Con gái người hiến tạng: 'Bố cho đi là bố còn sống mãi với mình'

Đối với nhiều gia đình của người hiến tạng, việc người được ghép tạng hồi phục, khỏe mạnh là niềm an ủi lớn nhất.

Ngày 19-4, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chương trình "Tri ân gia đình người hiến tạng chết não tại tỉnh Phú Thọ".

Người nhận tạng khỏe mạnh là sự an ủi lớn

Bà Ngô Thị Hà (huyện Yên Lập) là chị gái của ông Ngô Duy Hải (41 tuổi). Tháng 12-2024, ông Hải bị đau đầu, dần dần rơi vào hôn mê, chẩn đoán xuất huyết não do tăng huyết áp.

Sau 11 ngày được các bác sĩ nỗ lực điều trị và hồi sức tích cực, tình trạng người bệnh không cải thiện, hôn mê sâu, dần rơi vào trạng thái chết não.

"Ngay khi được các bác sĩ tư vấn về việc hiến tạng, gia đình tôi cũng cân nhắc, không quyết định ngay. Tôi nghĩ rằng nếu em tôi không thể cứu được nữa, nếu tạng của cậu có thể cứu và duy trì cuộc sống cho những người khác thì cũng là một niềm an ủi. Cuối cùng, chúng tôi đồng ý", bà Hà chia sẻ.

Vài tháng sau đó, hai người nhận thận của ông Hải đã tìm đến huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ để thắp hương cho người đã mất và cảm ơn gia đình.

"Tôi nghĩ hoạt động tri ân gia đình người hiến tạng như thế này rất ý nghĩa, phần nào an ủi người ở lại. Chương trình này cũng góp phần nâng cao hiểu biết của mọi người, lan tỏa thêm nhiều ý nghĩa của nghĩa cử hiến tạng cứu người", bà Hà nói thêm.

Còn đối với chị Huỳnh Thu Sao Mai (32 tuổi, TP Việt Trì), gần 1 năm kể từ ngày bố mất, chị vẫn chưa thể tin được những gì đã xảy ra.

 Chị Huỳnh Thu Sao Mai - con gái của người hiến tạng cứu người. Ảnh: TT

Chị Huỳnh Thu Sao Mai - con gái của người hiến tạng cứu người. Ảnh: TT

Tháng 6-2024, người đàn ông 56 tuổi bị tai nạn giao thông, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nhưng không qua khỏi.

Sau khi được các bác sĩ thông báo về tình trạng chết não của bệnh nhân, mẹ chị Mai đã chủ động hỏi ý kiến hai con về việc hiến tạng của người đàn ông trụ cột gia đình, với mong muốn có thể giúp đỡ và hồi sinh những cuộc đời khác.

"Mẹ tôi đã tìm hiểu về vấn đề hiến tạng từ rất lâu rồi, mẹ từng nói rằng sau này khi mẹ mất đi thì mong các con sẽ hiến tạng, bộ phận cơ thể của mẹ cho khoa học để người ta nghiên cứu. Khi nói như vậy, chắc chắn mẹ tôi không nghĩ rằng có ngày bà lại hiến tạng của chồng mình", chị Mai tâm sự.

Bố chị Mai hiến được hai thận cho hai nam thanh niên bị suy thận giai đoạn cuối. "Chúng tôi không biết thông tin gì về họ, chỉ biết rằng họ đã được ghép tạng thành công, có thể sinh hoạt bình thường. Với tôi, như vậy là an ủi lớn nhất", chị Mai nói thêm.

Ba mẹ con tôi hiện nay sinh sống bằng nghề tự do. Đối với sự ra đi của bố, đến nay tôi vẫn chưa thực sự quen được vì trước đó bố tôi hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng mẹ con cũng phải tự động viên nhau...

"Khi đồng ý với mẹ về việc hiến tạng của bố, tôi chỉ nghĩ rằng bố hiến tạng, bố cho đi là bố còn sống mãi với mình. Nhưng giờ đây, sau gần 1 năm, tôi cũng có nhiều suy nghĩ hơn. Hiến tạng là cứu người, gieo niềm tin cho những cuộc đời bất hạnh. Bản thân tôi hiện cũng rất muốn đăng ký hiến tạng", chị Mai chia sẻ thêm.

