Đại biểu Hoàng Văn Cường: Không nên tính dư nợ cũ khi vay xây nhà ở xã hội

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để doanh nghiệp tiếp cận được các dự án xây nhà ở xã hội, không tính dư nợ cũ khi doanh nghiệp vay tín dụng cho nhà ở xã hội.

Sáng 24/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đề xuất tách riêng dư nợ để "hút" doanh nghiệp tham gia

Góp ý vào Quỹ nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhận xét, đầu tư vào nhà ở xã hội có mức lợi nhuận thấp, đặc biệt là cho thuê lại càng không đủ khả năng hoàn vốn. Vì thế, việc thành lập quỹ để tạo vốn đầu tư rất cần thiết và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: QH

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: QH

Đại biểu lưu ý, quỹ này sẽ sử dụng tiền thu được từ việc không dành đất 2% tại các dự án thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ áp dụng với các dự án được phê duyệt đầu tư sau khi luật có hiệu lực, còn các dự án thương mại được phê duyệt đầu tư trước đó phải làm lại thủ tục đầu tư để chuyển diện tích đất sang phát triển nhà ở xã hội. Điều này gây phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Do đó, ông đề nghị bổ sung vào Điều 12 (Điều khoản chuyển tiếp) một khoản quy định rõ: Với các dự án thương mại đã được phê duyệt trước khi luật có hiệu lực, phần diện tích đất dành cho nhà ở xã hội (20%) được phép chuyển thành đất thương mại và đem đấu giá để bổ sung nguồn lực cho quỹ phát triển nhà ở xã hội, mà không cần làm lại thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, quỹ phát triển nhà ở xã hội cần đa dạng nguồn vốn, đặc biệt từ chính những người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà. Nhiều nước đã lập các quỹ cho người mua nhà: Ai đóng góp nhiều, thường xuyên sẽ được ưu tiên mua, thuê mua hoặc thuê. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng đóng góp vào quỹ này. Những người có nhu cầu sẽ đóng góp thường xuyên và coi số tiền họ đóng là tiêu chí lựa chọn thứ tự ưu tiên mua, thuê mua hay thuê.

Liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng 120.000 - 145.000 tỷ đồng được ngân hàng cam kết nhưng giải ngân chậm, đại biểu chỉ ra nguyên nhân một phần là khi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội muốn vay, ngân hàng lại tính tổng dư nợ của doanh nghiệp ở tất cả dự án khác, khiến họ không đủ điều kiện vay tiếp.

Vô hình trung, doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở xã hội, không thể tiếp cận được vốn”- đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị, cần tách riêng phần dư nợ cho vay phát triển nhà ở xã hội, không gộp chung với các khoản vay thương mại khác của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp nào có dự án nhà ở xã hội sẽ được vay từ quỹ tín dụng này mà không tính dư nợ từ các dự án thương mại trước đó. Kiến nghị này có thể đưa vào nghị quyết hoặc hướng dẫn của Chính phủ" - Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Cần phân cấp mạnh và cơ chế một cửa cho nhà ở xã hội

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đề nghị cần tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương, đặc biệt là các cơ quan nhân dân cấp tỉnh. "Nên cho phép địa phương có thêm quyền quyết định, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng và công an, vì các cơ quan chuyên môn đã có đầy đủ năng lực thực hiện" - ông đề xuất.

Theo đại biểu An, cần xây dựng các bộ hồ sơ mẫu để thống nhất thủ tục cấp phép và điều kiện đăng ký nhà ở xã hội. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu về những người đủ điều kiện để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Toàn cảnh phiên họp sáng 24/5. Ảnh: QH

Toàn cảnh phiên họp sáng 24/5. Ảnh: QH

Về thủ tục, đại biểu cho rằng, nhiều quy trình đã được tối ưu, nhưng vẫn cần bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư góp quyền sử dụng đất để nhận lại nhà ở xã hội thành phẩm. "Cơ chế này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp" - đại biểu Trịnh Xuân An cho hay.

Đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế “một cửa, một đầu mối”, giao cho Sở Xây dựng địa phương là đầu mối duy nhất xử lý toàn bộ thủ tục liên quan đến nhà ở xã hội, kể cả về phòng cháy, chữa cháy và điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian cấp phép, tối đa là 90 ngày, thay vì kéo dài từ 18 - 24 tháng như hiện nay.

Liên quan đến giá nhà ở xã hội, đại biểu đề xuất tách riêng giá bán, giá thuê và giá thuê mua. Đồng thời, để doanh nghiệp chủ động xác định giá, nhưng cần có cơ chế đối chiếu, thẩm định giá để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.

Đại biểu cũng đề xuất, cần làm rõ các thành phần trong giá, bao gồm cả thuế, để doanh nghiệp thuận tiện triển khai dự án.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-hoang-van-cuong-khong-nen-tinh-du-no-cu-khi-vay-xay-nha-o-xa-hoi-389087.html
Zalo