Đề xuất cho phép Chính phủ, TAND, VKSND tối cao giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Điều 13 của dự thảo nghị quyết có một cơ chế khá đặc biệt là Quốc hội cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, ban hành giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 14/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 14/2 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 14/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Kiến nghị Nghị quyết có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua

Quan tâm đến vấn đề hiệu lực thi hành nghị quyết (tờ trình đề xuất nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025), đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) tán thành với đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật là thực thi ngay sau khi được Quốc hội thông qua, để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

 Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trần Nhật Minh nêu thực tế, hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ quyết định thành lập các bộ, cơ quan trung ương thuộc UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện phải ban hành các nghị quyết. Nhưng xét về căn cứ pháp lý, các nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan Trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn hiệu lực pháp luật, chưa được sửa đổi, bổ sung theo mô hình tổ chức bộ máy mới.

Để áp dụng các văn bản của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức các cơ quan trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì phải chờ Nghị quyết của Quốc hội ban hành.

Do đó, nếu thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 1/3/2025, theo đại biểu Trần Nhật Minh là muộn, chưa đáp ứng được mục đích khi xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật trong điều kiện chưa thể sửa đổi, bổ sung số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật.

Cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng khi giải thể công an cấp huyện

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH TP Huế) cho biết, về giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy tại Điều 13, tại khoản 1 của dự thảo nghị quyết giao thẩm quyền cho Chính phủ, VKSND, Tòa án nhân dân ban hành văn bản thuộc thẩm quyền Quốc hội, theo đại biểu, cần phải được nghiên cứu, điều chỉnh quy định này vì theo quy định hiện nay, Quốc hội còn có Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan xử lý công việc thường xuyên.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH TP Huế) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH TP Huế) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Do đó, theo đại biểu, nếu quy định như vậy sẽ khó cho Chính phủ và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện. Mặt khác, quy định các cơ quan này chỉ được ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình dẫn đến chồng chéo giữa các quy định với nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu điều chỉnh, đồng thời cũng đối chiếu với khoản 2 để điều chỉnh cho đồng bộ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP Huế) bày tỏ tán thành đối với thời gian nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3/2025. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay lực lượng công an đang thực hiện không tổ chức công an cấp huyện. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về hình sự, lực lượng công an là cơ quan trực tiếp đầu tiên thực hiện hoạt động tố tụng. Đại biểu băn khoăn, nếu nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian còn rất ngắn để các cơ quan Viện Kiểm sát, Tòa án thực hiện công việc tiếp theo và sẽ khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện.

“Vì vậy, đề nghị đối chiếu đối với hiệu lực nghị quyết cần có cơ chế đặc thù riêng ở hoạt động tố tụng để phục vụ cho hoạt động tố tụng” - đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị.

Cơ chế đặc biệt để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu, về ý kiến của đại biểu đề nghị về ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan Thường trực của Quốc hội để xử lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy có phạm vi tác động rất sâu rộng và chúng ta có lẽ chưa thể dự liệu hết được các tình huống phát sinh.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Do vậy, ở Điều 13 của dự thảo nghị quyết đã quy định về nguyên tắc để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có một cơ chế khá đặc biệt là Quốc hội cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, ban hành giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời cũng cho phép các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản bằng hình thức văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết vấn đề phát sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, đây là quy định trong một điều kiện rất đặc biệt của đất nước để bảo đảm xử lý kịp thời, nhanh chóng những vấn đề phát sinh. Mục đích cao nhất là quy định đặt ra phải bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Giải trình về thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/3/2025 nhằm đồng bộ với Nghị quyết Quốc hội, về cơ cấu, tổ chức Chính phủ ở tại thời điểm trình cũng đã dự quyết như vậy.

“Sau khi chúng tôi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội và qua nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ tiếp thu ý kiến này cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra để điều chỉnh lại hiệu lực là có hiệu lực ngay khi Quốc hội thông qua” - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/de-xuat-cho-phep-chinh-phu-tand-vksnd-toi-cao-giai-quyet-cac-van-de-phat-sinh-thuoc-tham-quyen-cua-quoc-hoi-172862.html
Zalo