Cử tri TP.HCM quan tâm tình hình bệnh cúm, chất lượng thuốc BHYT

Trong chương trình 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' diễn ra ngày 16-2, người dân TP.HCM quan tâm đến vấn đề bệnh cúm gia tăng, chất lượng thuốc bảo hiểm y tế...

Ngày 16-2, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 2-2025 với chủ đề “Phát triển hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM".

Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng, phát triển y tế

Tại chương trình, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm qua ngành y tế triển khai chương trình khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại TP.HCM.

Đến cuối năm 2024, có khoảng 330.000 người cao tuổi (chiếm 32,9%) được khám sức khỏe. Một số quận, huyện đã đạt tỉ lệ khám trên 50% như huyện Cần Giờ, quận Phú Nhuận, quận 6 và huyện Bình Chánh.

 Đẩy nhanh tiến độ khám, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đẩy nhanh tiến độ khám, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Để đẩy nhanh tiến độ, ông Thượng cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, vận động cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện quan tâm chỉ đạo hoạt động này. Ngoài trung tâm y tế và trạm y tế, các bệnh viện tư nhân và phòng khám tư đủ điều kiện cũng sẽ được tham gia chương trình.

Về nâng cao năng lực y tế cơ sở, ông Thượng cho biết trong quý II năm 2025, 146 trạm y tế sẽ được khởi công cải tạo, nâng cấp tại một số trạm. Ngành y tế kiến nghị TP tiếp tục dùng ngân sách của TP để phát triển các trạm y tế tiếp theo. Vì chức năng của trạm y tế là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp và trung bình, đảm bảo sự công bằng cũng như an sinh xã hội.

 Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 2-2025 với chủ đề “Phát triển hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM". Ảnh chụp màn hình

Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 2-2025 với chủ đề “Phát triển hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM". Ảnh chụp màn hình

Ông Thượng cho biết thêm, TP đã ban hành Nghị quyết kêu gọi đầu tư 6 dự án y tế, gồm: xây dựng khu khám, điều trị dịch vụ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; xây dựng khu khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh; Xây dựng Bệnh viện đột quỵ TP.HCM tại TP Thủ Đức; xây dựng trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh bằng công nghệ cao tại TP Thủ Đức, xây dựng trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh bằng công nghệ cao tại cụm y tế Tân Kiên Bình Chánh; xây dựng Bệnh viện thực hành của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giai đoạn 2 tại Tân Kiên Bình Chánh.

“Hiện đã có 2 dự án được các nhà đầu tư đăng ký tham gia đó là dự án tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ngành y tế mong các nhà đầu tư nghiên cứu và tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện công lập của TP” - ông Thượng bày tỏ.

Tại chương trình, có cử tri đặt câu hỏi về vấn đề bảo hiểm y tế đã được thông tuyến, liệu chất lượng thuốc bảo hiểm y tế giữa các tuyến có khác nhau.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết căn cứ các quy định pháp luật, thuốc được các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục và phân chia các tiêu chuẩn kỹ thuật, sau đó tổ chức đấu thầu.

Các nhà thầu đáp ứng các điều kiện quy định tại thông tư 07 năm 2024 của Bộ Y tế quy định sẽ tham dự.

Thuốc tham dự thầu và khi trúng thầu đều đã đạt các tiêu chuẩn, không có việc phân biệt chất lượng thuốc của các cơ sở tuyến chuyên sâu hay các cơ sở tuyến ban đầu.

Tăng cường năng lực phòng chống dịch

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết mỗi năm, TP đều chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

“Phòng, chống dịch là nhiệm vụ chung, do đó không chỉ nỗ lực của ngành y tế mà cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, các sở ban ngành, mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng và người dân” - ông Tâm nói.

Những năm gần đây, HCDC tăng cường liên kết y tế vùng với các tỉnh thành bạn cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao kết quả kiểm soát dịch bệnh cho TP.

 Người dân chủ động tiêm vaccine ngừa bệnh cúm tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Người dân chủ động tiêm vaccine ngừa bệnh cúm tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trả lời câu hỏi của cử tri về bệnh cúm đang gia tăng, ông Tâm nhận định cúm là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra ở TP, không phải bệnh mới. Cuối năm vừa qua, do tình hình biến đổi khí hậu, một số vùng của nước ta có sự gia tăng cục bộ bệnh này.

Riêng tại TP.HCM, đầu năm nay chưa phát hiện sự gia tăng các ca bệnh cúm so với hằng năm. Tuy nhiên với tinh thần không hoang mang nhưng cũng không lơ là chủ quan, ngành y tế TP cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết Sở Y tế đã tham mưu UBND TP ban hành đề án củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của HCDC. Đây là cơ quan vừa có chức năng tham mưu vừa có chức năng quản lý toàn bộ hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Đặc biệt, TP sẽ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong phòng chống dịch, giúp việc giám sát, dự báo và triển khai các can thiệp hiệu quả hơn.

Để TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, tiếp tục nỗ lực xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực ASEAN, thời gian tới, ngành y tế cần tập trung những giải pháp sau:

- Tăng cường năng lực y tế cơ sở: Đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp 146 trạm y tế trên địa bàn TP; Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc men, trang thiết bị cho các trạm y tế thông qua đấu thầu tập trung; Thực hiện chính sách thông tuyến khám chữa bệnh, cho phép người dân được khám, điều trị tại trạm y tế gần nhà.

- Phát triển y tế chuyên sâu: Hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu tại khu vực Trung tâm, Tân Kiên Bình Chánh và Thủ Đức; Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Các bệnh viện công lập của TP liên tục nâng cao chất lượng chuyên môn, đạt chuẩn quốc tế; Triển khai các kỹ thuật y tế chuyên sâu như can thiệp tim mạch, phẫu thuật não, điều trị đột quỵ tiên tiến.

- Ứng dụng công nghệ số trong y tế: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý y tế, hồ sơ bệnh án điện tử liên thông; Triển khai các ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh; Phát triển các dịch vụ y tế thông minh, tích hợp với du lịch y tế.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế: Đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao; Tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao kỹ thuật y tế chuyên sâu; Phát triển mạng lưới y tế liên kết vùng, hỗ trợ các tỉnh thành khác.

- Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện: Mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh, nâng cao năng lực tiếp nhận và điều phối cấp cứu; Đào tạo chuyên nghiệp hóa lực lượng cấp cứu ngoại viện, ứng dụng công nghệ thông tin; Huy động sự tham gia của cộng đồng trong sơ cấp cứu ban đầu.

Ông HUỲNH THANH NHÂN, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-ban-cach-phat-trien-he-thong-y-te-de-cham-soc-suc-khoe-toan-dien-cho-nguoi-dan-post834551.html
Zalo