Đại học trong nước 'ngáo' điểm SAT trong tuyển sinh?

Nhiều đại học trong nước yêu cầu thí sinh phải có điểm SAT cao mới đủ điều kiện xét tuyển. Giáo viên dạy SAT lý giải nguyên nhân và chia sẻ lời khuyên ôn tập cho thí sinh.

 SAT được nhiều trường sử dụng để tuyển sinh trong nhiều năm gần đây. Ảnh: CNN.

SAT được nhiều trường sử dụng để tuyển sinh trong nhiều năm gần đây. Ảnh: CNN.

Những năm gần đây, bài thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ được nhiều trường đại học trong nước sử dụng để tuyển sinh. Giống như chứng chỉ ngoại ngữ, bài thi chuẩn hóa này được dùng để xét tuyển kết hợp với điểm thi, học bạ nhằm đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.

SAT 1.450 mới được nộp hồ sơ

Trong năm 2025, các trường đại học tiếp tục đưa SAT vào xét tuyển. Ví dụ, tại Đại học Ngoại thương, nhà trường cho phép thí sinh xét tuyển kết hợp điểm SAT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL...

Thí sinh lưu ý điểm SAT cần đạt tối thiểu 1.380/1.600 mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Trong khi từ năm 2024 trở về trước, Đại học Ngoại thương chỉ yêu cầu điểm SAT 1.260 trở lên.

Hiện, Đại học Ngoại thương chưa công bố điểm quy đổi bài thi SAT để xét tuyển, nhưng trong năm 2024, thí sinh đạt điểm SAT từ 1.530-1.600 có thể được cộng 20/20 điểm, đạt 1.490-1.520 điểm cũng được cộng 19,5 điểm.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã thông báo phương thức xét tuyển tài năng bằng chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP, IB... Ngoài các chứng chỉ này, thí sinh cần có điểm trung bình chung học tập từng năm đạt 8 trở lên (xét điểm 3 năm THPT).

Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa công bố ngưỡng đầu vào đối với các chứng chỉ năng lực quốc tế. Nhưng trong năm 2024, để xét tuyển vào các ngành hot như IT1 (Khoa học máy tính), IT2 (Kỹ thuật máy tính), EE2 (Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa) bằng phương thức xét tuyển tài năng, thí sinh cần có điểm SAT đạt từ 1.450 trở lên, trong đó điểm Toán đạt từ 750 trở lên.

Các ngành khác như EE1 (Kỹ thuật điện), ET1 (Điện tử và Viễn thông), ET2 (Kỹ thuật Y sinh)... cũng yêu cầu thí sinh có điểm SAT đạt từ 1.400 và điểm Toán đạt từ 720 trở lên.

Trong khi đó, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thí sinh có chứng chỉ SAT từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên được xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Điểm SAT và ACT của thí sinh sẽ được quy đổi về thang 30, cụ thể là điểm quy đổi SAT = điểm SAT*30/1.600 còn điểm quy đổi ACT = điểm ACT*30/36.

Trước khi đại học Việt Nam sử dụng SAT, suốt 100 qua, các trường đại học Mỹ đã sử dụng đầu điểm này trong tuyển sinh.

Ví dụ, theo College Board, trong năm 2025, thí sinh có điểm SAT từ 1.260-1.510 có thể trúng tuyển Đại học Washington, đạt 1.220-1.420 có thể trúng tuyển Đại học Georgia.

Thí sinh đạt điểm SAT từ 1.300-1.480 cũng có thể trúng tuyển Đại học Florida hay 1.150-1.350 điểm SAT là ngưỡng để nhiều thí sinh trúng tuyển Đại học Michigan State.

Với các trường đại học tốp đầu như Đại học Princeton, Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Yale... ngưỡng điểm SAT có thể tiệm cận tối đa, cụ thể là từ 1.500-1.580.

 Giáo viên dạy SAT khuyên thí sinh nên tiếp xúc với bài thi SAT từ lớp 10. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.

