Dạy con từ thuở còn thơ
Là câu bố tôi thường nói! Có lẽ tới mấy mươi năm cuộc đời, từ khi chúng tôi còn bé xíu đến mãi sau này khi chúng tôi dẫn con về thăm ông.
Bảy đứa con, đứa nào cũng được ông uốn nắn từ những điều nhỏ nhất: từ ăn uống, nói năng, đi đứng đến cách nhìn nhận cuộc sống, thái độ khen chê với mọi người…
Nhiều năm trôi qua, đến giờ nửa đời người, tôi vẫn nhớ những điều bố dạy. Nhớ mãi lần tôi chừng bảy tuổi, tôi và em út cãi nhau, rồi cấu cào nhau chảy máu tay. Bố tôi biết được, ông giận lắm. Vừa đi dạy về, ông dựng vội chiếc xe nơi chái bếp rồi rút từ đống củi một cành nhãn to. Nghe tiếng ông quát, tôi rối rít chạy ra. Nhìn vẻ mặt đau khổ xen lẫn giận dữ của ông, tôi vội vàng nằm úp xuống hè, sẵn sàng chờ trận đòn. Vừa sợ, miệng tôi rối rít van xin: “Con xin nỗi bố, con xin nỗi bố! Lần sau, con không dám thế nữa”.
Những tưởng ông sẽ vụt tôi vài cái cho hả cơn giận đang ngùn ngụt, sẽ mắng chửi tôi vì là chị mà không gương mẫu, nhưng không, ông vẫn cầm cành nhãn trên tay, rồi vụt mạnh xuống nền gạch và quát thật to: “Nói lại, con xin lỗi bố, con xin lỗi bố. Uốn cái lưỡi lên”.
Chưa kịp bình tâm lại nhưng ngay lập tức, tôi biết mình nói ngọng. Vì hằng ngày, ông rất hay nắn chỉnh chúng tôi khi phát âm các chữ cái “n”, “l”. Ngày ấy, quê tôi đều nói ngọng. Thế nên, ngày thường ông nắn chỉnh nhưng tôi rất lơ mơ hoặc quên ngay. Nhưng lần này thì khác, tôi cảm động lắm, vừa khóc vừa nói theo. Chẳng rõ lúc ấy tôi đã phát âm đúng hay chưa nhưng ông bắt tôi nói lại vài lần rồi cho đứng dậy. Ông nói chị em phải thương nhau, phải biết đoàn kết, nhẫn nhịn, bao dung để bố mẹ còn đi làm kiếm tiền mua thóc gạo.
Lớn lên, tôi vào lớp Văn rồi lên đại học, mỗi lần nghe các bạn tập sửa ngọng, tôi lại cười thầm mà nhớ tới bố. Đến bây giờ, nhiều năm đứng lớp, mỗi lần phát hiện học sinh nói ngọng, tôi đều dừng lại sửa ngay. Tôi không ngại kể cho các trò nghe cô giáo cũng từng nói ngọng, từng được bố uốn nắn.
Tôi nhớ lần khác, năm tôi học lớp 8. Đêm đó, chừng hai, ba giờ sáng, tôi chui ra khỏi chăn đi vệ sinh. Tôi cố ý lê dép loẹt quẹt và mở chốt cửa “cạch” một tiếng thật to nhằm đánh động, để ai đó trong nhà biết vì tôi rất sợ ma. Như hiểu được nỗi sợ của tôi, bố nằm trên phản nơi góc trái cất tiếng ho, rồi hỏi khẽ “Giang hả con?”. Tôi “dạ” mà thở phào, thấy như được trấn an, quên hết nỗi sợ, tự tin bước ra ngoài trời đêm.
Vậy mà hôm sau, khi hai bố con ngồi đan rọ, ông đã khéo léo dạy tôi rằng con gái phải đi lại nhẹ nhàng, nhất là đêm khuya, tránh ảnh hưởng tới người khác, phải dũng cảm đối mặt với khó khăn riêng mình, chỉ cần đến sự hỗ trợ của người khác khi mình bế tắc thật sự.
Lúc bấy giờ, tôi không vui, vì nghĩ bố đang “bắt” mình cố gắng những điều vượt sức của một đứa trẻ. Nhưng rồi sau đó chỉ một năm, khi xuống trường tỉnh học, phải tự mình đi về trên con đê dài hơn hai mươi cây số khi nắng gắt hoặc mưa dầm buốt lạnh, tôi mới hiểu được lời bố dạy.
Rồi còn bao nhiêu điều khác nữa bố dạy tôi từ lúc thiếu thời như thái thịt ngang thớ là như nào, phép tắc trong mâm cơm, viết nét phấn sao cho thanh tú… Bố cứ nhẩn nha vừa nói vừa làm, có lúc làm gương, có khi cầm tay uốn nắn, lời lẽ nhẹ nhàng, thủng thẳng mà thấm vô cùng.
Sau này, chị em chúng tôi có con rồi dẫn về thăm ông, đôi khi chúng hư hỗn, ông lại nhẹ nhàng: “Phải chịu khó dạy con, con ạ. Nó như cây non, lớn rồi uốn làm sao được nữa!”.
Những ngày cuối đời, ông chỉ trăn trở việc chúng tôi biếng lười, bê trễ trong việc dạy con.
Ông đi rồi, tôi càng nhận ra những trăn trở của bố thật không sai. Áp lực mưu sinh, sự phát triển của công nghệ, sự ích kỷ, biếng lười ít nhiều lấy đi thời gian của chúng tôi. Để rồi khi chậm lại, đứng trước di ảnh bố, hay mỗi lần con tôi bướng hỗn, tôi lại nghe văng vẳng bên tai lời bố nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”!
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!