Được Alibaba và Tencent hậu thuẫn, Zhipu định hình lại cục diện thị trường AI Trung Quốc

Zhipu, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) đầy triển vọng đến từ Trung Quốc, đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngay trong năm 2025.

Với tham vọng trở thành startup AI đầu tiên tại Trung Quốc cạnh tranh với OpenAI niêm yết công khai, Zhipu đã bắt tay vào chuẩn bị cho hành trình lớn này.

Theo các tài liệu gửi tới cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc, Zhipu đã mời China International Capital Corp. (CICC) - một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu quốc gia - làm đơn vị dẫn đầu đợt IPO. Quá trình chuẩn bị đã bắt đầu và công ty dự kiến nộp đơn chính thức xin niêm yết vào tháng 10 năm nay.

Zhipu, startup AI Trung Quốc được Alibaba hậu thuẫn, dự kiến IPO năm 2025 để cạnh tranh toàn cầu với OpenAI - Ảnh: Reuters

Zhipu, startup AI Trung Quốc được Alibaba hậu thuẫn, dự kiến IPO năm 2025 để cạnh tranh toàn cầu với OpenAI - Ảnh: Reuters

Được chống lưng bởi ông lớn công nghệ

Zhipu được hậu thuẫn bởi hai tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc gồm Alibaba Group Holding và Tencent Holdings. Thành lập cách đây 6 năm và có trụ sở tại Bắc Kinh, Zhipu hiện là một trong số ít startup Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu với các tên tuổi lớn như OpenAI -cha đẻ của ChatGPT.

Kể từ khi mô hình DeepSeek tạo được tiếng vang lớn, hàng loạt công ty AI nội địa Trung Quốc như Moonshot, Minimax và Zhipu đã lần lượt tung ra các mô hình AI giá rẻ, hiệu quả cao. Cuộc đua này nhằm chiếm lĩnh thị phần trong thị trường AI đang phát triển nhanh chóng, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới cho những đột phá tiếp theo.

Tháng 3 vừa qua, Zhipu kết thúc vòng gọi vốn trị giá 1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 137 triệu USD), được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư có liên hệ với chính quyền địa phương. Sự kiện này phản ánh rõ rệt mối quan tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với công nghệ AI, đặc biệt là sau thành công của DeepSeek.

Tuy nhiên, Zhipu cũng đang phải đối mặt với rào cản từ phía Mỹ. Hồi tháng 1, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa công ty này vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu, làm hạn chế quyền tiếp cận công nghệ quan trọng. Dù phía Zhipu bác bỏ cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, lệnh cấm vẫn là yếu tố bất định trong chiến lược toàn cầu hóa của công ty.

Cuộc chạy đua AI giá rẻ

Trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu vẫn còn thận trọng do biến động địa chính trị và thị trường tài chính, thời điểm IPO của Zhipu chưa được ấn định cụ thể. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để phục vụ nghiên cứu và mở rộng hệ thống đang ngày càng cấp bách.

Các startup AI tại Trung Quốc hiện đang nỗ lực tung ra các sản phẩm cạnh tranh với chi phí đào tạo thấp hơn nhiều so với các công ty Mỹ. DeepSeek từng gây chú ý với mô hình ngôn ngữ mạnh mẽ nhưng chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí của GPT từ OpenAI.

Trong số đó, Zhipu nổi bật nhờ chiến lược tập trung vào AI tác vụ - các hệ thống có thể chủ động thực hiện công việc cho người dùng. Đây là một trong những hướng phát triển “nóng” nhất trong giới công nghệ AI hiện nay.

Tham vọng vượt mặt GPT

Zhipu đã giới thiệu công cụ AutoGLM - một “tác tử AI” (AI agent) sử dụng để nghiên cứu và xử lý các tác vụ chuyên sâu. Trong một bài thuyết trình gần đây, CEO Zhang Peng tuyên bố AutoGLM có hiệu suất vượt trội so với GPT-4o (OpenAI) và Claude 3.5 Sonnet (Anthropic) khi hoạt động qua trình duyệt web.

Không dừng lại ở đó, Zhipu hôm 15.4 đã công bố thêm một mô hình nguồn mở mới thuộc dòng GLM, với chi phí sử dụng chỉ bằng một phần nhỏ so với mô hình R1 của DeepSeek - cho thấy sự quyết liệt trong chiến lược “AI giá rẻ, hiệu suất cao”.

Mặc dù cuộc đua AI tại Trung Quốc đang rất sôi động, không phải ai cũng có thể trụ vững. Doanh nhân nổi tiếng Kai-Fu Lee - người sáng lập quỹ đầu tư AI Sinovation Ventures - dự đoán rằng chỉ có ba mô hình AI nội địa sẽ sống sót sau “cuộc thanh lọc” sắp tới.

Những yếu tố then chốt bao gồm năng lực công nghệ lõi, khả năng mở rộng quy mô, đội ngũ kỹ thuật đẳng cấp và đặc biệt là chiến lược huy động vốn dài hạn. IPO của Zhipu - nếu diễn ra thành công - không chỉ là cột mốc cho riêng công ty mà còn là tín hiệu quan trọng cho toàn bộ ngành AI Trung Quốc.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/duoc-alibaba-va-tencent-hau-thuan-zhipu-dinh-hinh-lai-cuc-dien-thi-truong-ai-trung-quoc-231572.html
Zalo