Tận dụng nguồn lực từ cán bộ, đảng viên nghỉ hưu trước tuổi - Bài 2: Khuyến khích cán bộ có kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ
Trong buổi trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam' ngày 25/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ 'điểm nghẽn', rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân,... Để đột phá về nguồn lực, chúng ta không thể không quan tâm đến nguồn lực từ cán bộ, đảng viên nghỉ hưu trước tuổi.

Cán bộ, đảng viên hưu trí là đội ngũ đông đảo, có kinh nghiệm, bản lĩnh, uy tín, tiếp tục có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, địa phương. (Ảnh minh họa: dangcongsan.org.vn).
Cơ hội và thách thức cho bộ máy hành chính
Một trong những lợi thế rõ rệt của việc nghỉ hưu trước tuổi là cơ hội trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Sự thay thế các cán bộ kỳ cựu bằng lớp cán bộ trẻ không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động công vụ mà còn mang đến tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi nhanh với môi trường số hóa và những thay đổi của thời đại. Với chính sách đào tạo và phát triển phù hợp, lực lượng trẻ này hoàn toàn có thể tiếp nhận và phát huy tốt vai trò trong bộ máy hành chính hiện đại.
Ngoài ra, việc có sự chuyển giao thế hệ là thời điểm thuận lợi để tiến hành cải cách, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức. Đây là cơ hội để đổi mới phương thức làm việc, loại bỏ sự cồng kềnh, lạc hậu, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc nghỉ hưu sớm của một số cán bộ, đảng viên cũng kéo theo các hệ lụy. Đầu tiên là sự thiếu hụt về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và khả năng điều hành. Các cán bộ kỳ cựu đã tích lũy vốn kiến thức và kỹ năng qua nhiều năm công tác, đồng thời sở hữu mạng lưới quan hệ rộng, giúp công việc vận hành trơn tru. Khi họ nghỉ đột ngột, khoảng trống để lại là không dễ lấp đầy, ảnh hưởng đến sự ổn định, liên tục trong hoạt động của các cơ quan.
Không những thế, sự thiếu vắng các “cây đại thụ” trong ngành dễ dẫn đến tình trạng đội ngũ kế cận - dù có tiềm năng - nhưng chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để giải quyết các tình huống phức tạp, đặc thù. Điều này có thể khiến tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án quan trọng có thể bị chậm trễ hoặc gián đoạn.
Về mặt nhân sự, việc thay đổi cơ cấu đột ngột cũng gây áp lực lớn. Tìm kiếm, đào tạo người thay thế không chỉ mất thời gian mà còn tốn kém. Trong khi đó, công việc tại các cơ quan hành chính luôn yêu cầu tiến độ và chất lượng, dẫn đến nguy cơ quá tải, ảnh hưởng hiệu quả chung.
Điểm đáng lưu ý là cán bộ nghỉ hưu trước tuổi thường không phải vì sức khỏe yếu kém, mà đa phần vẫn đang trong độ tuổi sung sức, còn nhiều năng lượng và trí tuệ để cống hiến. Họ sở hữu cả kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn sâu sắc, là nguồn lực quý báu nếu được tiếp tục tận dụng đúng cách.
Không ít người trong số họ đang ở giai đoạn “đỉnh cao” sự nghiệp, có tầm nhìn chiến lược, khả năng phân tích và xử lý tình huống sắc bén, đồng thời hiểu rõ nội tình cơ quan, ngành nghề. Việc không khai thác hiệu quả nguồn lực này sẽ là một sự lãng phí lớn về nhân tài.
Trước thực tế này, cần có những chính sách phù hợp để tiếp tục khai thác năng lực của cán bộ, đảng viên nghỉ hưu trước tuổi. Vấn đề cán bộ nghỉ hưu trước tuổi cần được nhìn nhận khách quan, từ cả góc độ cơ hội và thách thức. Nếu được giải quyết tốt, đây không chỉ là bước chuyển trong cơ cấu nhân sự mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng, hiện đại hóa bộ máy hành chính nhà nước.
“Phải khéo dùng cán bộ” giàu kinh nghiệm
Để bảo đảm hiệu quả của chính sách tinh giản biên chế gắn với nghỉ hưu trước tuổi, Nhà nước cần có những điều chỉnh hợp lý. Trước hết, cần đánh giá nhu cầu nhân sự thực tế để xác định rõ những vị trí công tác nào cần giữ lại đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, đồng thời xây dựng kế hoạch thay thế phù hợp nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực. Điều này giúp bảo đảm sự vận hành liên tục và ổn định của các cơ quan, đơn vị hành chính mà không làm gián đoạn các công việc quan trọng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý cho những người nghỉ hưu trước tuổi. Chính sách ưu đãi cần bảo đảm họ có điều kiện ổn định cuộc sống, đồng thời tạo cơ hội để họ tiếp tục đóng góp cho xã hội bằng những công việc phù hợp với năng lực và kinh nghiệm chuyên môn. Điều này có thể bao gồm việc hỗ trợ tài chính, mở ra các chương trình đào tạo giúp họ chuyển đổi công việc sang lĩnh vực phù hợp hơn hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng.
