Kỹ sư Hồ Quang Cua: Cơm ngon thượng hạng và túi tiền nông dân

Cuối năm 2019, khi gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, viết nên câu chuyện đẹp cho hạt gạo Việt Nam thì cha đẻ của nó bắt đầu hành trình gian nan để bảo vệ chén cơm thượng hạng và giúp giữ tiền trong túi nông dân.

Nguy cơ mất thương hiệu ST25

Trong lịch sử lúa gạo Việt Nam, có lẽ chỉ có hai lần hạt gạo được săn đón nhiều nhất. Đó là những năm thiếu đói của nhiều thập niên trước, người ta tìm kiếm hạt gạo để giữ gìn sự sống. Còn từ cuối năm 2019, Việt Nam luôn đứng tốp đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Ở các siêu thị, các cửa hàng, đầy ra đó các nhãn hiệu từ gạo Việt đến gạo Thái, gạo Campuchia, gạo Nhật, gạo Đài Loan… nhưng lần đầu tiên, gạo thơm ST25 trở thành mặt hàng tạo nên cơn sốt.

Ngoài thị trường, cái tên ST25 được tìm kiếm bao nhiêu thì tại căn nhà lá giữa vườn me ở thị trấn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cái tên “Hồ Quang Cua” được giới truyền thông, doanh nghiệp, các chính trị gia lẫn… nông dân hâm mộ tìm kiếm bấy nhiêu. Kỳ thật, ông Cua không phải là người xa lạ trong giới khoa học nông nghiệp. Những giống lúa với thương hiệu “ST” đã đủ cho thấy tâm huyết “đi tới cùng với hạt gạo quê hương” của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua.

Người ta kiếm ông Cua khó, cũng bởi “chân đi” của ông luôn bị hấp lực của những cánh đồng lúa ngon cuốn hút. Từ Viên An, Viên Bình (huyện Trần Đề), đến Ngã Năm, Phước Long, Thới Bình, U Minh Thượng, An Minh, An Biên, cho đến vùng cao Kon Tum, Đắk Lắk… Những cánh đồng mênh mông và những nông dân chí thú luôn ngầm coi ông là chỗ dựa tinh thần. Ông xuất hiện trên cánh đồng của họ coi như bảo chứng cho vụ mùa đầy tự tin. Riết rồi, ông đi tổ chức trồng lúa chẳng khác nào đi “ủy lạo” tinh thần. Các buổi chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa ST25 chẳng khác nào “hội thảo đầu bờ”, hễ nghe tiếng ông thì nông dân tìm tới để… coi “idol”.

Khi một nhà khoa học cùng cộng sự của mình làm nên giống lúa được vinh danh trên trường quốc tế, có lẽ họ chỉ nghĩ rằng, cái mà họ chiến thắng là những chỉ số thơm, ngon, kháng bệnh… Ông Cua cũng vậy, không nghĩ thương hiệu ST25 của mình có ngày bị “đánh du kích” trên thị trường trong và ngoài nước. Nguy cơ mất thương hiệu hiện hữu khi ông Cua được tin một doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ (USPTO) xin bảo hộ thương hiệu ST25 là của họ. Tại thị trường Mỹ, có đến 8 lá đơn tương tự gửi lên USPTO để lấy thương hiệu ST25. Tại Úc có 5 lá đơn gửi lên Cục Sở hữu trí tuệ nước này xin lấy thương hiệu ST25. Tại Việt Nam, dĩ nhiên, còn sôi nổi hơn khi có tới 17 đơn đòi công nhận thương hiệu ST25 là của họ. Thậm chí, có nơi còn đăng ký hình ảnh ông Hồ Quang Cua làm thương hiệu của họ!

