Đã đến lúc doanh nghiệp cần 'áo giáp' pháp lý

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, đã đến lúc các DN cần thay đổi nhận thức, coi dịch vụ pháp lý không chỉ là chi phí mà còn là khoản đầu tư nhằm phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi trong giao dịch quốc tế.

Năm 2025 đối diện với nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý, vì vậy các DN cần chú trọng đến việc xây dựng “lá chắn” pháp lý để vững vàng hơn trên thị trường xuất khẩu đầy thách thức.

Năm 2025 đối diện với nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý, vì vậy các DN cần chú trọng đến việc xây dựng “lá chắn” pháp lý để vững vàng hơn trên thị trường xuất khẩu đầy thách thức.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nguyên nhân nào khiến DN chưa chú trọng sử dụng các dịch vụ pháp lý khi xuất khẩu?

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ: - Thứ nhất, nhiều DN vẫn chưa thực sự nhận ra tầm quan trọng của việc phòng ngừa rủi ro pháp lý. Thay vì chủ động tư vấn và chuẩn bị trước các phương án ứng phó, họ thường xem đó là vấn đề của cơ quan nhà nước. Thứ hai, đối với các DN vừa và nhỏ, chi phí cho dịch vụ pháp lý thường được coi là gánh nặng ngắn hạn.

Họ có xu hướng đánh giá dựa trên mức chi phí hiện tại, thay vì nhìn vào lợi ích dài hạn từ việc phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo hay các rủi ro pháp lý khác. Thứ ba, một số DN còn ỷ lại vào cơ quan nhà nước. Họ cho rằng khi có tranh chấp hay lừa đảo xảy ra, các cơ quan nhà nước sẽ can thiệp để bảo vệ quyền lợi nên họ không cần phải đầu tư vào tư vấn pháp lý.

Lấy dẫn chứng từ vụ 74 container xuất khẩu hạt điều sang Italia, đã cho thấy DN không chủ động kiểm tra thông tin đối tác một cách độc lập. Họ quá tin tưởng vào bên môi giới và không có sự tư vấn pháp lý kịp thời, dẫn đến nguy cơ mất trắng hàng chục container và thiệt hại lớn về tài chính cũng như uy tín thương hiệu.

Từ bài học này, DN cần thay đổi nhận thức, coi dịch vụ pháp lý không chỉ là chi phí mà là khoản đầu tư nhằm phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi trong giao dịch quốc tế.

- Trong thị trường dịch vụ pháp lý đa dạng như hiện nay, ông có gợi ý nào cho DN khi lựa chọn các dịch vụ pháp lý phù hợp để sẵn sàng cho các đơn hàng xuất khẩu của mình?

- Trong bối cảnh xuất khẩu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý, các DN cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng “lá chắn” pháp lý vững chắc. Khi lựa chọn dịch vụ pháp lý phù hợp, DN nên cân nhắc một số yếu tố sau.

Thứ nhất, tư vấn chuyên sâu về hợp đồng xuất khẩu. Hợp đồng xuất khẩu là nền tảng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của DN. Vì vậy, DN cần được tư vấn về điều khoản thanh toán, điều khoản phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp, điều khoản bất khả kháng, cũng như các điều kiện về vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa. Việc soát xét hợp đồng kỹ lưỡng sẽ giúp hạn chế rủi ro phát sinh tranh chấp và đảm bảo lợi ích của DN khi có sự cố xảy ra.

Thứ hai, tư vấn về phòng vệ thương mại. Các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đang có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU. Các DN cần tìm kiếm các đơn vị luật có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh đó, DN cũng cần được tư vấn về chiến lược giá, hồ sơ kế toán và hệ thống quản lý để đảm bảo tuân thủ các quy định phòng vệ thương mại.

Thứ ba, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu. Mỗi quốc gia có các yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa… Do đó, DN cần dịch vụ pháp lý hỗ trợ về chứng nhận xuất xứ, nhãn mác, kiểm định chất lượng để tránh bị từ chối nhập khẩu hoặc bị xử phạt.

Thứ tư, tư vấn xử lý tranh chấp và giải quyết khiếu nại. Khi phát sinh tranh chấp, DN cần có sự hỗ trợ của luật sư để giải quyết bằng đàm phán, hòa giải hoặc trọng tài thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi và hạn chế tổn thất. Các công ty luật có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp quốc tế sẽ giúp DN có phương án ứng phó hiệu quả hơn.

Thứ năm, về tư vấn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều DN xuất khẩu chưa quan tâm đúng mức đến đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại thị trường nước ngoài, dẫn đến nguy cơ bị sao chép, giả mạo. DN cần dịch vụ tư vấn pháp lý để đăng ký bảo hộ sớm và có biện pháp xử lý khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lời khuyên cho DN là nên tìm kiếm các công ty luật hoặc tư vấn pháp lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có đội ngũ am hiểu thị trường xuất khẩu của DN, và có khả năng hỗ trợ xuyên suốt từ khâu ký kết hợp đồng đến giải quyết tranh chấp.

Nếu các DN lớn có thể xây dựng phòng pháp chế để tư vấn và tham mưu thường xuyên cho lãnh đạo, còn các DN nhỏ hơn có thể lựa chọn giải pháp phòng pháp chế thuê ngoài cho các DN. Đó là các luật sư và chuyên viên tư vấn của hãng luật, sẽ tính phí theo giờ làm việc và tương đối linh hoạt. Việc chủ động xây dựng “áo giáp” pháp lý sẽ giúp DN vững vàng hơn trên thị trường xuất khẩu đầy thách thức.

- Có ý kiến cho rằng, trong khi nhiều DN Việt chú ý đến lợi nhuận của từng thương vụ hơn là vấn đề pháp lý, thì các DN nước ngoài đang làm điều ngược lại. Ông nghĩ sao về điều này?

- Các yếu tố để đánh giá một DN đang chú ý đến lợi nhuận của từng thương vụ nhiều hơn các vấn đề pháp lý gồm nhiều yếu tố.

Thứ nhất, hoạt động hiện tại của DN cần phải được đánh giá xem có sự cân bằng như thế nào giữa việc tìm kiếm lợi nhuận và tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, về khung pháp lý điều chỉnh cho từng thương vụ, cần phải xem xét mỗi DN có tìm hiểu về các quy định pháp luật điều chỉnh và cơ chế thực thi liên quan đến thương vụ mà DN đang thực hiện.

Thứ ba, về vấn đề quản trị công ty cũng cần phải đánh giá cụ thể để xác định DN đã thực hiện hoạt động quản trị tốt như thế nào, để đảm bảo việc theo đuổi lợi nhuận, nhưng vẫn phải được tuân thủ chuẩn mực pháp lý.

Thứ tư, sự nhìn nhận của dư luận xã hội và tính chất của từng thương vụ.

- Xin cảm ơn ông.

Trong bối cảnh xuất khẩu năm 2025 đối diện với nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý, các DN cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng “lá chắn” pháp lý. Việc chủ động xây dựng “áo giáp” pháp lý sẽ giúp DN vững vàng hơn trên thị trường xuất khẩu đầy thách thức.

Thanh Dung (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/da-den-luc-doanh-nghiep-can-ao-giap-phap-ly-post120780.html
Zalo