ĐBQH: Phân cấp, phân quyền, ủy quyền cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ

Cơ bản nhất trí với việc sửa đổi toàn diện luật, song các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Để người có quyền được phân quyền, ủy quyền thực hiện tốt

Sáng 14/2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Tham gia phát biểu tại nghị trường về vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng khi địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm nhưng lại không quy định những việc nào là của địa phương làm thì sẽ rắc rối trong điều hành.

Ông lấy ví dụ trong thực thi Luật Quy hoạch, vừa qua một số địa phương lập quy hoạch tỉnh, trong lập quy hoạch lại bỏ sót nhiều đơn vị hiện nay đang hoạt động như một số nhà máy nước đang hoạt động trên địa bàn. Khi không nằm trong quy hoạch đã trình Thủ tướng, các nhà máy nước muốn mở rộng cũng không được, muốn điều chỉnh phải trình Thủ tướng.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Media Quốc hội).

Do đó, theo ông việc không phân định rõ quyền hạn giữa Thủ tướng, địa phương khiến thực tế điều hành khó khăn, cản trở sản xuất, kinh tế rất nhiều.

Theo đại biểu, những hoạt động kinh tế của địa phương từ cấp do HĐND tỉnh quyết định thì thuộc địa phương. Khi đó, chủ tịch UBND tỉnh, huyện có quyền quyết định. Còn cứ động vào quy hoạch lại trình cấp trên thì rất vướng.

Hay trong việc phân cấp, đại biểu đề nghị nêu rõ Thủ tướng chỉ quyết định những vấn đề liên bộ, ngành hoặc dự án lớn.

"Nếu không quy định thì nhiều vấn đề vận hành như vận hành một hồ thủy điện cũng phải xin ý kiến Thủ tướng. Trong những lúc nông nghiệp đang cần hồ thủy điện xả nước để tưới tiêu nông nghiệp cũng phải xin ý kiến Thủ tướng sẽ làm hạn chế quyền hạn các bộ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các bộ. Trong khi các bộ chuyên ngành mới nắm vững, nắm rõ", ông Huân nêu.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là cần thiết và phù hợp với chính quyền địa phương, áp dụng thực hiện trong việc tinh giản, tinh gọn và tổ chức bộ máy, đảm bảo từ ngày 1/3 trở về sau đảm bảo cơ quan hành pháp Nhà nước hoạt động không vướng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

Song, đại biểu đề nghị trong phân cấp, phân quyền phải có một cơ chế cụ thể, nếu không đưa vào luật cũng phải đưa vào quy định để người được phân quyền, ủy quyền và giao thẩm quyền đó họ dám làm, dám chịu trách nhiệm về công việc đó.

"Tất nhiên hô xung phong thì phải vào trận. Vào trận phải có hy sinh, nhưng nếu có hy sinh phải xử lý người đứng đầu, cầm cờ thì chưa thực sự khách quan lắm. Trừ khi người đứng đầu đó lợi ích nhóm, tham nhũng thì phải xử lý, còn những vấn đề khách quan do công tác, nôn nóng trong công việc phải xung trận, để đạt mục đích, yêu cầu thì cần rõ ràng về cơ chế", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Theo ông, luật đã quy định khung như vậy thì Nghị định cũng phải rành mạch rõ ràng trong vấn đề này, dễ cho người thực hiện để người có quyền được phân quyền, ủy quyền thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị người phân quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra người được phân quyền, ủy quyền. Đặc biệt, khi ủy quyền mà người thực hiện làm chưa đúng thì người phân quyền cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng với nhau để tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.

Cần bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương

Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu.

Song, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực.

"Nếu không điều chỉnh hợp lý sẽ gây trì trệ, thiếu đồng bộ và giảm hiệu quả quản lý Nhà nước", ông Khải cho hay.

Ông Khải dành nhiều thời gian phân tích làm rõ thêm về khả năng chồng chéo và cát cứ quyền lực khi áp dụng phân quyền (Điều 7), phân cấp (Điều 8), ủy quyền (Điều 9) vào thực tế ở nước ta.

ĐBQH Trần Văn Khải (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Trần Văn Khải (Ảnh: Media Quốc hội).

Về phân quyền, ông Khải chỉ ra nếu phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách.

Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.

Do đó, theo ông nên bổ sung nguyên tắc "phân quyền có điều kiện" tức là chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị và xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền.

Song song với đó, cần tăng cường giám sát của Trung ương như thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Về phân cấp, ông Khải cho rằng nếu thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp.

Nhiều nhiệm vụ có thể vừa do Bộ quản lý, vừa do địa phương thực hiện (ví dụ: quản lý đô thị, đầu tư công, hạ tầng giao thông).

Nếu không có cơ chế đánh giá hiệu quả phân cấp, có thể dẫn đến việc giao quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, gây lãng phí và trì trệ.

Hơn nữa, nếu phân cấp quá mạnh, ông lo ngại có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương.

Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế "thẩm định hiệu quả phân cấp" như quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm. Các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ.

Song song, áp dụng nguyên tắc "phân cấp linh hoạt", đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.

Về ủy quyền, theo ông nếu ủy quyền thiếu kiểm soát có thể khiến trách nhiệm bị đùn đẩy giữa các cấp chính quyền.

Khi một nhiệm vụ được ủy quyền, nhưng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, có thể xảy ra tình trạng cấp dưới không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả. Một số nhiệm vụ quan trọng (phê duyệt dự án đầu tư công, cấp phép xây dựng…) nếu ủy quyền mà không kiểm soát có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, ông đề xuất nên giới hạn phạm vi ủy quyền, chỉ ủy quyền các nhiệm vụ hành chính thông thường, không ủy quyền các nhiệm vụ quyết định chính sách vĩ mô. Các quyết định ủy quyền phải được kiểm soát bởi Ủy ban Giám sát Quốc gia.

Đồng thời, cần bổ sung trách nhiệm giải trình. "Cơ quan được ủy quyền phải báo cáo định kỳ với cơ quan ủy quyền và quy định trách nhiệm cá nhân nếu nhiệm vụ được ủy quyền bị thực hiện sai", ông Khải cho hay.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-phan-cap-phan-quyen-uy-quyen-can-co-che-kiem-soat-chat-che-204250214120855358.htm
Zalo