Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi)

Ngày 15/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường

Quang cảnh Kỳ họp bất thường

Trước khi thảo luận tại hội trường, sáng 13/2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi). Các ý kiến cơ bản nhất trí cao với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi cũng như nhiều nội dung trọng tâm của dự thảo luật; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đảm bảo tính đồng bộ của luật với hệ thống pháp luật.Tham gia góp ý tại hội trường về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Qua nghiên cứu dự thảo Luật lần này, tôi tán thành cao việc cơ quan soạn thảo đồng thời sửa đổi cả Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đã tập trung giải quyết một số vấn đề rất quan trọng về phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thi hành đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn, nhất là việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp chỉ mới đạt được kết quả bước đầu, chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc ‘‘chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn, hiệu quả hơn thì giao chính quyền địa phương cấp đó thực hiện’’; đồng thời, chưa thể hiện rõ quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; chưa phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương từng cấp, còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền, các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền và ủy quyền chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này cần nghiên cứu về quy định chuyển tiếp trong dự thảo và các mô hình tổ chức chính quyền ở các quốc gia; xác định rõ thời hạn trả lời, trách nhiệm của UBND cấp trên để tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Về việc đối thoại giữa chính quyền địa phương với Nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định “Hàng năm, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần đối thoại với Nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến…”, việc đối thoại với nhân dân đã giúp chính quyền giải quyết và xử lý được nhiều vấn đề phát sinh trong công tác quản lý và điều hành của các cấp chính quyền, thực tế đã chỉ rõ nơi nào chính quyền thực hiện tốt hoạt động đối thoại với nhân dân thì nơi đó có được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân đối với hoạt động của chính quyền. Vì vậy, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng là “Chính quyền địa phương các cấp kịp thời tổ chức các hội nghị đối thoại với Nhân dân khi triển khai các chính sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và của địa phương hoặc khi có các vấn đề phát sinh tạo dư luận, kiến nghị, thắc mắc của đông đảo nhân dân trên địa bàn…”

Về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND có quy định được quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND cùng cấp, do đó, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được đại biểu HĐND chất vấn là “người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND”.

Ngoài ra, tại phiên chất vấn, thực tế có trường hợp đại biểu HĐND chất vấn người đứng đầu các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương như cơ quan thuế, hải quan, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước… về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, vì vậy cần bổ sung đối tượng trả lời chất vấn là “người đứng đầu các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương”.

Tham gia đóng góp, thảo luận tại tổ về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tham gia góp ý thảo luận tại Tổ

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tham gia góp ý thảo luận tại Tổ

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Khoa học, công nghệ đòi hỏi tính sáng tạo, rủi ro lớn, nếu chưa đầu tư mà yêu cầu kết quả như thế nào thì không đúng. Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển còn góp ý các nội dung liên quan về quỹ phát triển khao học, công nghệ; thí điểm thử nghiệm có kiểm soát mô hình đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ..

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/doan-dbqh-lam-dong-tham-gia-gop-y-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-8d8130d/
Zalo