'Cởi trói' chính sách, doanh nghiệp bất động sản sẽ như 'cá gặp nước'
Khi kinh tế tư nhân được nhìn nhận một cách đúng mực, có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, chắc chắn doanh nghiệp bất động sản, sẽ như 'cá gặp nước' góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân trong ngành bất động sản: Nhân tố quan trọng
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (VARs) nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân đã và đang là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, với đóng góp khoảng 51% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.
Cũng theo Chủ tịch VARs, trong khu vực kinh tế tư nhân, nhóm doanh nghiệp bất động sản đang là một thành tố quan trọng, có tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản đang là một thành tố quan trọng, có tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực. (Ảnh: BRVT)
Thứ nhất, các doanh nghiệp bất động sản tạo động lực phát triển hạ tầng và đô thị hóa.
Ông Đính giải thích: Doanh nghiệp bất động sản đã và đang giúp nhiều vùng đất “lột xác" nhờ việc đầu tư vào hạ tầng, tạo ra các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch kích cầu các ngành liên quan.
Đồng thời, bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với hơn 40 ngành khác như vật liệu xây dựng, tài chính – ngân hàng và nhiều ngành nghề khác nhau.
Thứ hai, các doanh nghiệp bất động sản giúp tăng thu ngân sách và tạo việc làm. Các khoản thu thuế, phí từ giao dịch bất động sản và các dự án đầu tư lớn là nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, bất động sản cũng là ngành tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Riêng trong năm 2023, nhóm doanh nghiệp bất động sản tư nhân nộp ngân sách lớn thứ 2 cả nước với hơn 37.000 tỷ đồng.
“3 trong 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp ngân sách lớn nhất năm 2024 có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản”, Chủ tịch VARs nhấn mạnh.
Thứ ba, doanh nghiệp bất động sản đã tái cấu trúc không gian kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đang góp phần định hình lại cấu trúc không gian đô thị, phân bố dân cư – lao động – sản xuất, thông qua phát triển dự án đại đô thị tại các vùng ven, đô thị vệ tinh.
Ông Đính cho rằng, khi kinh tế tư nhân được nhìn nhận một cách đúng mực, có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, chắc chắn doanh nghiệp bất động sản, với vai trò chủ chốt trong khối, sẽ như “cá gặp nước”, không ngừng lớn mạnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của thị trường bất động sản nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Khó khăn vì chứng chỉ môi giới
Vừa qua, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chính sách. Mặc dù, trong giai đoạn 2023 - 2024, cơ quan chức năng đã vào cuộc để “cởi trói” cho thị trường bất động sản, tuy nhiên nhiều vấn đề mới đang nảy sinh thêm.
Theo báo cáo của VARs, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024, đã có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới bất động sản.
Đáng chú ý là quy định yêu cầu môi giới phải tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thông qua kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nhưng việc thực thi các quy định đang gặp nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc quản lý và kiểm soát đội ngũ này.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn vì chứng chỉ môi giới. (Ảnh: ST)
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính cho biết: Có 3 vấn để nảy sinh từ việc siết chặt hoạt động môi giới bất động sản.
Đầu tiên là vấn đề đào tạo, ông Đính cho rằng: Hiện nay, chất lượng đào tạo các khóa bồi dưỡng kiến thức hiện còn hạn chế do thiếu sự quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở đào tạo.
Đối với vấn đề thi sát hạch, không có kỳ thi sát hạch được tổ chức khiến hàng chục nghìn môi giới buộc phải hoạt động sai Luật. Cuối cùng là công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản còn lỏng lẻo.
“Việc triển khai thực tế chậm so với quy định pháp lý mới không chỉ cản trở quá trình chuyên nghiệp hóa môi giới, mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý trong quá trình giao dịch bất động sản, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản”, ông Đính nói.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới hàng đầu Việt Nam chia sẻ: Số lượng môi giới có mong muốn thi chứng chỉ nghề môi giới bất động sản rất đông, tuy nhiên số lượng kỳ thi rất hạn chế.
Vị này cho biết, chỉ duy nhất Bộ Xây dựng là đơn vị cấp loại chứng chỉ này. Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp này mong muốn Chính phủ, Bộ Xây dựng có kế hoạch chia sẻ công việc cho các cơ quan nghiệp vụ khác liên quan tới thị trường bất động sản, ví dụ như một số Hội, Hiệp hội bất động sản. Điều này có thể giúp chia sẻ gánh nặng công việc cho Bộ Xây dựng.