Đánh thức Nhai Thổ

Dẫn tôi theo tuyến Tỉnh lộ 161 (cũ), xuyên qua những vạt rừng xanh ngút tầm mắt để đến với các thôn Nhai Thổ (2, 3, 4), anh Đặng Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) tâm sự: Các cụ cao niên trong làng kể lại, khu vực này trước kia được gọi là làng Nhai (Loong Nhai), 1 trong 4 làng đầu tiên của xã Kim Sơn. Làng Nhai ban đầu là nơi sinh sống của 5 - 6 hộ người dân tộc Xá Phó nên tên gọi Nhai Thổ có thể bắt nguồn từ nhóm dân tộc thiểu số này. Đến nay, các thôn Nhai Thổ có 4 dân tộc cùng chung sống (Xá Phó, Tày, Dao, Kinh) nhưng vẫn chưa có lý giải thuyết phục, chính thức về tên gọi của vùng đất này.

Cách đây hơn 10 năm, các thôn Nhai Thổ là khu vực khó khăn nhất của xã Kim Sơn vì không có điện, các tuyến giao thông chủ yếu là đường đất, đời sống của người dân cực kỳ khó khăn. Quá nửa số hộ phải ở trong các căn nhà tạm, nhà dột nát.

Quả thực, so với lần đầu tôi đặt chân đến Nhai Thổ cách đây gần 10 năm, vùng đất này đã “thay da đổi thịt”. Các tuyến đường giao thông đã được rải nhựa, đổ bê tông sạch đẹp, rừng mỡ, trẩu, quế… phủ kín các triền đồi. Điều khiến tôi ngỡ ngàng đó là tại các thôn Nhai Thổ gần như không còn nhà tạm, nhà dột nát, thay vào đó là những căn nhà xây kiên cố, khang trang; nhiều hộ đã có điều kiện xây nhà 2 - 3 tầng, nhà cấp IV theo lối “biệt thự mini” ẩn hiện dưới những vạt rừng trồng xanh ngút tầm mắt.

Khi chúng tôi đến thôn Nhai Thổ 3, Bí thư Chi bộ Lý Văn Tiến vẫn đang mải “leo rừng” kiểm tra diện tích quế sau cơn dông đêm hôm trước. Theo Phó Chủ tịch xã Kim Sơn - Đặng Văn Sinh, anh Tiến là người dân thôn Nhai Tẻn nhưng lại là người tiên phong mua đất phát triển kinh tế đồi rừng ở Nhai Thổ 3, giúp bà con trong khu vực học tập và làm theo.

Trở về từ rừng, trong lúc chờ nước sôi pha trà, anh Tiến nhớ lại: Năm 2005, tôi đầu tư 16 triệu đồng mua 2 ha đất ở thôn Nhai Thổ 3. Khi ấy, tuyến Tỉnh lộ 161 (cũ) chưa được rải cấp phối, việc đi lại rất khó khăn. Toàn bộ diện tích đất này toàn lau lách, cỏ dại, cỏ tranh, nhìn “phát nản” nhưng tôi quyết tâm trồng rừng để phát triển kinh tế. Vừa huy động 6 người phát cỏ liên tục trong 1 tuần, tôi vừa tìm nguồn cung cấp cây giống mỡ mang về trồng. Không phụ công người trồng, chẳng bao lâu rừng mỡ đầu tiên đã bén đất và phủ xanh một vạt rừng ở Nhai Thổ 3.

Chỉ tay về phía vạt quế hơn 4 năm tuổi, anh Tiến cho biết: Chỗ này trước đây toàn cỏ tranh, gia đình tôi mất cả trăm công lao động mới có được màu xanh này. Căn nhà khang trang, ô tô tải, xe máy và các thiết bị hiện đại sử dụng trong gia đình cũng nhờ chúng tôi phát triển kinh tế đồi rừng mà có. Ngoài kinh tế đồi rừng, gia đình tôi đang học hỏi để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Khi nói về sự thay đổi ở các thôn Nhai Thổ, anh Lương Văn Ngọc, Trưởng thôn Nhai Thổ 2 khẳng định: Tất cả sự thay đổi này là nhờ có điện, có đường giao thông thuận tiện và đặc biệt là nhờ nguồn thu nhập từ phát triển kinh tế đồi rừng.

Cũng theo chia sẻ của anh Ngọc, trước khi có điện, đường bê tông, việc phát triển kinh tế ở địa phương rất manh mún. Mặc dù có lợi thế đất đai rộng nhưng đa số người dân ở đây chỉ trồng ngô, sắn, lúa nương… nên cái nghèo cứ thế đeo đuổi. Cách đây vài năm, một số hộ trong thôn Nhai Thổ 2 và các thôn Nhai Thổ khác có nguồn thu từ trồng rừng (mỡ, trẩu, bồ đề…) thì việc phát triển kinh tế đồi rừng mới được bà con quan tâm. Từ đó đến nay, tiềm năng của Nhai Thổ được “đánh thức”. Cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, người dân Nhai Thổ 2 nay đã học hỏi, phát triển các mô hình kinh tế mới như trồng chuối xuất khẩu, sản xuất tơ chuối, nuôi thủy sản…

Nhìn về phía những vạt rừng trồng xanh ngút tầm mắt, anh Đặng Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn khẳng định: Nhai Thổ đổi thay nhờ sự thay đổi về nhận thức, sự tích cực trong lao động, sản xuất và tinh thần vượt khó vươn lên của cộng đồng dân tộc Xá Phó, Dao, Tày… Kinh tế đồi rừng được xác định là “chìa khóa” đánh thức vùng đất Nhai Thổ. Đến nay, 3 thôn Nhai Thổ có 567 ha rừng trồng, nhiều hộ đạt thu nhập cao từ trồng rừng. Phát triển kinh tế đồi rừng giúp tỷ lệ hộ nghèo của các thôn Nhai Thổ giảm mạnh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo của thôn Nhai Thổ 2 còn 7,9%, Nhai Thổ 3 còn 9% và Nhai Thổ 4 còn 8,75%. Tiềm năng của Nhai Thổ đang được đánh thức, diện mạo nông thôn đang "bừng sáng" không thua kém các thôn phát triển ở khu vực trung tâm xã Kim Sơn.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/danh-thuc-nhai-tho-post388407.html
Zalo