Hệ lụy từ việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép
Công an thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân nói không với vũ khí tự chế và chủ động giao nộp các loại vũ khí trong danh mục cấm.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, triệt phá nhiều vụ án lớn liên quan đến tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép.
Điển hình là vụ việc một nạn nhân tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, khi đang ở trong phòng ngủ thì bị trúng đạn "lạc" dẫn đến tử vong. Chỉ trong 7 giờ sau đó, công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ thành công, khởi tố đối tượng Trần Văn Huy về tội “vô ý làm chết người”. Đối tượng này khai nhận đã dùng súng để bắn chim nhưng không may đạn bay lạc, gây tử vong cho nạn nhân.
Trước đó, ngày 15/12/2024, Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây buôn bán vũ khí, thu giữ gần 100 khẩu súng và 9.000 viên đạn. Quá trình đấu tranh chuyên án, 10 Tổ công tác của Công an TP.HCM đã đồng loạt xác minh, truy bắt các đối tượng có liên quan tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, khởi tố 71 bị can về 10 tội danh liên quan đến vũ khí, ma túy, tiền giả…
Xác định sự nguy hiểm của các loại vũ khí quân dụng này, Công an Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ.
Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an TP. Hà Nội - cho biết: "Việc tuyên truyền trong thời gian qua, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố về kế hoạch phát động cao điểm đã đem lại kết quả rất tích cực. Rất nhiều tầng lớp nhân dân đã nắm được được các quy định của luật, do đó có nhiều người tiến hành giao nộp các loại vũ khí súng đạn thuộc danh mục chưa quy định".
Không ít người dân thường sử dụng loại súng hơi tự chế với mục đích săn bắn chim thú hoặc các loại động vật hoang dã. Tuy vậy, hậu quả của việc sử dụng súng không chỉ dừng lại ở mục đích săn bắn mà còn có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, xuất phát từ lỗi cố ý hoặc vô ý của người sử dụng.
Trong những năm qua, với nhiều giải pháp quyết liệt và vận động tuyên truyền của cán bộ cơ sở, nhiều người dân đã chủ động trở thành “tuyên truyền viên”, không chỉ giao nộp các loại vũ khí như súng, dao, kiếm… cho lực lượng chức năng mà còn gương mẫu vận động gia đình, người thân giao nộp vũ khí tự chế.
Việc tồn tại các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong nhân dân sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề gây mất an ninh trật tự. Chính vì thế, việc vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo có vai trò đặc biệt quan trọng trong đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Công an cũng tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình các tài khoản mạng xã hội, website có hành vi rao bán, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo để xử lý nghiêm theo quy định.