ ràng về lý do điều chỉnh và lấy ý kiến của các Ủy ban có liên quan trước khi quyết định. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan trình trong việc báo cáo tiến độ thực hiện chương trình lập pháp, nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ và hạn chế tình trạng luật bị trì hoãn hoặc rút khỏi chương trình lập pháp mà không có lý do chính đáng.