Lãi suất thực âm của Nhật Bản nói lên điều gì?
Lãi suất chính sách thực của Nhật Bản đang ở mức âm 3,5%, mức thấp nhất 2 năm...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật đang cao nhất 12 năm, nhưng lãi suất thực - là lãi suất danh nghĩa sau khi trừ đi lạm phát - ở nước này đang thực âm và thấp nhất trong nhiều năm.
Theo một bài viết của nhà báo chuyên mục Jamie McGeever được hãng tin Reuters đăng tải, việc giới truyền thông tốn nhiều giấy mực để nói về chiến dịch tăng lãi suất lịch sử của BOJ và đà leo thang của lợi suất chính phủ Nhật Bản trong thời gian gần đây có thể đã khiến nhiều người tin rằng điều kiện chính sách tiền tệ ở Nhật Bản đang trở nên thắt chặt. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Theo ông McGreever, lãi suất chính sách thực của Nhật Bản đang ở mức âm 3,5%, mức thấp nhất 2 năm. Nguyên nhân của tình trạng này là lạm phát giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đang ở mức 4%, cao hơn lạm phát ở Mỹ, eurozone và Anh.
Sự tăng tốc của lạm phát - một điều có phần mới mẻ ở Nhật Bản - cho thấy điều kiện tài chính ở nước này vẫn còn rất lỏng lẻo, cho dù lập trường chính sách của BOJ trong một năm trở lại đây đã dịch chuyển theo chiều hướng cứng rắn một cách rõ rệt.
Ông McGreever cho rằng lãi suất thực âm của Nhật có thể có những tác động tiềm ẩn to lớn đối với thị trường tài chính nước này và toàn cầu.
Trong số các ngân hàng trung ương của nhóm G10 - gồm các nước Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Hà Lan, Nhật Bản, Italy, Đức, Pháp, Canada và Bỉ - BOJ đang là ngân hàng trung ương duy nhất tăng lãi suất, cho dù các nhà hoạch định chính sách của BOJ còn khá thận trọng sau nhiều thập kỷ Nhật chìm trong giảm phát và theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường tài chính đưa ra một lập luận đầy hấp dẫn: sự trái chiều chính sách tiền tệ của Nhật sẽ kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường trái phiếu nước này, qua đó thúc đẩy tỷ giá đồng yên tăng. Xét tới việc Nhật Bản là nước chủ nợ lớn nhất thế giới với lượng tài sản ròng 3,3 nghìn tỷ USD ở nước ngoài, dư địa tăng giá của đồng yên có thể sẽ rất lớn.
Một phần của kịch bản này đang trở thành hiện thực. Tỷ giá đồng yên so với đồng USD đã tăng 5% từ đầu năm đến nay, đưa yên trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong nhóm tiền tệ G10. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America đã chỉ ra rằng lợi suất và lãi suất thực của Nhật Bản có thể khiến bức tranh tỷ giá trở nên phức tạp hơn.
Tuần trước, Bank of America nâng dự báo lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm vào cuối năm nay lên 1,65% từ mức 1,4% trước đó, đồng thời nâng dự báo về mức lãi suất cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt này của BOJ lên 1,5% từ 1% trước đó.
Lãi suất chính sách của BOJ hiện đang ở mức 0,5%, cao nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm là 1,38%. Tỷ giá đồng yên so với USD đang ở mức dưới 150 yên đổi 1 USD, vùng cao nhất của yên kể từ tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bank of America dự báo tỷ giá yên sẽ giảm về mức 165 yên/USD vào cuối năm nay. Đó sẽ là mức tỷ giá thấp nhất trong khoảng 40 năm trở lại đây của đồng yên.
Nguyên nhân phía sau việc tỷ giá đồng yên được dự báo giảm dù lợi suất trái phiếu và lãi suất của Nhật được dự báo tăng là lãi suất thực của nước này vẫn đang âm - một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Các khoản tiền gửi bằng đồng yên đã mất giá trị với tốc độ hàng năm 3,6% trong vòng 3 năm qua. Và lãi suất chính sách thực của Nhật Bản đang thấp hơn tròn 5 điểm phần trăm so với lãi suất chính sách thực của Mỹ, đồng thời thấp hơn 5,3 điểm phần trăm so với lãi suất thực của khu vực eurozone.
Nhà báo McGreever chỉ ra rằng ngay cả khi tốc độ lạm phát của Nhật Bản giảm một nửa còn 2% và lãi suất chính sách của nước này tăng gấp đôi lên 1%, lãi suất chính sách thực của nước này vẫn âm 1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất tương ứng ở Mỹ, Anh và khu vực eurozone - những nền kinh tế đang có lãi suất thực dương. Bởi vậy, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn sẽ mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nước ngoài.
Theo ông McGreever, để lãi suất thực trong nước trở nên hấp dẫn, BOJ cần thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ, hoặc lạm phát ở nước này giảm xuống, hoặc cả 2. Xét tới sự thận trong của BOJ và sự dai dẳng của lạm phát, lãi suất thực của Nhật có lẽ rất khó để đạt tới trạng thái dương - bài viết kết luận.