10 địa phương sẽ có quy mô kinh tế lớn nhất sau sáp nhập

Một trong những mục tiêu lớn của việc sáp nhập tỉnh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt chú trọng kinh tế tư nhân. Vậy sau sắp xếp đơn vị hành chính, địa phương nào sẽ có quy mô kinh tế lớn nhất?

Bảng so sánh 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất trước và sau sáp nhập. Đồ họa: TTH

Bảng so sánh 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất trước và sau sáp nhập. Đồ họa: TTH

Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn của Hà Nội quý I năm 2025 ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm 2024, mức tăng cao trong 5 năm gần đây.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product) là kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất thực hiện bởi các đơn vị sản xuất thường trú trên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ở Việt Nam, trên phạm vi cấp tỉnh, GRDP được tính theo phương pháp sản xuất bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các hoạt động kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm. Tại Việt Nam, hiện tính GRDP chỉ tiêu thống kê áp dụng cho cấp tỉnh, không áp dụng cho cấp huyện, xã.

Dựa vào dữ liệu thống kê đến cuối năm 2024, tính toán cơ học quy mô GRDP cho thấy, sau sáp nhập, quy mô kinh tế có thể thay đổi, tùy vào chủ trương, chính sách, chất lượng dân số mỗi địa phương.

Sau sáp nhập, vai trò "đầu tàu kinh tế" của Thành phố Hồ Chí Minh càng rõ nét, khi GRDP gần gấp đôi Hà Nội, chiếm 1/4 GDP cả nước, nếu cộng thêm quy mô của Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.

Thành phố Hồ Chí Minh trước đây chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau khi hợp nhất thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, sức ảnh hưởng càng lớn hơn khi đóng góp gần 24% cho cả nước.

GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập gần gấp đôi thủ đô Hà Nội. Quy mô kinh tế thành phố cũng gấp đôi 6 địa phương mới ở khu vực Tây Nam Bộ cộng lại.

Chênh lệch thu ngân sách giữa Thành phố Hồ Chí Minh "phiên bản mới" với địa phương có quy mô kinh tế nhỏ nhất là Điện Biên lên đến 423 lần.

Sáp nhập hai địa phương được xem là thủ phủ sản xuất công nghiệp và dịch vụ - du lịch phía Nam giúp Thành phố Hồ Chí Minh củng cố vị thế trụ cột của nền kinh tế.

Một số tỉnh khác sau sáp nhập có quy mô kinh tế lớn hơn 2-5 lần so với những địa phương trước sáp nhập, đặc biệt ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Ninh Thuận, sau khi sáp nhập với Khánh Hòa, quy mô kinh tế sẽ tăng gấp ba; còn Đắk Lắk sau khi sáp nhập vào Phú Yên cũng có quy mô gấp 3,2 lần trước đây.

Bắc Kạn, quy mô trước khi sáp nhập tạo thành tỉnh mới với Thái Nguyên, chỉ bằng một phần mười hiện tại.

Hải Phòng có thêm Hải Dương nên từ vị trí thứ 5 leo lên thứ 3. Quảng Ninh không hợp nhất tỉnh nào nên bị nhiều địa phương mới như Bắc Ninh, Phú Thọ vượt qua.

Lâm Đồng từ nhóm giữa vươn lên top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước khi sáp nhập Bình Thuận và Đắk Nông.

Các địa phương có quy mô kinh tế nhỏ nhất sau sáp nhập đều là những tỉnh không ghi nhận biến động địa giới hành chính, gồm Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La và thành phố Huế.

5 địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn quý I năm 2025 cao nhất cả nước (%). Ảnh: Cục Thống kê

5 địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn quý I năm 2025 cao nhất cả nước (%). Ảnh: Cục Thống kê

Về GRDP bình quân đầu người

Quảng Ninh từ thứ hai vươn lên thứ nhất. Trước đây, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương dẫn đầu về chỉ số này, dự kiến sẽ gộp về Thành phố Hồ Chí Minh. Số liệu này phản ánh giá trị hàng hóa và dịch vụ mới được tạo ra tại địa phương trong năm tính trên bình quân một người dân.

Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh là 249,3 triệu đồng. Ba đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng lần lượt chia nhau các vị trí tiếp theo với 199 triệu đồng, 164 triệu đồng và 160 triệu đồng.

Thành phố Huế là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, nơi đây đang có khoảng cách lớn về quy mô kinh tế, thu ngân sách nhà nước cũng như thu nhập bình quân đầu người tính trên GRDP so với 5 thành phố còn lại.

Thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Địa phương này đặt mục tiêu đến 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9-10% một năm và GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD, tức gấp đôi hiện nay.

Ở phía cuối bảng xếp hạng, các địa phương nghèo nhất cả nước như Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang có GRDP bình quân đầu người dao động 45-50 triệu đồng một năm.

GRDP của Hà Nội tăng 7,35%, mức tăng cao trong 5 năm gần đây

GRDP của Hà Nội tăng 7,35%, mức tăng cao trong 5 năm gần đây. Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hà Nội

GRDP của Hà Nội tăng 7,35%, mức tăng cao trong 5 năm gần đây. Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hà Nội

Hà Phong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/10-dia-phuong-se-co-quy-mo-kinh-te-lon-nhat-sau-sap-nhap-179250415151558843.htm
Zalo