Khi cha đẻ ST25 còn đang miệt mài trên những cánh đồng với những “fan cứng” là nông dân chân lấm tay bùn, thì trên các diễn đàn, “con đẻ” của ông và thậm chí cả ông cũng được người ta đem ra… xí phần. Vậy là, bất đắc dĩ, ông và gia đình lại “đáo tụng đình”. Trong khi đó ngay tại cánh đồng lúa khảo nghiệm ST25, người ta tới thuyết phục nông dân bán sạch lúa cho họ. “Chú thử coi, nông dân tới mùa thì thắc thỏm trông giá lúa lên xuống. Còn năm đó, đột nhiên có người tới mua lúa tươi với giá trên 20 ngàn đồng một ký, cao gấp ba lần giá thị trường vụ trước. Hỏi nông dân ai mà không bán”, ông Cua nói với niềm cảm thông.

Vụ bị “hẫng tay trên” lúa còn bỏ qua được, bởi hết vụ này có thể gầy vụ khác. Nhưng câu chuyện bị “hẫng tay trên” thương hiệu lại là câu chuyện khác. Điều này đặt ra nguy cơ các sản phẩm có chữ “ST25” vào Mỹ đều có thể vi phạm thương hiệu được bảo hộ. Ông Cua biết được sự vụ qua nguồn tin của các đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ. Lúc này, một số cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam đã đặt vấn đề giúp ông Cua đăng ký gạo ST25 tại Mỹ. “Lúc đó tôi cũng định nhờ một doanh nghiệp lớn trong ngành lương thực giúp đăng ký bảo hộ. Cũng có lúc phải nhờ đến sự hỗ trợ của một hiệp hội lớn của Việt Nam, vốn có kinh nghiệm trong các tranh chấp pháp lý khi bán hàng sang Mỹ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng chưa đi đến đâu”, ông Cua nhớ lại. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, khi các pháp nhân lớn cũng chưa giúp được cho người cả đời chỉ đam mê nâng cao chất lượng hạt gạo và đời sống của nông dân, thì ông Cua quyết định “tận dụng nguồn lực gia đình”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa ST25 với nông dân. Ảnh: Trần Chí Kông

Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa ST25 với nông dân. Ảnh: Trần Chí Kông

Anh Lê Quang Vũ, chàng rể út của ông đã đứng ra cùng ba vợ bảo vệ thương hiệu ST25 cho gia đình, cũng là cho hạt gạo Việt Nam khi ra thị trường quốc tế. Đầu tiên là tìm chọn một công ty luật có đủ năng lực và uy tín, tiến hành các thủ tục phản đối đơn đăng ký sở hữu thương hiệu ST25 của doanh nghiệp kể trên. Trong sự kiện pháp lý này, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) sớm có văn bản phản kháng gửi cho phía Mỹ và chứng minh chính ông Cua mới đủ tư cách được công nhận chủ sở hữu thương hiệu ST25.

Vụ việc kéo dài đến năm 2023 mới kết thúc. Với những chứng cứ rõ ràng và thuyết phục từ phía gia đình ông Cua và các luật sư của ông, cũng như tham chiếu các căn cứ mà cơ quan hữu trách của Việt Nam gửi đến, nhà chức trách Mỹ đã từ chối cấp bảo hộ thương hiệu ST25 cho doanh nghiệp vốn… chẳng liên quan gì đến ST25, mở ra cơ hội để cha đẻ giống lúa ST25 được công nhận quyền bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

“Trong vụ đó, nếu chúng tôi phản kháng chậm một tháng thì doanh nghiệp kia đã được cấp bảo hộ. Nếu vậy, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi gạo ST25 bán vào thị trường Mỹ, chúng tôi sẽ phải tham gia vào các vụ tranh chấp pháp lý kéo dài và phức tạp hơn. Nguy cơ gạo ST25 vào thị trường Mỹ sẽ không được bảo hộ. Hệ quả sẽ không nhỏ…”, ông Cua chia sẻ.

