Đầu năm, giá hàng hóa vẫn cao
Người tiêu dùng ngạc nhiên vì đã qua rằm tháng giêng nhưng giá rau củ, trái cây, thủy hải sản… vẫn còn cao, thậm chí tăng
Theo thông lệ hằng năm, thời điểm sau rằm tháng giêng, giá cả hàng hóa sẽ trở lại bình thường. Thậm chí, một số mặt hàng còn rớt giá vì sức mua rất thấp. Thế nhưng, ngày 13-2, tức 16 tháng giêng, tại các chợ trên địa bàn TP HCM, giá cả hàng hóa không hề giảm, một số mặt hàng còn tăng mạnh.
Hàng tươi sống tăng giá
Chị Yến Hạ (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho biết chị mua cá điêu hồng ở chợ sáng 13-2 với giá 90.000 đồng/kg, tăng so với trước Tết 10.000 đồng/kg. "Người bán nói không chỉ điêu hồng mà cá nào cũng tăng, nhất là các loại cá biển" - chị Yến Hạ kể.
![Đầu năm, tiểu thương chợ lẻ chưa bán lại đầy đủ, giá hàng hóa tăng .Ảnh: AN NA](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_15_51473427/94d1b4d985976cc93586.jpg)
Đầu năm, tiểu thương chợ lẻ chưa bán lại đầy đủ, giá hàng hóa tăng .Ảnh: AN NA
Bà Trần Thị Khương (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết bà đi chợ mỗi ngày nên thấy hầu hết các mặt hàng tươi sống đều tăng giá. "Giá tăng nhiều nhất là thịt heo. Trước đây, tôi mua 100.000 đồng là đủ cho bữa ăn 4 người thì nay phải chiên thêm trứng mới đủ. Qua rằm tháng giêng rồi mà nhiều tiểu thương vẫn chưa bán lại nên người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn" - bà Khương phản ánh.
Chị Hải Yến, chủ một hộ sản xuất đặc sản Bình Định, cho hay giá các loại nguyên liệu sản xuất như mực, cá biển… đang cao hơn trước Tết khoảng 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thời tiết đầu năm thất thường, khu vực miền Trung lạnh hơn mọi năm, ghe tàu đi biển đánh bắt được ít hải sản hoặc chưa ra khơi nên nguồn cung ít, giá cao.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), thông tin từ ngày 12-2, VISSAN mua heo hơi với giá 72.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với giá bình ổn hiện hành ở cơ sở (áp dụng từ ngày 30-12-2024). Nguyên nhân là do nguồn cung heo hơi giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh. Theo ông Dũng, sức mua đầu năm còn thấp nên giải pháp duy nhất mà VISSAN thực hiện là "gồng" chứ không thể tăng giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số đại diện các siêu thị tại TP HCM xác nhận giá hàng hóa đang có xu hướng tăng nhưng chưa nhiều. Siêu thị đang phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, giữ bình ổn giá các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường của TP HCM. Ngoài ra, siêu thị còn liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá để thu hút khách mua sắm trong tháng 2 - tháng thấp điểm tiêu dùng.
"Xu hướng năm 2025, giá hàng hóa tại thị trường nội địa sẽ tăng. Đáng chú ý, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam" - ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing của MM Mega Market, dự báo.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng hóa, các hệ thống siêu thị đang lên kế hoạch ngân sách và các chương trình/chiến dịch quảng bá tiêu dùng hàng Việt trong siêu thị.
Quán xá cũng tăng
Không chỉ hàng hóa ở chợ và siêu thị neo giá cao, một số quán ăn tại TP HCM cũng tăng giá 5.000 - 10.000 đồng/món với lý do đầu vào tăng, trong khi nhiều quán vẫn còn nghỉ Tết. Đáng chú ý, cà phê nguyên liệu tăng cũng khiến một số quán rục rịch tăng giá "thức uống quốc dân" này.
Với góc độ người kinh doanh, chị Ngọc - chủ một quán phở ở quận 8, TP HCM - cho biết đến sáng 13-2, giá các loại rau thơm, ớt vẫn còn cao hơn trước Tết khoảng 10%-15%. Chị Ngọc so sánh giá những mặt hàng này trồi sụt "như giá vàng".
"Khoảng tháng 12-2024, giá ớt sừng mua ở chợ Bình Điền là 80.000 đồng/kg, càng gần Tết càng tăng, lên mức 100.000 đồng/kg. Đến mùng 5 Tết, ớt nhảy lên 150.000 đồng/kg rồi giảm dần, nay còn 100.000 đồng/kg. Giá các loại trái cây phổ biến để làm nước ép như ổi, cam cũng tăng 50%-80% so với trước Tết, người bán giải thích là không có hàng nên giá cao" - chị Ngọc dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho hay hàng hóa tại chợ đầu mối vẫn dồi dào, giá không tăng, trừ mặt hàng thịt heo. "Đầu năm, sức mua rất yếu vì tiểu thương chợ lẻ chưa bán lại nhiều. Thương nhân phải tính toán lượng hàng về chợ để tránh dư thừa. Một số mặt hàng rau hiện còn xuống rất thấp" - ông Phú thông tin. Về việc tiểu thương, quán xá tăng giá bán thì theo ông là ngoài tầm kiểm soát của chợ đầu mối.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho rằng sau Tết, một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thường tăng giá bán do đầu vào tăng hoặc đón đầu xu hướng tăng. Điều này là thông lệ hằng năm chứ không phải bất thường. Cũng có nơi áp dụng chiến lược đổi thực đơn (menu) để điều chỉnh giá - tức có tăng, có giảm nhưng tăng là chủ yếu để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
"Điểm mới của năm nay là rộ lên việc các cửa hàng online bán qua ứng dụng (food app) tăng giá để bù lại 4,5% thuế sẽ phải đóng, gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân với hộ kinh doanh. Tăng giá bán sẽ khiến việc bán hàng khó khăn hơn nên chỉ những đơn vị chuyên nghiệp, kiểm soát tốt chi phí, có giá bán hợp lý mới tồn tại được" - ông Thanh nhận xét.
Cảnh báo hàng ngoại giá rẻ
Ông Đinh Quang Khôi nhấn mạnh vấn đề đáng lo hiện nay là hàng ngoại giá rẻ đổ bộ trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Hàng Mỹ không xuất khẩu được qua Trung Quốc, hàng Trung Quốc không xuất khẩu được qua Mỹ có thể đổ sang Việt Nam.
Cùng một mặt hàng, nếu hàng ngoại giá rẻ hơn thì người tiêu dùng sẽ ưu tiên chọn. Đáng lo nhất hiện tại là trái cây khi hàng từ Mỹ, Trung Quốc ngày càng rẻ. Siêu thị kinh doanh cũng phải đạt mục tiêu về lợi nhuận. Do đó, các nhà cung cấp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh trước bối cảnh mới.