Những yếu tố hưởng lợi từ việc đồng đô la suy yếu
Việc đồng đô la suy yếu do tác động của căng thẳng thương mại đã phần nào đem tới lợi thế cho một số quốc gia, hàng hóa...

Đồng đô la đã suy yếu gần 10% từ mức đỉnh vào giữa tháng 1 xuống mức thấp nhất trong 3 năm so với một rổ các loại tiền tệ chính. Chất xúc tác chính là thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã làm bùng phát lại nỗi lo về lạm phát và suy thoái, làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào đồng đô la.
Đồng đô la mất giá đã làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và làm tăng chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp, đồng thời khiến hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn.
Sự suy thoái này cũng có tác động toàn cầu, vì đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới được sử dụng để giao dịch mọi thứ, từ hàng hóa và dịch vụ đến hàng hóa và các sản phẩm phái sinh.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã tỏ ra thất vọng với sự thận trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong việc cắt giảm lãi suất của Mỹ và đã đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội trong tuần qua rằng "việc sa thải ông Powell không đủ nhanh". Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett đã cho biết rằng, Tổng thống Trump đang xem xét liệu có thể sa thải ông Powell hay không.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard, Tổng thống Trump sẽ đặt uy tín của đồng đô la vào thế nguy hiểm và làm mất ổn định nền kinh tế Mỹ nếu ông sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell.
Các tiền tệ khác tăng giá
Sự sụt giảm của đồng đô la đã dẫn tới sự gia tăng của các tiền tệ khác trong năm nay, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn và kênh đầu tư thay thế.
Được hỗ trợ bởi sự trung lập và hệ thống tài chính mạnh mẽ của Thụy Sĩ, đồng franc đã tăng hơn 9% so với đồng đô la kể từ đầu năm và tiếp tục dao động quanh mức mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Được hỗ trợ bởi lạm phát thấp của Nhật Bản và nhu cầu trái phiếu chính phủ mạnh, đồng yên đã tăng hơn 9% so với đồng đô la kể từ đầu năm.
Đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm so với đồng đô la, báo hiệu sự tin tưởng vào các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các tiền tệ của thị trường mới nổi như đồng đô la Singapore và đồng won Hàn Quốc cũng đã tăng giá.
Trong khi được ca ngợi là hàng rào chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ, Bitcoin đã giảm hơn 9% xuống còn khoảng 84.400 USD.
Hàng hóa
Dầu mỏ, vàng và hàng hóa nông nghiệp có xu hướng hưởng lợi từ việc đồng đô la giảm vì điều này khiến chúng rẻ hơn tương đối.
Điều này giúp các quốc gia như Ả Rập Xê Út (dầu mỏ) và Úc (vàng) cũng có xu hướng hưởng lợi, vì giá dầu và vàng mà họ sản xuất - vốn được định giá bằng đồng đô la trở nên cạnh tranh hơn. Thị trường chứng khoán của các những nước này cũng sẽ tăng khi nhiều nhà đầu tư rót tiền vào để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Tuy nhiên, ngoài giá vàng đã tăng vọt lên trên 3.300 USD/ounce trong năm nay khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu Mỹ và đồng đô la, thì giá dầu thô lại giảm kể từ tháng 1 do lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại mở rộng sẽ gây ra sự suy thoái kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu dầu.
Giá đậu nành cũng tăng khoảng 4% trong năm nay lên mức 10,4 USD/giạ, do ảnh hưởng của nguồn cung thắt chặt và thuế quan của Trung Quốc đối với đậu nành Mỹ đã gây áp lực tăng giá.
Ngoài ra, đồng đô la giảm có thể thúc đẩy các quốc gia bao gồm Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Nam Phi nỗ lực giảm sự thống trị của đồng đô la trong thương mại toàn cầu.