Khi thấy ông Cua cương quyết phản đối việc cấp bảo hộ thương hiệu ST25 tại thị trường Mỹ, phía doanh nghiệp xin cấp ban đầu cũng thuyết phục phía ông rút đơn. “Rằng chờ đến khi họ được cấp bảo hộ thì họ sẽ… tặng lại cho chúng tôi”, ông kể. Biết chuyện, anh Vũ lập tức khuyên ba không nhận lời. Bởi nếu chờ đến lúc họ được cấp bảo hộ, khi ấy quyền quyết định là của họ. Sau vụ kiện tại Mỹ, gia đình ông Cua lại được tin báo có người nộp đơn xin sở hữu thương hiệu ST25 tại Úc. Khi hay biết vụ việc, Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Úc đã chủ động có công văn phản đối, kịp thời ngăn chặn nguy cơ thương hiệu gạo ST25 bị chiếm đoạt tại xứ sở chuột túi.

Sau các sự kiện pháp lý, Cục Sở hữu trí tuệ cũng lưu ý rằng, tuy là chủ bản quyền của hạt giống lúa ST25, nhưng vẫn không được độc quyền gạo ST25. Từ đó, cô gái út của ông Cua mới nghĩ ra thương hiệu “Gạo ông Cua ST25”, đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế.

Câu trả lời cho người Thái

Trở lại thời điểm tháng 2.2020, sau khi đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới, một tiến sĩ di truyền giống, chủ tịch một tập đoàn chuyên về lúa thơm của Thái Lan đã dẫn theo các chuyên gia tìm đến gặp ông Cua. Xã giao quanh quẩn, vị này mới hỏi thẳng người có giống lúa vừa thắng gạo thơm Thái Lan, có lẽ cũng là lý do ông vượt đường xa đến tận vùng quê Sóc Trăng: “Nhờ đâu ông hơn tôi?”. Trong nhiều năm, người Thái tự hào là quốc gia số một về gạo ngon. Thỉnh thoảng vị trí ấy có chia sẻ với người láng giềng Campuchia, nhưng đó là câu chuyện của “địa chính trị”, còn đằng này, giống lúa của một cá nhân ở Việt Nam lại chiến thắng một cách “tâm phục khẩu phục” gạo ngon của người Thái, khiến họ luôn nuôi trong đầu câu hỏi “tại sao?”.

Ông Cua vui vẻ trả lời: “Nếu làm theo phương pháp truyền thống của các nhà khoa học ở phía Nam, không bao giờ chúng tôi so được với giống lúa Kao Dok Mali của các ông. Tôi cho rằng, với nhóm gạo lúa mùa thơm dứa, trên thế giới không có giống nào hơn được Kao Dok Mali. Nếu tôi lấy các giống lúa ở phía Nam Việt Nam để lai với các giống khác chất lượng thấp hơn thì chắc chắn thua Kao Dok Mali. Nhưng đất nước tôi được thiên nhiên ưu đãi, điều mà các ông không bao giờ có. Đó là chúng tôi có lúa thơm bán ôn đới. Phía Bắc chúng tôi có lúa thơm chịu lạnh. Phía Nam chúng tôi có lúa thơm dứa giống như lúa thơm của các ông, mặc dù chúng tôi không bằng, nhưng chúng tôi vẫn có. Lúa thơm mùi cốm, ngày xưa là lúa tiến vua, tôi biết đất nước Thái Lan các ông không có. Chúng tôi lấy hai tổ hợp đó lai lại để ra sản phẩm có hương vị khác biệt hết tất cả các giống khác”. Nghe đến đây, vị khách đến từ Thái Lan như cởi được những nỗi băn khoăn lớn nhất của ông.

Gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua tiếp tục đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Trước đó, gạo ST25 của ông Cua đã mang về giải gạo ngon nhất thế giới đầu tiên cho Việt Nam năm 2019. Ảnh: TLNV

Gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua tiếp tục đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Trước đó, gạo ST25 của ông Cua đã mang về giải gạo ngon nhất thế giới đầu tiên cho Việt Nam năm 2019. Ảnh: TLNV

Ông Cua cho biết cũng may là trong 6 năm nay, từ khi gạo Việt Nam lần đầu được công nhận ngon nhất thế giới, kinh doanh của gạo Việt Nam làm giảm thế độc tôn của gạo Thái Lan, nhưng chưa làm giảm sản lượng gạo của người Thái. Vì mỗi năm nông dân chỉ trồng được năm, sáu trăm ngàn tấn gạo, phần lớn tiêu thụ nội địa. Chính vì bán ra nước ngoài còn ít nên vẫn giữ được giá gạo ST25 là gạo đắt nhất thế giới.

