Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Không thể quy định giá sàn cho nhà ở xã hội
Sáng 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và đề nghị sớm ban hành Nghị quyết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân và xã hội.
Các đại biểu cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội đang ngày một tăng. Đặc biệt, sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, nhu cầu nhà ở xã hội này tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung nhà ở vẫn còn hạn chế.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, giá nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập của người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. “Bây giờ, nhà ở xã hội giá 25 triệu đồng/m2. Với một người có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng, thậm chí là vài triệu đồng/tháng, rất khó cho đối tượng thực sự cần nhà ở có thể mua được”, đại biểu nói.
Dẫn Luật Nhà ở quy định “nhà ở xã hội chỉ được phép chuyển nhượng lại khi đạt thời hạn tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm tất toán toàn bộ khoản tiền mua nhà ở đó”, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định này vừa hạn chế quyền định đoạt tài sản, vừa dễ xảy ra tình trạng “đầu cơ”, chờ cơ hội để bán chênh lệch, thậm chí là bán nhà cho những đối tượng không có nhu cầu. Đại biểu đề nghị nên tăng cường hình thức cho thuê nhà ở xã hội.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn Trà Vinh) đề xuất bổ sung cơ chế thuê mua sau thời gian sử dụng nhà ở xã hội ổn định, như người thuê được chuyển quyền mua nhà ở xã hội sau tối thiểu 5 năm cư trú liên tục và không vi phạm hợp đồng. “Điều này không chỉ tạo động lực ổn định đời sống, mà còn giúp giảm áp lực về sở hữu nhà cho người lao động”, đại biểu nói.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đề xuất mức giá trần cho nhà ở xã hội. Ảnh: VPQH
Khẳng định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, ưu việt của chế độ ta với những đối tượng đặc thù, song, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, nếu không kiểm soát được giá bán, giá thuê nhà ở xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.
“Tôi đề nghị Chính phủ có phương án và có cách thức kiểm soát tốt vấn đề giá bán, giá thuê hoặc thuê mua để các đối tượng được thụ hưởng tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội”, đại biểu Đoàn Bình Thuận kiến nghị.
Liên quan đến giá bán nhà ở xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, chúng ta mất rất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, tính toán chi phí, cho bán trước rồi kiểm toán sau... tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
“Chi phí đấy cũng là tiền, thời gian chậm xác định giá bán cũng là tiền, khiến giá nhà ở xã hội bị đội lên. Tôi đề nghị nghiên cứu phương án mức giá trần để tiết kiệm thời gian, công sức và giảm giá nhà ở xã hội”, đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: VPQH
Phát biểu về Quỹ Nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đầu tư nhà ở xã hội thì lợi nhuận rất thấp, nếu như cho thuê thì lợi nhuận còn thấp hơn nên khó có khả năng hoàn trả vốn. Vì vậy, chúng ta cần có quỹ để tạo vốn đầu tư. Đại biểu đề nghị đối với những dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực, phần diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội được quyền chuyển sang thành đất thương mại và đưa lên mạng đấu giá nhằm tạo kinh phí cho Quỹ Nhà ở xã hội.
“Cần đa dạng các nguồn lực, đặc biệt là phải khuyến khích những người dân có mong muốn mua, thuê nhà ở xã hội phải tích cực tiết kiệm tiền để đóng góp vào Quỹ Nhà ở xã hội… Những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đóng góp Quỹ thường xuyên sẽ là một trong những tiêu chí để họ được lựa chọn ưu tiên mua, thuê mua nhà ở xã hội”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH
Phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, thực tế trong 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án nhà ở xã hội. Trong số này, mới có 108 dự án hoàn thành với tổng số 73 nghìn căn, tương đương đạt 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu chúng ta đặt ra là 100 nghìn căn nhưng đến nay mới được 15,6 nghìn căn hoàn thành, còn hơn 19 nghìn căn đang được khởi công, như vậy, mới đạt 44% mục tiêu.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc quy định giá sàn cho nhà ở xã hội là không thể thực hiện được. Sau khi thiết kế mẫu nhà ở xã hội được phê duyệt, Sở Xây dựng và Sở Tài chính các địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh lệch 10% so với dự toán.
“Tới đây, còn khoảng 34 tỉnh, thành phố triển khai, mỗi nơi đều có đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau thì phải quy định theo giá dự toán, không thể đưa ra một giá sàn chung”, Bộ trưởng nói.