ĐBQH: Không tổ chức Công an cấp huyện, cần cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, ngành Công an đang triển khai chủ trương không tổ chức Công an cấp huyện, do đó, cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng…

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu thảo luận tại Quốc hội

Sáng 14-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Góp ý về nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm đến quy định về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết.

Theo ông Hòa, đây là vấn đề hết sức tế nhị, liên quan quyền con người, liên quan công tác tố tụng, bắt giam, tạm giữ, tạm giam, cưỡng chế, thi hành án hoặc truy tố, điều tra, xét xử... trong thời điểm giao thời giữa các cơ quan hợp nhất, sáp nhập, giải thể...

"Dự thảo nghị quyết cho phép kế thừa để tổ chức thực hiện theo quy trình hoạt động tố tụng là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên cần thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, phát huy tính dân chủ, để quyền con người không bị ảnh hưởng" đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế)

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế)

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, lực lượng công an đang triển khai chủ trương không tổ chức Công an cấp huyện. Trong khi, theo quy định về pháp luật hình sự, đây là cơ quan trực tiếp, đầu tiên thực hiện các hoạt động tố tụng.

Như vậy, nếu Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-3 tới thì sẽ có thời gian rất ngắn để các cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thực hiện những công việc tiếp theo, khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể Công an cấp huyện.

Do đó, nữ ĐBQH đề nghị cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng…

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TPHCM) bày tỏ quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản sau sáp nhập bộ máy. Theo ông Đức, thực tế khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện cũng đã có những vướng mắc. Với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, là cuộc sáp nhập rất lớn nên số lượng tài sản sau sáp nhập cũng rất lớn. Do vậy, cần tính toán để đảm bảo tài sản được xử lý hợp lý, làm rõ trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo tại Quốc hội

Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến ĐBQH nêu về nội dung này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước chỉ quy định nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy, không quy định về trình tự, thủ tục, chế tài.

Do vậy, với những vấn đề đã rõ, không vướng mắc, thì tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành. Bộ trưởng ví dụ, về xử lý tài sản, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, đã có các nghị định ban hành trước đó. Với những vướng mắc phát sinh thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-khong-to-chuc-cong-an-cap-huyen-can-co-che-dac-thu-cho-hoat-dong-to-tung-post603478.antd
Zalo