Hôm tiếp chúng tôi, ông Cua cho hay cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội vừa bắt 6 vụ làm giả thương hiệu gạo ST25. Trước đó, ở Bắc Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ… cũng phát hiện nhiều vụ làm giả giống, gạo giả. Nhưng mỗi nơi có cách xử lý khác nhau. Có thời gian, ngoài chuyện đi khắp nơi để hướng dẫn người dân trồng lúa ST25 thì ông Cua cũng vất vả truy cánh làm giống giả, gạo giả. Nhiều phen phát hiện giống giả, ông phải gõ cửa cơ quan chức năng để “nhờ” xử lý. Thậm chí, phải mấy phen đến tòa để bảo vệ ST25. “Mình cần phải cương quyết để bảo vệ chén cơm của người nông dân. Nếu để tụi làm giả làm loạn lên thì lòng tin vào gạo ST25 nói riêng, niềm tin vào chất lượng gạo Việt Nam bị mai một. Khi đó, không chỉ có doanh nghiệp, mà nông dân cũng là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất”, ông Cua tâm sự.

Đến bây giờ, khi ST25 đã có chỗ đứng rõ ràng, ông Cua nói băn khoăn nhất là làm sao giữ gìn được chất lượng hạt gạo như ban đầu. Để nó góp phần tạo nên thương hiệu, đẳng cấp của gạo Việt Nam trên thế giới. Và để duy trì chất lượng, giải pháp đầu tiên là chống hàng giả.

1% của trên hạt lúa

Ngược về năm 2017, khi trồng khảo nghiệm cho ra kết quả trên bông lúa ST25 có đeo một ít hạt tròn. Ông Cua nói, nhóm của ông lại phải thêm một bước tuyển thuần lại cho hết hạt tròn thì lại ra hạt lúa có râu. Nếu loại yếu tố có râu của hạt lúa thì được thêm 2% tỷ lệ hạt gạo. Khi cắt được râu thì lại nảy ra đặc tính nảy mầm trên bông. Nếu tình trạng nảy mầm trên bông diễn ra gặp trời mưa thì sẽ gây tổn thất kinh tế lên đến 20%, vì thương lái sẽ trừ đi tỷ lệ hạt gạo nảy mầm không mong muốn này. Cuối cùng người nông dân lãnh hết.

Khi hạt gạo ST25 đạt tất cả các yêu cầu về độ thơm, dài, dẻo… và giá trị dinh dưỡng như mong muốn, cha đẻ của nó vẫn tiếp tục đề ra những đòi hỏi mới. Đó là những đòi hỏi để làm tăng thêm túi tiền của nông dân. Như chiều lòng người, hạt gạo tuy vẫn như vậy, nhưng vỏ trấu thì hai đầu ngắn lại, áp sát vào hạt gạo. Đặc tính này giúp làm giảm nguy cơ nảy mầm trên bông, vừa tăng được 1% gạo. Khi tỷ lệ gạo trong mỗi hột lúa tăng lên thì thu nhập cũng tăng lên. Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, tỷ lệ lời 3% là mừng lắm rồi. Đằng này lại được tăng lên 1%, quy ra tổng sản lượng là con số không nhỏ. Ông Cua bật mí: “Chú biết ai nói cho biết kết quả đó không? Chính mấy cha chà gạo nói hết trơn”.

