Đắk Lắk quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào sau Thông tư 29

Để thực hiện việc dạy thêm, học thêm đúng quy định, hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tìm đến các cơ quan chức năng để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm đúng quy định

Từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Thực hiện quy định này, nhiều người dân tại tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục để đáp ứng quy định mới.

Chị T.T.H. (SN 1991, trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không xin được việc làm. Do đó, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, chị đã làm các thủ tục đăng ký hộ kinh doanh để bản thân và chị gái hiện là giáo viên THPT ở phường Khánh Xuân có thể dạy thêm theo đúng quy định của Thông tư 29.

Người dân trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột đi làm thủ tục tại phòng một cửa thuộc UBND Tp.Buôn Ma Thuột.

Người dân trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột đi làm thủ tục tại phòng một cửa thuộc UBND Tp.Buôn Ma Thuột.

Tương tự, chị N.T.A. (trú tại phường Thành Công, Tp.Buôn Ma Thuột) chia sẻ, dù đã tốt nghiệp đại học sư phạm hơn 10 năm trước, nhưng chị vẫn chưa thể xin vào giảng dạy tại bất kỳ trường công lập nào.

Suốt những năm qua, chị phải xoay xở với nhiều công việc tự do, đồng thời nhận dạy thêm tại một số trung tâm và dạy hợp đồng tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định khiến cuộc sống gia đình chị gặp không ít khó khăn.

Vì vậy, khi nắm được các quy định mới tại Thông tư 29, chị A. quyết định đi làm các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và hy vọng có thể mưu sinh bằng chính công việc chuyên môn của mình và ổn định cuộc sống.

"Hiện tại, tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ tại bộ phận một cửa của UBND Tp.Buôn Ma Thuột để xin cấp giấy chứng nhận. Sau khi được phê duyệt, tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ các quy định và nhờ đến sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để đảm bảo việc dạy thêm, học thêm tuân thủ đúng theo tinh thần của Thông tư 29", chị A. chia sẻ.

Thông tin từ Phòng Kế hoạch Tài chính - Kế hoạch Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực, số người đến xin Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tăng cao.

Từ tháng 12/2024 đến nay, Phòng Kế hoạch Tài chính - Kế hoạch Tp.Buôn Ma Thuột đã cấp hơn 300 Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực giáo dục khác chưa được phân vào đâu (Chi tiết: dạy thêm, học thêm). Hiện, đơn vị này đã tiếp nhận và đang trong thời hạn xử lý gần 100 hồ sơ thuộc lĩnh vực giáo dục.

Từ tháng 12/2024 đến nay, Phòng Kế hoạch Tài chính - Kế hoạch Tp.Buôn Ma Thuột đã cấp hơn 300 Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực giáo dục.

Từ tháng 12/2024 đến nay, Phòng Kế hoạch Tài chính - Kế hoạch Tp.Buôn Ma Thuột đã cấp hơn 300 Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực giáo dục.

Ông Lê Đình Dương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Tp.Buôn Ma Thuột, cho hay, đối với những cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận, Phòng Tài chính - Kế hoạch đã cho ký cam kết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn người dân đến gặp cơ quan quản lý giáo dục để đăng ký hoạt động nhằm tránh vi phạm quy định.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Luật, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tp.Buôn Ma Thuột, đã ký công văn số 48 ngày 7/2/2025 yêu cầu hiệu trưởng các trường nghiên cứu kỹ các nội dung quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29.

Đồng thời, tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của thông tư này đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh được biết để thực hiện theo đúng quy định.

Siết chặt quản lý sau khi cấp phép

Không riêng Tp.Buôn Ma Thuột, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Phan Thị Lý, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, đến nay, đơn vị đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục cho 15 hộ dân trên địa bàn.

"Để thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục cho người dân theo đúng quy định, Phòng Tài chính – Kế hoạch đang phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, Phòng Tài chính – Kế hoạch sẽ căn cứ vào các văn bản, nếu đủ điều kiện thì tiến hành cấp phép, còn Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì quản lý công tác chuyên môn", bà Lý thông tin.

Bà Lý cũng cho biết, UBND huyện Cư Mgar vừa ban hành văn bản về việc quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm sau đăng ký thành lập trên địa bàn huyện.

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

UBND huyện Cư M'gar giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm theo quy định và báo cáo định kỳ hằng tháng về UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, thị trấn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra chất lượng dạy học và xử lý sai phạm nếu có. Chi cục Thuế Cư M'gar – Buôn Đôn tăng cường kiểm tra thuế các hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm và xử lý vi phạm thuế.

Ngày 5/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã triển khai Thông tư 29, yêu cầu các đơn vị, trường học không thu tiền dạy thêm, học thêm từ học sinh và chỉ nhận học sinh đăng ký theo quy định. Sở cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh kế hoạch dạy học năm học 2024-2025 và hoàn trả các khoản tiền đã thu cho học sinh, đồng thời thanh toán đầy đủ kinh phí cho giáo viên và nghĩa vụ thuế theo quy định.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dak-lak-quan-ly-viec-day-them-hoc-them-nhu-the-nao-sau-thong-tu-29-204250214140055445.htm
Zalo