Đứng đầu thế giới về tỉ lệ tăng tạng hiến từ người chết não

Chia sẻ tại chương trình, PGS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết để thực hiện thành công mỗi ca lấy - ghép tạng, cần sự chung tay, tham gia của hàng trăm người, cần rất nhiều y bác sĩ từ trung ương đến địa phương.

"Nghĩa cử hiến tạng có thể cứu sống, mang lại hạnh phúc, ánh sáng cho rất nhiều cuộc đời. Đây có lẽ cũng là hạnh phúc của chính người hiến.

Nghĩa cử hiến tạng cũng là minh chứng cho việc giữa cộng đồng còn nhiều trắc trở, khó khăn, thì vẫn còn đó ánh sáng, niềm tin của lòng trắc ẩn, tình yêu thương, trách nhiệm. Vẫn còn đó mong muốn được cho đi", bà Tiến nói.

 PGS Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện 5 gia đình người hiến tạng tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TT

PGS Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện 5 gia đình người hiến tạng tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TT

Năm 2024, Việt Nam có 41 ca chết não hiến tạng, đây là con số kỷ lục của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Tối 18-4, PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết con số này đã đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tăng nguồn tạng hiến từ người chết não năm 2024 (tăng 173,3% so với tổng 3 năm trước đó cộng lại).

Tuy nhiên, kỷ lục này sắp được vượt qua, bởi từ đầu năm 2025 đến nay, số ca chết não hiến tạng được ghi nhận là gần 30 ca. Qua đó, phần nào cho thấy vai trò của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trong việc triển khai hoạt động đào tạo các bệnh viện trên khắp cả nước để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng.

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng. Trong đó, 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm thực hiện được khoảng 1.000 ca - con số đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về hoạt động ghép tạng.

Riêng năm 2024 ghi nhận 41 trường hợp hiến tạng từ người chết não - tăng gấp 4 lần so với năm 2023, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong hiệu quả truyền thông và nhận thức của cộng đồng về hiến tạng.

Cũng chỉ trong năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận 5 người chết não hiến tạng, cứu sống 24 bệnh nhân nguy kịch ở các tỉnh thành trên toàn quốc.

Theo ông Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, đằng sau mỗi con số ấy là một nhịp tim tiếp tục đập khỏe khoắn, là một người mù được tìm lại ánh sáng, là một người thoát được cảnh gắn chặt đời mình với máy thận nhân tạo, là một gia đình được giữ lại niềm tin và hi vọng.

"5 người ra đi, dành lại cho 24 người được cứu sống. 5 gia đình quả cảm chấp nhận nỗi đau, vượt qua định kiến, và nhờ đó 24 gia đình khác nhận được niềm hi vọng", ông Khánh nói.

Sau mỗi ca ghép tạng thành công là một câu chuyện rất đời về sự hi sinh thầm lặng, về nỗi đau chưa nguôi ngoai, về sự dũng cảm vượt lên định kiến xã hội của người ở lại. Mỗi quyết định cho đi không chỉ làm thay đổi số phận người nhận, mà còn làm sáng lên giá trị sống của cả cộng đồng.

Ông Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ

Cùng ngày, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp tổ chức chương trình "Khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí" cho khoảng 500 người dân.

Hoạt động nhằm giúp phát hiện sớm các vấn đề về thị lực, đồng thời tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, đặc biệt cho đối tượng người cao tuổi, học sinh và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thăm khám miễn phí cho người dân. Ảnh: TT

Theo bác sĩ Mai Thị Anh Thư, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, phần lớn những vấn đề về mắt mà người dân đến khám hôm nay gặp phải là do tuổi tác như: lão thị, khô mắt. Các bệnh về viêm nhiễm, mãn tính hầu hết được kiểm soát khá tốt.

"Hoạt động khám bệnh, tư vấn miễn phí cho người dân hôm nay nhằm phát hiện sớm các bệnh lý về mắt dễ bị bỏ qua như bệnh Glocom (cườm nước) mãn tính, đục thủy tinh thể, bệnh đáy mắt... Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để sàng lọc, cấp đơn kính, cấp thuốc hỗ trợ các bác trong việc xử lý thị lực để nhìn gần", bác sĩ Thư cho biết.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/con-gai-nguoi-hien-tang-bo-cho-di-la-bo-con-song-mai-voi-minh-post845324.html
Zalo