Khi đoạt giải rồi, thì ST25 lại bị… soi. Cũng chính người tiêu dùng. “Tại sao gạo thơm ngon nhất thế giới mà không thơm? Tại sao gạo thơm ngon nhất thế giới mà nấu cơm không dẻo, lại bị sựt sựt, có hạt sống trong nồi cơm?”, chỉ có một giải thích duy nhất là gạo ST25 đã bị trộn lẫn với gạo khác. Khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, thì “cơn sốt” săn tìm gạo này cũng tăng lên. Lại làm thay đổi thói quen mua gạo, khi những người đàn ông trong gia đình lại là người đi mua nhiều hơn, bởi họ thấy việc mua gạo cũng là niềm vui.

Kỹ sư Hồ Quang Cua được vinh danh “Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT” trong khuôn khổ hội nghị thương mại Gạo thế giới năm 2022, vì những đóng góp của ông cho ngành lúa gạo Việt Nam và thế giới. Ảnh: Quang Trí

Kỹ sư Hồ Quang Cua được vinh danh “Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT” trong khuôn khổ hội nghị thương mại Gạo thế giới năm 2022, vì những đóng góp của ông cho ngành lúa gạo Việt Nam và thế giới. Ảnh: Quang Trí

Lúa trồng ở Bảy Sào vẫn giữ được chất lượng cho ra gạo ngon, kế đó là lúa trồng trên đất nuôi tôm. Ở đó, tỷ lệ phân, thuốc bảo vệ thực vật được giảm tối đa. Nếu cánh đồng nào có phân hóa học bón nhiều thì hạt gạo sẽ có mùi nitrat khăn khẳn. Nếu giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật thì giữ được độ ngon của hạt gạo. “Mỗi một đợt dịch xuất hiện, nông dân phun hai ba cữ thuốc bảo vệ thực vật thì coi như lô lúa đó không thể đưa vô đặc sản được. Nó rớt mùi, rớt ngon hết. Cho nên, các giải pháp hữu cơ cũng như việc tổ chức hợp tác sản xuất đã làm tăng giá thành cho người trồng lúa ST25. Khi chi phí sản xuất tăng, giá bán cũng phải cao để tương xứng với giá trị hạt gạo mà người nông dân mang lại”, ông Cua nói.

Sau đó là công nghệ sau thu hoạch. Hạt lúa về không được đổ xuống đất, mà phải đưa ngay lên sàng sấy để con vi khuẩn, nấm mốc không có cơ hội phát triển, hạt gạo không chỉ an toàn về mặt hóa chất mà còn an toàn về mặt sinh học (trong hạt gạo không chứa các sinh vật gây thiu cơm). Có người nói “ông Cua “oánh” hóa chất gì mà cơm để ba bữa không thiu!”. “Chỉ có giải thích duy nhất là mình làm bài bản từ khi thu hoạch đến khi chà lúa. Ngày xưa, mình thu hoạch lúa bao nhiêu là chất đống đó, có khi để hai, ba hôm mới sấy, đâu biết rằng vi khuẩn đã nhân giống ngay trên đống lúa, sau đó thẩm thấu qua hạt gạo. Khi sấy khô, vi khuẩn kết thành bào tử, tồn tại ở thể tiềm sinh. Loại vi khuẩn này khi nấu cơm ở nhiệt độ sôi không diệt được nó, thậm chí nhiệt đun sôi trở thành cơ hội cho chúng sinh sản ngay trong nồi cơm”, ông Cua chia sẻ.

Chính giải thưởng “gạo ngon nhất thế giới” cũng đã bổ sung cho ông Cua thêm những điều mới lạ, những nhận thức mới, phương pháp chế biến gạo mới, làm nâng giá trị hạt gạo so với trước. Ví dụ ngày xưa để gạo bị mốc, có khi mình cũng coi đó là chuyện bình thường, nhưng bây giờ thì khác.

Vận may cuối cùng

Khi tôi kể có nhà khoa học nói ông làm ra giống ST25 chẳng qua là “ăn may”, ông Cua cười hiền “có khi họ nói đúng”.

Lặng im một lúc, ông cho biết sẽ không đăng ký thêm giống lúa mới nữa nhưng niềm đam mê với nghiên cứu, cải tiến chất lượng hạt gạo thì vẫn luôn nồng cháy.

