Bộ trưởng Xây dựng: Không thể quy định giá sàn cho nhà ở xã hội
Trả lời góp ý của đại biểu Quốc hội về giá nhà ở xã hội, trước nhiều kiến nghị cần quy định giá sàn, Bộ trưởng khẳng định không thể quy định theo giá sàn mà sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó, vấn đề giá nhà ở xã hội nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Khẳng định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, ưu việt của chế độ với những đối tượng đặc thù, song, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, nếu không kiểm soát được giá bán, giá thuê nhà ở xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.
"Tôi đề nghị Chính phủ có phương án và có cách thức kiểm soát tốt vấn đề giá bán, giá thuê hoặc thuê mua để các đối tượng được thụ hưởng tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội," đại biểu Đoàn Bình Thuận kiến nghị.
Cũng liên quan đến giá bán nhà ở xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc xác định giá bán nhà ở xã hội mất rất nhiều thời gian, công sức; việc tính toán chi phí, cho bán trước rồi kiểm toán sau cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
"Chi phí đấy cũng là tiền, thời gian chậm xác định giá bán cũng là tiền, khiến giá nhà ở xã hội bị đội lên. Tôi đề nghị nghiên cứu phương án mức giá trần để tiết kiệm thời gian, công sức và giảm giá nhà ở xã hội," đại biểu nói.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Media Quốc hội.
Tiếp thu và giải trình kiến nghị của đại biểu, trước nhiều ý kiến đề nghị cần quy định giá sàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh khẳng định không thể quy định theo giá sàn mà tới đây sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.
Đơn cử sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh lên 10% so với dự toán. Nếu đưa giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau.
"Nếu ta đưa ra giá sàn, tới đây, khoảng 34 tỉnh thành không thể đưa một giá sàn chung được. Bởi mỗi nơi có một đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau, phải quy định theo giá của dự toán," Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cũng cho biết, Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã có đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Tuy nhiên thực tế trong gần 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án, trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới có 15.600 căn hoàn thành, còn 19.492 căn mới được khởi công, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vướng mắc ở cơ chế, thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục, nên Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư được tham gia nhà ở xã hội.
Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất là quỹ; đối tượng; giá mua, thuê…; điều kiện để các đối tượng được hưởng chính sách. Thứ hai là cho các nhà đầu tư bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện dự án.
Nói về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, sau đó nâng lên 145.000 tỷ đồng, Bộ trưởng cho biết đến tháng 4 mới giải ngân được 3.042 tỷ đồng, tương đương với gần 3% trong 5 năm là rất kém.
"Một số các quy định chặt chẽ quá về thủ tục tín dụng nên không làm được," Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh và nêu thực tế, nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày khiến nhà đầu tư cũng rất ngán ngẩm.
Do đó, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục, thời gian thực hiện chỉ còn 75 ngày.