Đầu tư tài sản Koji (KPF) lỗ kỷ lục gần 277 tỷ đồng năm 2024, tài sản 'bốc hơi' 34%
CTCP Đầu tư tài sản Koji (mã ck: KPF) vừa trải qua một năm hoạt động kinh doanh khó khăn, khi không ghi nhận doanh thu và lỗ kỷ lục gần 277 tỷ đồng.
Trong quý cuối năm 2024, tình hình kinh doanh của KPF vẫn không có sự khởi sắc. Công ty tiếp tục không ghi nhận doanh thu, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp trắng doanh thu (từ quý II/2023). Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm mạnh, chỉ còn 9 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng chi phí trong kỳ giảm mạnh 97%, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đó, KPF lãi ròng gần 7 tỷ đồng sau hai quý liên tiếp thua lỗ. Cùng kỳ năm trước, Công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 26 tỷ đồng. Theo KPF, nguyên nhân lợi nhuận quý IV tăng trưởng là do dự thu lãi từ các khoản đầu tư trái phiếu.
Lũy kế năm 2024, KPF trắng doanh thu và lỗ lên đến gần 277 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục. Con số này hoàn toàn đối lập với kết quả lãi gần 2 tỷ đồng trong năm trước đó. Cùng với đó, lợi nhuận ròng tích lũy của KPF trong 12 năm qua (từ 2012 đến 2023) cũng chỉ đạt khoảng 267 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức lỗ trong năm 2024.
Với khoản lỗ khổng lồ này, KPF lỗ lũy kế gần 135 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Đồng thời, tổng tài sản Công ty cũng giảm mạnh 34%, chỉ còn hơn 532 tỷ đồng, chủ yếu do KPF tăng mạnh dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 324 tỷ đồng, gấp 9,5 lần so với đầu năm.
Một số khoản nợ khó đòi của KPF liên quan đến các cá nhân như ông Nguyễn Khánh Toàn (người trùng tên với cựu Chủ tịch KPF, hiện đang bị khởi tố vì hành vi thao túng chứng khoán), nợ Công ty hơn 71 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thủy gần 24 tỷ đồng. Một số Công ty liên kết cũng có khoản nợ lớn, như Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm nợ gần 91 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu nợ gần 80 tỷ đồng…
Phần lớn tài sản của KPF hiện nay là các khoản đầu tư tài chính vào trái phiếu và các công ty khác, chiếm đến 93% tổng tài sản, tương đương hơn 495 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty tính đến cuối năm 2024 còn 16,5 tỷ đồng, tăng 21%. Trong đó, khoảng 14 tỷ đồng là thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước; 2 tỷ đồng phải trả cho người lao động.
Với tình hình tài chính không khả quan, cổ phiếu KPF đã chứng kiến một năm giảm giá mạnh. Giá giao dịch vào chiều ngày 13/2/2025 chỉ còn 1.760 đồng/cp, giảm 62% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường của Công ty hiện chỉ còn hơn 105 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2024 là gần 516 tỷ đồng.
Cổ phiếu KPF cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/9/2024 và bị hạn chế giao dịch từ ngày 11/10/2024 do Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 45 ngày so với quy định.