Tuy không đăng ký mới nhưng trong phòng thí nghiệm, trên những cánh đồng khảo nghiệm giống lúa của ông lại có thông tin mới. Ông phấn khởi cho hay vừa đưa mẫu lúa mới ra kiểm nghiệm ở Hà Nội. Kết quả đưa về có một dòng đang phân ly. Khi nhận được kết quả, lúc này đám lúa trồng khảo nghiệm đang đứng ngoài ruộng, ông vui hơn trúng độc đắc. Cảm giác như đêm chung kết mà biết trước con mình sẽ là hoa hậu! “Từ khi có kết quả, mức độ quan tâm của mình tăng lên gấp trăm lần”, ông nói. Thường thì đi đâu, dù bận cỡ nào, ông Cua cũng ghé qua văn phòng để kiểm tra kết quả test thơm, cẩn thận ghi sổ. Sau đó lên phương án chọn lựa để đi làm trong vụ tới. Thường thì lúa thơm giữ tới qua Tết sẽ xuống mùi. Nhưng dòng lúa mới qua Tết một tháng 10 ngày mà độ thơm vẫn vững nguyên. “Có lẽ đây là lần hên cuối cùng”, ông chia sẻ.

Kỹ sư Hồ Quang Cua trên cánh đồng khảo nghiệm giống lúa. Ảnh: CTV

Kỹ sư Hồ Quang Cua trên cánh đồng khảo nghiệm giống lúa. Ảnh: CTV

“Lần hên cuối cùng” cũng là vì ông cho rằng những gì có được trong hạt gạo ST25 kết tinh từ những tinh hoa của trời đất. Không dễ gì ai có thể “hên” hơn nữa. “Các chỉ số phân tích đều đạt đến cái ngưỡng cao diệu vợi. Tôi biết mình đã đem những nguồn gen tốt để tích tụ vào giống này rồi. Mình không biết ở đâu có thể có hạt gạo tốt hơn. Có ai đó công bố về lúa thơm, cùng lắm thì cũng chỉ "ngang ngang" thôi. Không thể có giống nào hơn ST25 được”, ông đoan chắc.

Khi chất lượng hạt gạo đã được công khai thì điều quan tâm của người làm ra nó là chuyện cải tiến tăng năng suất. Tìm ra những dòng lúa có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh; ít cần phân, thuốc thì nông dân được giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ông Cua nói mỗi năm ông đều đưa ST25 đi thi gạo ngon nhất thế giới. Bởi chuyện thi là nhân tố tô điểm cho hội nghị lúa gạo toàn cầu thường niên. Nếu đoạt giải thì cũng là cách khẳng định vị thế của hạt gạo Việt Nam. Khi đã có vị thế ổn định, thi đoạt giải nhất hay hạng ba cũng không bị chê.

Sức khỏe không còn cho phép “dọc ngang tung hoành” như nhiều năm trước nhưng ông Cua vẫn chưa thể rời xa ruộng đồng. “Tôi không thể bước xuống sình được. Té hoài. Sợ bà nhà lo, tôi giấu bả. Nhưng tôi không giấu được. Dòng sình giấu cỡ nào, chùi cỡ nào thì khô lại nó cũng trắng, về nhà bả cũng phát hiện”, giọng ông trầm lại.

Từ giã ông ra về, tôi mang theo câu ông nói “Cầm của báu mà không đủ công đức thì cầm không nổi”. Ông Cua cho biết năm 2021, có lúc ông cảm thấy khó giữ đứa con quý giá trước sự xâm hại từ bên ngoài, ông đã lên tiếng muốn nhượng lại quyền sở hữu ST25 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đó. Nhưng, cho đến nay họ vẫn chưa nhận lời.

Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 10 huân chương Lao động của Chủ tịch Nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, được Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu...

Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua năm 2011 đã được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2021, ông Cua và các cộng sự được vinh danh giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ.

Hải Đăng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ky-su-ho-quang-cua-com-ngon-thuong-hang-va-tui-tien-nong-dan-47624.html
Zalo