Giáo viên dạy SAT khuyên thí sinh nên tiếp xúc với bài thi SAT từ lớp 10. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.

Lý do đầu vào SAT ở nhiều trường cao

Thảo luận về ngưỡng điểm SAT trúng tuyển đại học Việt Nam và đại học Mỹ, thầy Đinh Thành Nhân, giáo viên dạy SAT tại TP.HCM, lý giải ở Việt Nam, các trường chỉ đặt ra khoảng 5-10% chỉ tiêu để xét tuyển bằng SAT. Do tỷ lệ thấp, chọi cao, các trường chọn nhóm học sinh giỏi nhất, đầu vào SAT cao nhất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu các trường tăng chỉ tiêu SAT lên mức 30-40%, điểm chuẩn sẽ hạ xuống và tiệm cận mức phổ biến của Mỹ.

Nói thêm về bài thi chuẩn hóa này, thầy Nhân cho rằng SAT có nhiều lợi thế so với hình thức thi tuyển sinh truyền thống. Trước hết, việc tổ chức nhiều đợt thi trong năm giúp học sinh giảm bớt áp lực, tránh tình trạng một sai sót trong buổi thi duy nhất ảnh hưởng đến kết quả 12 năm học.

Thứ hai, học sinh có thể thi sớm, bắt đầu chuẩn bị từ giữa năm lớp 11 hoặc thậm chí từ lớp 10 - khi kiến thức toán học đã đủ đáp ứng yêu cầu của bài thi. Việc học sớm cũng giúp giảm tải áp lực và cải thiện khả năng đọc hiểu tiếng Anh - yếu tố quan trọng trong phần Reading của SAT.

Một điểm đáng chú ý khác là tính công bằng và phổ quát của kỳ thi này. Anh Nhân cho rằng SAT là bài thi toàn cầu, tồn tại lâu đời, ít chịu ảnh hưởng bởi các trung tâm luyện thi như các kỳ thi tuyển sinh trong nước.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng dễ dàng tiếp cận SAT bởi vì chi phí học và thi là rào cản lớn. Hiện, một khóa học SAT hiện có giá từ 7-15 triệu đồng, lệ phí thi khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình học SAT chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, học sinh tại tỉnh lẻ rất khó tìm được nơi học phù hợp.

Đánh giá về năng lực của học sinh Việt Nam khi học và thi SAT, thầy Nhân nhận định các em học Toán rất tốt, thường đạt điểm cao trong phần Toán của SAT. Trình độ đọc hiểu tiếng Anh cũng cải thiện rõ, đặc biệt trong nhóm học sinh trường công. Thậm chí, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm phần Reading cao hơn cả mặt bằng học sinh Mỹ.

Dù vậy, điểm yếu lớn nhất vẫn là thiếu điều kiện tiếp cận sớm. Học sinh Việt Nam thường chỉ bắt đầu tìm hiểu về SAT rất muộn, khoảng đầu năm lớp 12 hoặc chỉ 2-3 tháng trước khi thi.

Do đó, thầy Đinh Thành Nhân khuyến nghị học sinh nên bắt đầu học Toán SAT từ lớp 9-10, bởi chương trình toán lớp 10 ở Việt Nam đã đủ kiến thức cần thiết. Về tiếng Anh, để học tốt phần Reading, học sinh cần trình độ tương đương IELTS 6.0-6.5, đặc biệt chú trọng kỹ năng đọc hiểu thay vì chỉ quan tâm điểm tổng.

Thầy cũng khuyên học sinh nếu tự học, nên ưu tiên dùng tài liệu chính thức từ College Board - tổ chức ra đề SAT - để đảm bảo chất lượng.

“Trong tương lai, khi công nghệ và AI phát triển hơn, chi phí học SAT có thể giảm đáng kể, tạo điều kiện để nhiều học sinh tiếp cận sớm và hiệu quả hơn”, thầy giáo kỳ vọng.

Tú Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dai-hoc-trong-nuoc-ngao-diem-sat-trong-tuyen-sinh-post1551714.html
Zalo