Đã có kết quả chất gây ngộ độc trong vụ việc tại Long Biên, Hà Nội
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản báo cáo gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về kết quả điều tra, giám sát, xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ ngộ độc gây hậu quả nghiêm trọng sau bữa tiệc tại 1 trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Sở Y tế Hà Nội và các lực lượng liên quan đã khẩn trương vào cuộc.
Theo các chuyên gia, Aceytinotrile có độc tính thấp, tuy nhiên trong một số trường hợp Acetonitrile có thể chuyển hóa để tạo ra Hydro xyanua có độc tính cao. Aceytinotrile cũng được sử dụng là nguyên liệu sản xuất các dẫn xuất pyridine là chất trung gian của thuốc diệt cỏ sulfonylurea. Nó còn dùng để sản xuất vitamin B1 trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, pin, các sản phẩm cao su.
Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol, không phải acetonitrile. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc acetonitrile có thể xảy ra.
Khi vào cơ thể, acetonitrile được chuyển hóa thành cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.
Được biết sự kiện này do Công ty TNHH MTV NBC Pacific tổ chức, tổng số 80 người tham dự.
Cơ quan chức năng đã lấy 53 mẫu kiểm tra, trong số đó có 14 mẫu thức ăn lưu trưa tại nhà hàng, 4 mẫu thực phẩm đóng gói sẵn, 7 mẫu rượu liên quan đến các bệnh nhân ngộ độc, 28 mẫu máu và nước tiểu của các bệnh nhân.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, trong 6 mẫu rượu, 2 mẫu rượu nồng độ Methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện Acetonitrile. Cụ thể, mẫu rượu số 1 lấy từ can 20 lít của Công ty TNHH MTV NBC Pacific (đây là số rượu lái xe công ty này đưa vào hội nghị và đã sử dụng hết 8 lít). Địa chỉ: Đường A2, khu A, phố Nối A, Văn Lâm, Hưng Yên. Phát hiện hàm lượng Methanol 1,00 x 105 mg/L cồn 1000, hàm lượng Acetonitrile 16,0% V/V.
Mẫu rượu M2 (lấy từ chum số 1) cũng của công ty trên cho thấy Hàm lượng Methanol 1,05 x 105 mg/L cồn 1000, hàm lượng Acetonitrile 13,0% V/V.
Các mẫu rượu khác các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. 14 mẫu thức ăn lưu không phát hiện vi sinh vật gây bệnh. 4 mẫu nước uống có các chỉ tiêu kiểm nghiệm vi sinh, hóa học trong giới hạn.
14 mẫu máu và 13 mẫu nước tiểu phát hiện có Acetonitrile và Cyanid.
Tổng số người ngộ độc đã lên hơn 20 người
Tính đến ngày 23/12/2024, tổng số người phải vào viện điều trị trong vụ ngộ độc là 20 người. Trong đó có 1 người hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, hiện đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động bình thường.
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 18 người, trong đó có 4 người đã ra viện. 14 người còn lại hội chứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc - toan chuyển hóa tăng Lactate. Trong đó 5 người trong tình trạng nặng, hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có Acetonitrile và Cyanid, hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính, kết hợp với bệnh cảnh của các bệnh nhân nhận định ngộ độc Acetonitrile (Acetonitrile khi vào cơ thể có thể chuyển hóa chậm thành Cyanid gây ngộ độc với biểu hiện sau uống nhiều giờ).
1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Hiện tại tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động bình thường.
Sở Y tế Hà Nội đưa ra kết luật, các nạn nhân của vụ việc bị ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng do Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các bệnh viện tiếp tục khám và điều trị tích cực các bệnh nhân có liên quan tới bữa ăn trưa ngày 19/12/2024 tại quận Long Biên, Hà Nội; Phối hợp điều tra, giám sát các bệnh nhân và thông báo kịp thời diễn biến của các bệnh nhân về Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội).
Đề nghị Phòng Y tế quận Long Biên tham mưu UBND quận chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi giám sát phát hiện bệnh nhân mới (nếu có); tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn và báo cáo theo theo định.
Đề nghị Sở Công Thương và các ngành liên quan: Rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tăng cường công tác kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn thực phẩm (nếu có).
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), nhấn mạnh, các địa phương, cơ quan ban ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
"Cần phải siết chặt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm" - ông Phong nói.
* Trước đó, như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, tối 20/12, Cục An toàn thực phẩm đã thông tin về vụ việc ngộ độc sau khi ăn tiệc tại 1 trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi khiến 2 người chết, hàng chục người phải nhập viện điều trị.
Theo điều tra ban đầu đầu, tối 19/2, Công ty NBC Pacific tổ chức hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Almaz với khoảng 80 khách mời.
Công ty NBC Pacific hợp đồng với trung tâm tổ chức sự kiện một bữa phụ vào lúc 10h và ăn trưa vào 12h cùng ngày. Món ăn được trung tâm chuẩn bị theo hợp đồng, rượu do Công ty NBC Pacific tự chuẩn bị với khoảng 20 lít rượu trắng và có thêm 2 chai rượu do khách tham dự hội nghị mang theo.
Đến 16h cùng ngày, 6 người là khách dự hội nghị đến một nhà hàng tại phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội. Một người xuất hiện các triệu chứng đau đầu, choáng váng, phải đến Bệnh viện Đức Giang điều trị.
Sau đến, thêm 10 người tham gia hội nghị có dấu hiệu ngộ độc, trong đó có 2 người tử vong.