Đẩy mạnh đào tạo nghề, đảm bảo nguồn cung lao động

Dự báo, từ năm 2025 trở đi, tỉnh Vĩnh Phúc cần tuyển 20.000 - 25.000 lao động mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển các khu, cụm công nghiệp. Nhu cầu này tập trung vào 3 nhóm ngành chính: điện tử, thiết bị điện; dệt may, da giày; cơ khí, sản xuất kim loại.

Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh.

Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh.

Nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 731 lượt hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết 43 hồ sơ hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 6.800 người. Quý I/2025, tỉnh đã chi trả hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị quyết số 07 ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh.

Tính đến ngày 15/03/2025, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 6.400 lao động, tăng 3,63% so với cùng kỳ, trong đó: lao động trong nước hơn 6.240 người và đưa 182 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chấp thuận 589 vị trí công việc cho 188 lượt doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp 610 giấy phép cho lao động nước ngoài...

Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có 9/17 khu công nghiệp và 13/16 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.100 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Về nguồn cung lao động, tỉnh có hơn 613.000 lao động độ tuổi từ 15 trở lên, chiếm gần 34% dân số, trong đó hơn 98% đã có việc làm.

Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh, từ mức 10.900 lao động năm 2020 đến gần 20.000 người năm 2024. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra đối với tỉnh là đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giầy gặp khó khăn trong việc tuyển và giữ chân người lao động là do mức lương các doanh nghiệp trả cho người lao động còn thấp. Hơn nữa, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng có các tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển nên nguồn cung khó khăn và lao động thường xuyên có sự dịch chuyển giữa các địa phương.

Người lao động thực hành các kỹ năng theo chương trình đào tạo thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Kim Ly

Người lao động thực hành các kỹ năng theo chương trình đào tạo thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Kim Ly

Tăng cường kết nối, đào tạo nghề, bảo đảm nguồn cung lao động

Năm 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm cho 17 nghìn lao động, trong đó, tạo việc làm mới trong nước cho 16 nghìn lao động và đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong. Để đạt được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm theo quy định của Trung ương, của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo, tuyển chọn lao động giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, như: Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Kế hoạch triển khai cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025...

Đối với nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, Sở Nội vụ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương mở rộng nguồn cung. Cùng với đó, phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức kết nối, đào tạo nghề, bảo đảm nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn lao động có tay nghề cao.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 45 nghề trình độ cao đẳng, hơn 70 nghề trình độ trung cấp và hơn 130 nghề trình độ sơ cấp với năng lực tuyển sinh hàng năm khoảng hơn 41.000 người. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu thị trường; tăng các tiết dạy thực hành, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…

Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; đổi mới công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

Tăng cường hợp tác, liên kết, đặt hàng đào tạo với các trường đại học; thực hiện chương trình đào tạo mới theo chuẩn khu vực và quốc tế. Kịp thời điều chỉnh công tác giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi, biến động của thị trường lao động và phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/day-manh-dao-tao-nghe-dam-bao-nguon-cung-lao-dong-39545.html
Zalo