Có con đường nằm nghe nắng mưa

Trong một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Có con đường nằm nghe nắng mưa”. Tự nhủ, có biết bao nhiêu con đường trong lòng phố, và khi đã từng ở, từng đi qua mỗi ngày thì nỗi nhớ con đường khi rời xa chẳng khác nào nhớ một tay nắm, một nụ cười. Và TP. Nha Trang, con đường mỗi ngày đi qua, con đường Trần Phú cứ nằm nghe nắng mưa trong bốn mùa của đất trời. Đó là con đường mà bất cứ ai ở Nha Trang ít nhất mỗi tuần đều phải đi ngang một lần, như thể nếu chưa đến con đường đó là thiếu đi một điều gì không thể diễn tả được. Đó là con đường mà khách du lịch chọn dạo chơi. Với họ, con đường Trần Phú và bãi biển là sự chọn lựa hàng đầu cho chuyến rong chơi ở Nha Trang.

Đường Trần Phú, Nha Trang

Đường Trần Phú, Nha Trang

Dăm người bạn xa Nha Trang lâu ngày, việc đầu tiên là ra biển, ra con đường Trần Phú. Ai đi xa trở về cũng ra đó, để xuống biển, như thể biển Nha Trang là một phần của hoài niệm. Chẳng phải để nhảy xuống hòa mình cùng với dòng nước trong xanh, mà chỉ là nhìn những con sóng vỗ bờ như trăm năm nay vẫn vỗ bờ. Chỉ là nhìn ra khơi xa có những con thuyền, có thể không phải là con thuyền năm mình còn trẻ, nhưng con thuyền rất quen. Nơi đó là ký ức đầm đẫm của bao người thuở thanh xuân. Có thể có những cây cà rem được làm đông cứng trong thùng đá của người bán dạo. Cây kem chỉ có vị ngọt và lạnh mà là nỗi nhớ đến kỳ lạ. Là vỏ ốc nhặt được từ thuở học trò, để bên tai nghe thử có tiếng sóng biển gọi về. Và cũng có thể là nơi đó, là dùng dằng chia tay để mãi mãi chẳng còn gặp lại.

Con đường Trần Phú bây giờ rất đẹp và náo nhiệt. Đó cũng là lẽ thường trong quy luật phát triển của đô thị. Con đường đẹp với dải phân cách được chăm sóc để mỗi ngày hoa nở, chăm sóc để bãi cỏ luôn xanh và đêm xuống rực rỡ ánh đèn.

Con đường ấy dịu dàng nghiêng mình đón ánh nắng mặt trời buổi sáng, những người dân ở phố ra đây tập thể dục, cứ mở những bản nhạc mà tập, con đường rộn lên cùng những bài hát, cùng tiếng sóng biển vỗ. Buổi chiều, cả dọc con đường, biết bao chiếc xe máy, xe ô tô dừng đậu, để chủ nhân của những chiếc xe ra biển ngồi. Ra biển ngồi để vọc từng nắm cát thả trôi qua lòng bàn tay. Ra biển ngồi để tò mò nhìn những con dã tràng cứ mải mê xe cát, chỉ cần ngồi trên thềm biển để gió vỗ về, để nghe tiếng sóng là đủ cho lòng nhẹ tênh thế sự.

Tính trăm năm, con đường nhỏ rí chỉ 2 làn xe, bãi cát biển cứ thản nhiên tràn lên, và khi xưa ấy, chỉ dăm chiếc xe đạp với những cô cậu học trò đạp đi ngang như đất trời cứ thế mà trong xanh. Tính trăm năm, con đường xưa chỉ dừng lại ở xóm Cồn, nay nối dài thêm bởi cầu Trần Phú và tiếp theo là con đường Phạm Văn Đồng, ôm trong lòng mình những yên ắng thế gian. Nay thành phố trở mình với nhà cửa xây dựng cao lên, và công viên với thảm cỏ xanh để nhẩm một lời ca: “Em đến bên tôi ngồi, đời mở ra cuộc tình”.

Tôi vẫn đi qua con đường ấy, nay hàng tra (nho biển) sau nhiều năm trồng và chăm sóc đã lớn. Những cây nho biển cũng có một cuộc hành trình trăm năm, khi bác sĩ A.Yersin ươm trồng, và ngay trong Viện Pasteur Nha Trang vẫn còn 2 cây cổ thụ được lưu giữ. Chẳng ngẫu nhiên mà dọc theo con đường, phía bên số lẻ có những chiếc ghế đá đặt dưới những tán cây tra nay đã vươn cao. Là mỏi chân ngồi lại, chợt gặp những chùm trái tra chín, màu huyết dụ, nhón hái cắn vỡ để tận hưởng mùi vị lạ, mùi vị của một loại trái cây chẳng có bán ở các phiên chợ, chỉ là tạo thêm hương sắc cho một con đường.

Con đường Trần Phú, con đường nằm nghe nắng mưa ấy bây giờ giống như một bài thơ đẹp. Bạn có thể chẳng chú ý đến sự thay đổi của con đường, bởi mỗi ngày bạn đều chạm gặp, nhưng thật ra bây giờ con đường đã khác. Là những hàng dừa trồng bổ sung, để bóng mát của những cây dừa tạo cho nắng phai đi, để những tia nắng kia xuyên qua tàng lá tạo nên một ảo diệu. Là những thảm cỏ luôn xanh, kéo lũ chim sẻ ríu rít tìm đến; là những cây dương uốn lượn năm bạn đi xa còn với tay chạm tới, nay đã cao vời. Con đường đó chuyển mùa theo thời tiết. Bạn đi qua vào cuối mùa đông sẽ gặp những cây bàng cổ thụ chuyển màu lá xanh thành đỏ hoặc vàng. Cây bàng thay lá là vẻ đẹp đến lạ, chẳng khác gì những cây phong xứ lạnh chuyển màu. Là những cây nguyệt quế ngay dải phân cách lén nở hoa trong đêm, sớm mai sương mùi hương còn vương lại cho người đi ngang mang lấy đem về. Là bắt gặp người quen trên thềm biển vỗ sóng ấy, bởi biển là nơi dễ dàng tìm thấy nhau nhất.

Và buổi chiều mát dịu, ở quảng trường có những cánh diều bay, trộn với tiếng cười trẻ nhỏ. Con đường nghiêng mình nhận lấy niềm vui trong đất trời chuyển dịch. Những cánh diều bay là ký ức của tuổi thơ, là giấc mơ đẹp của bao người.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202409/co-con-duong-nam-nghe-nang-mua-bce7258/
Zalo