Một trong những yếu tố quan trọng trong chính sách này là khuyến khích cán bộ có kinh nghiệm tham gia vào công tác tư vấn, hỗ trợ chuyên môn sau khi nghỉ hưu. Nhiều cán bộ đã có thâm niên công tác lâu năm, hiểu rõ cơ chế vận hành của bộ máy hành chính, do đó họ vẫn có thể đóng góp giá trị to lớn ngay cả khi không còn đảm nhiệm chức vụ chính thức. Việc thiết lập các chương trình mời gọi cán bộ nghỉ hưu tham gia tư vấn cho các cơ quan nhà nước, đào tạo đội ngũ kế cận hoặc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành sẽ giúp tận dụng nguồn tri thức quý báu này. Ngoài ra, hình thức cộng tác bán thời gian hoặc làm việc theo hợp đồng tư vấn cũng là một phương án phù hợp để bảo đảm tính linh hoạt cho cả cá nhân và cơ quan nhà nước.
Trên cơ sở đó, cần phải tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn trong hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu sớm. Đây là lực lượng có thể góp phần trong việc tư vấn, kết nối và đồng hành cùng cán bộ hưu trí, giúp họ tìm được các hoạt động phù hợp như tham gia tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động cộng đồng hoặc công tác chuyên môn phù hợp. Đồng thời, các tổ chức này cũng có thể làm cầu nối giữa người nghỉ hưu với các cơ quan nhà nước trong các chương trình cố vấn, đào tạo, hỗ trợ chính sách.
Cán bộ, đảng viên hưu trí là đội ngũ có kinh nghiệm, bản lĩnh, uy tín, việc tận dụng được nguồn lực này một cách hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Họ có thể đảm nhận vai trò cố vấn cho các cấp lãnh đạo, tham gia phản biện chính sách hoặc hướng dẫn, đào tạo thế hệ trẻ. Việc tạo ra một cơ chế để đội ngũ này tiếp tục đóng góp mà vẫn có sự chủ động trong công việc là yếu tố quan trọng cần được xem xét.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, một yếu tố quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ trẻ chính là rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và đạo lý công vụ. Cán bộ nghỉ hưu, với những năm tháng phục vụ trong hệ thống hành chính, có thể là những tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, tinh thần phục vụ Nhân dân và giữ gìn uy tín, danh dự của hệ thống công quyền.
Khi được truyền đạt những giá trị này, cán bộ trẻ sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công việc mà họ đang thực hiện, cũng như trách nhiệm lớn lao đối với cộng đồng và đất nước. Điều này không chỉ giúp họ trở thành những cán bộ chuyên môn giỏi mà còn là những người có phẩm chất tốt, có lương tâm trong công việc và luôn hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Đào tạo và bồi dưỡng nhân sự thay thế cũng là yếu tố quan trọng cần được chú trọng. Cần có các chương trình đào tạo bài bản nhằm giúp đội ngũ kế cận có thể tiếp thu nhanh chóng kiến thức và kinh nghiệm từ thế hệ đi trước. Đây là giải pháp cần thiết để bảo đảm sự chuyển giao thế hệ diễn ra suôn sẻ, không làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong bối cảnh ngày càng có nhiều yêu cầu đổi mới.
Việc nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ, đảng viên là một xu hướng tất yếu trong quá trình tinh gọn bộ máy hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm quá trình này diễn ra hiệu quả, Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh hợp lý nhằm cân bằng giữa việc tinh giản biên chế và duy trì chất lượng quản lý hành chính. Khi thực hiện tốt, đây sẽ là cơ hội để hệ thống hành chính công đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng suất làm việc và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước.
Cán bộ nghỉ hưu không “nghỉ hẳn” - Kinh nghiệm từ thế giới
Nhìn rộng ra thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai những chính sách linh hoạt và sáng tạo nhằm tận dụng hiệu quả nguồn lực từ đội ngũ cán bộ nghỉ hưu sớm, biến họ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững.
Tại Nhật Bản, với thực trạng dân số già hóa nhanh, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tái tuyển dụng người nghỉ hưu theo hình thức hợp đồng bán thời gian, tư vấn hoặc thời vụ. Bên cạnh đó, hệ thống “Trung tâm nhân lực cao tuổi” (Silver Human Resource Center) được triển khai rộng khắp để kết nối người cao tuổi với các công việc phù hợp trong cộng đồng như giảng dạy, cố vấn, chăm sóc xã hội… giúp họ tiếp tục đóng góp giá trị cho xã hội.
Ở Đức, các cán bộ nghỉ hưu có thể đảm nhiệm vai trò cố vấn chuyên môn trong các tổ chức công hoặc tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công và đào tạo cán bộ trẻ. Chính phủ Đức còn có chính sách miễn giảm thuế cho phần thu nhập từ hoạt động tư vấn sau nghỉ hưu, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục tham gia công việc một cách chủ động.
Hoa Kỳ thì nổi bật với khái niệm “Encore Career” - sự nghiệp thứ hai sau khi nghỉ hưu, thường gắn với các công việc có giá trị xã hội như giáo dục, y tế, phát triển cộng đồng. Người nghỉ hưu được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp và được các tổ chức phi lợi nhuận, trường học, bệnh viện tích cực mời gọi hợp tác…
Từ những mô hình trên, có thể thấy rằng cán bộ nghỉ hưu sớm không phải là lực lượng bị loại khỏi guồng máy vận hành xã hội, mà là nguồn tài sản tri thức quý giá nếu được tổ chức, khai thác hợp lý. Đây là những kinh nghiệm hữu ích để Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện chính sách tinh giản biên chế gắn với nghỉ hưu trước tuổi, nhằm không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động mà còn tận dụng hiệu quả vốn con người, phục vụ cho sự phát triển lâu dài của đất nước.