Học tập số - 'Chìa khóa vàng' giúp thanh niên phát triển, hội nhập

Phong trào 'Học tập số' là một trong những định hướng quan trọng được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh triển khai tới các cấp bộ đoàn trên cả nước. Tại Bắc Giang, Tỉnh đoàn phát động phong trào từ tháng 4 năm 2025.

Ứng dụng công nghệ vào học tập

Phong trào “Học tập số” nhằm khuyến khích đoàn viên thanh niên học tập qua các nền tảng trực tuyến, hướng đến hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ của mỗi cá nhân, nâng cao khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại.

 Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang) sử dụng các phần mềm trực tuyến tạo video clip tuyên truyền về hoạt động Đoàn trong trường học.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang) sử dụng các phần mềm trực tuyến tạo video clip tuyên truyền về hoạt động Đoàn trong trường học.

Mới đây, tại Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 2 (thị xã Việt Yên) diễn ra Ngày hội tư vấn hướng nghiệp học sinh khối trung học phổ thông với chủ đề “Trang bị kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thích ứng nghề nghiệp”. Tại đây, học sinh được giới thiệu vai trò của AI trong mọi lĩnh vực của đời sống như: Y tế, tài chính, kỹ thuật, giáo dục, thông tin, tuyền thông; góp phần làm thay đổi phương thức lao động, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.

Trong học tập, AI có thể như một trợ lý giúp học sinh ôn luyện kiến thức, giải thích bài học trực quan và giúp tiếp cận các bài học khó thông qua video, hình ảnh và công cụ tương tác. Đồng thời, các em được hướng dẫn sử dụng AI để khám phá sở thích, xác định thế mạnh bản thân và tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp để xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, các em còn được thực hành tạo sơ yếu lý lịch bằng AI, mô phỏng phỏng vấn với chatbot, thiết kế sơ đồ tư duy, bài thuyết trình… Những hoạt động này giúp học sinh tiếp cận công nghệ một cách gần gũi, hình thành tư duy số và khả năng thích nghi với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.

Theo thầy Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 2, việc trang bị kỹ năng số và tư duy công nghệ được xem là hành trang không thể thiếu đối với học sinh trong thời đại chuyển đổi số. Đây không chỉ là việc sử dụng thành thạo thiết bị hay phần mềm mà còn là năng lực tư duy phản biện, xử lý thông tin, học tập chủ động và bảo đảm an toàn trên môi trường số. Xác định rõ vai trò của giáo dục công nghệ trong định hướng tương lai cho học sinh, nhà trường tiếp tục tổ chức các chương trình chuyên đề, ngày hội định hướng nghề nghiệp gắn với công nghệ số; đồng thời tích hợp nội dung này vào hoạt động ngoại khóa, các môn học liên quan và chương trình giáo dục hướng nghiệp.

Phong trào “Học tập số” được triển khai qua nhiều hình thức đa dạng và linh hoạt. Tại nhiều trường đại học, cao đẳng trong tỉnh như Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Bắc Giang, phong trào “Học tập số” diễn ra sôi nổi. Các đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia các khóa học kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khởi nghiệp thông qua nền tảng trực tuyến.

Chị Thân Thị Huyền Mai, sinh viên Khoa Kinh tế - Tài chính, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cho biết: “Công nghệ số giúp tôi học tập hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, có thêm cảm hứng trong quá trình tiếp cận kiến thức. Tôi thường xuyên sử dụng các nền tảng học trực tuyến như: Memrise, Coursera để nâng cao khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp và từ vựng chuyên ngành. Việc học qua video, tương tác với giáo viên và tham gia các khóa học linh hoạt giúp tôi dễ dàng sắp xếp thời gian và duy trì hứng thú học tập”. Không chỉ vậy, chị Mai còn chủ động ứng dụng các công cụ Canva, Chat GPT để thiết kế slide thuyết trình, tạo video sinh động cho các môn học.

Tổ chức phong phú, đa dạng các hoạt động

Việc tiếp cận công nghệ, các nền tảng học tập hiện đại giúp đoàn viên thanh niên cải thiện kỹ năng, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động. Tại nhiều địa phương, phong trào “Học tập số” đã được triển khai hiệu quả. Ví dụ, Thành đoàn Bắc Giang tổ chức các lớp kỹ năng số dạy tra cứu thông tin học thuật, viết báo cáo khoa học, tạo sơ yếu lý lịch chuyên nghiệp bằng AI, cũng như sử dụng các công cụ trực tuyến phục vụ học nhóm, thuyết trình và phỏng vấn thử.

Huyện đoàn Lạng Giang triển khai ứng dụng “Chatbot 24/7” hỗ trợ đoàn viên học tập, tư vấn pháp luật, giới thiệu các di tích lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chi đoàn trường học, khu phố đã chủ động tổ chức các buổi hướng dẫn đăng ký tài khoản học trực tuyến, chia sẻ kỹ năng học qua mạng; góp phần lan tỏa tinh thần học tập trong thanh niên.

Ngoài ra, các cấp bộ đoàn còn tổ chức những buổi tập huấn, hội thảo trực tuyến về chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ thông tin, các cuộc thi sáng tạo ứng dụng công nghệ nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo, nâng cao kỹ năng số và tạo sân chơi ứng dụng công nghệ thiết thực cho đoàn viên, thanh niên.

Mới đây, Đoàn Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang phối hợp tổ chức cuộc thi khoa học công nghệ với chủ đề “Khởi tạo tương lai với AI” dành cho học sinh các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Cuộc thi yêu cầu các đội thi thiết kế video quảng bá về hình ảnh tỉnh Bắc Giang, tập trung vào các chủ đề như: Danh nhân lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh nổi tiếng, nét văn hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương hoặc các ý tưởng sáng tạo... Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 100 video clip dự thi với nhiều sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện về thiết bị công nghệ, hạ tầng Internet còn hạn chế, gây khó khăn cho việc tiếp cận và duy trì việc học trực tuyến. Bên cạnh đó, thói quen học tập truyền thống, tâm lý ngại thay đổi và thiếu kỹ năng tự học cũng là những rào cản khiến phong trào chưa thật sự lan tỏa đồng đều. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số, khả năng tự học và thích nghi được xem là “chìa khóa vàng” để thanh niên hội nhập, phát triển, làm chủ tri thức.

Để phong trào phát triển sâu rộng, các cấp bộ đoàn cần đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ” tại địa phương, đơn vị, trường học; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số, xây dựng câu lạc bộ học tập trực tuyến, tạo thêm nhiều sân chơi công nghệ hấp dẫn, thiết thực. Đồng thời, tăng cường truyền thông, hướng dẫn, hợp tác với các nền tảng giáo dục số để tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hoc-tap-so-chia-khoa-vang-giup-thanh-nien-phat-trien-hoi-nhap-postid417677.bbg
Zalo