Xử lý vi phạm hành chính: Dự thảo luật chưa đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa

Theo ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật XLVPHC không đề xuất tăng mức phạt mà chỉ bổ sung một số lĩnh vực mới chưa được quy định.

Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), đã có những chia sẻ với báo chí liên quan đến dự luật này.

. Phóng viên: Quốc hội đang tập trung ưu tiên sửa đổi, ban hành mới những đạo luật thực sự cần thiết cho việc tổ chức, sắp xếp bộ máy trong đó có Luật XLVPHC. Xin ông cho biết trọng tâm, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC lần này là gì?

+ Ông Hồ Quang Huy: Như chúng ta đã biết, đất nước ta đang thực hiện một cuộc cải cách toàn diện về tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm xây dựng một hệ thống hành chính tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều đạo luật hiện hành đang được điều chỉnh để tương thích với sự chuyển động mạnh mẽ của bộ máy hành chính quốc gia. Luật XLVPHC cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Với quan điểm thận trọng, dự thảo Luật chỉ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, những vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản, mang tính phổ quát, thực sự là điểm nghẽn cần phải tháo gỡ và không điều chỉnh những quy định tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức.

Phạm vi sửa đổi tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ và thủ tục, nhằm đơn giản hóa quy trình, giảm gánh nặng cho cơ quan thực thi mà vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Đây cũng là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh xây dựng luật theo trình tự rút gọn, phục vụ mục tiêu điều chỉnh cấp bách nhưng không làm phát sinh xáo trộn lớn trong thực tiễn thi hành.

 Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp). Ảnh: Hoàng Huy

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp). Ảnh: Hoàng Huy

.Theo ông, chúng ta có nên nâng các mức phạt không và cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp đang đề xuất ra sao về mức phạt này?

+ Ông Hồ Quang Huy: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cũng có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh tăng mức tiền phạt bởi mức tiền phạt hiện hành trong một số lĩnh vực không còn đủ răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau quá trình rà soát kỹ lưỡng và đánh giá tổng thể, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tham mưu, báo cáo Chính phủ xác định rõ quan điểm, phạm vi sửa đổi là không điều chỉnh các nội dung có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân – trong đó có vấn đề tăng mức xử phạt vi phạm hành chính.

Đây là nhóm vấn đề rất nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Với quan điểm đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này không đề xuất điều chỉnh tăng mức tiền phạt trong các lĩnh vực mà chỉ rà soát, bổ sung một số lĩnh vực mới chưa được quy định. Ví dụ, bổ sung các lĩnh vực như: bảo vệ dữ liệu cá nhân, công nghiệp công nghệ số, quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt trong các lĩnh vực này một cách minh bạch, đồng bộ.

Các đề xuất liên quan đến việc tăng mức phạt sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong thời gian tới.

. Dư luận quan tâm về đề xuất liên quan đến mức xử phạt không lập biên bản, xin ông chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?

+ Ông Hồ Quang Huy: Quy định cho phép xử phạt vi phạm hành chính mà không phải lập biên bản vi phạm hành chính thực ra không phải là điểm mới. Đây là quy định được kế thừa ổn định từ thời kỳ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục được duy trì tại Điều 56 của Luật XLVPHC hiện hành.

Mục đích của quy định này là nhằm xử lý nhanh các hành vi vi phạm rõ ràng, ít nghiêm trọng, đồng thời, giảm áp lực về thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Dự thảo Luật lần này không mở rộng phạm vi áp dụng, mà chỉ đề xuất điều chỉnh rất hạn chế từ 250.000 đồng (mức phạt thực tế) lên thành 1 triệu đồng (mức tối đa của khung) đối với cá nhân; còn đối với tổ chức thì gấp đôi trong trường hợp xử phạt không lập biên bản.

Mức điều chỉnh này nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, khi mặt bằng thu nhập và chi tiêu của người dân đã thay đổi đáng kể so với thời điểm ban hành các quy định trước đây.

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, kết quả có rất ít hành vi vi phạm có mức phạt từ 250.000 đồng đối với cá nhân. Điều đó cho thấy quy định hiện tại phần nào đã trở nên lạc hậu so với thực tế quản lý và không còn nhiều giá trị thực tiễn.

Việc xử phạt không lập biên bản vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý: phải có quyết định xử phạt, lưu hồ sơ theo dõi, có căn cứ rõ ràng... Người bị xử phạt vẫn được đảm bảo quyền khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin hoặc phản ánh nếu thấy có sai sót.

Đây không phải là sự nới lỏng về trách nhiệm pháp lý hay thu hẹp quyền công dân, mà là một điều chỉnh kỹ thuật hợp lý, phù hợp thực tiễn, giúp quá trình xử lý vi phạm hành chính trở nên linh hoạt, tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

Như vậy, quy định này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở cách tiếp cận cẩn trọng, kế thừa có chọn lọc và bám sát thực tiễn, hướng đến mục tiêu quản lý hiệu quả mà vẫn giữ vững các nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-du-thao-luat-chua-de-xuat-tang-muc-phat-tien-toi-da-post851237.html
Zalo