Chuyện má và tôi - 60 năm kể lại
Chiều cuối năm, Sài Gòn nắng đẹp. Từ ban công căn hộ tôi ở, tầm mắt có thể phóng tới hàng dừa nước bên kia sông. Cảnh vật giống như dòng kinh quê ngoại thời thơ ấu.
Ký ức bồi hồi kéo tôi quay vô phòng, lấy ra cuốn tập học trò bấy nay tôi vẫn cất trong ngăn tủ đầu giường. Từng trang viết tay bằng bút bi, nét chữ nắn nót. Câu đầu tiên: “Hôm nay ngày 2.9.1996, má viết Hồi ký này để lại cho các con xem đây”! Tôi lật từng trang, đọc từng dòng như bao lần kể từ khi má mất. Và những hình ảnh của 60 năm trước hiện về…
“Năm 1945 má có tham gia phong trào Thanh Niên Tiền Phong tại xã nhà […] Đến tháng 2.1947, má mới thoát ly đi làm cách mạng […] Năm 1954, má có về học Hiệp định Genève tại Cao Lãnh. Má xin làm công cho nhà bảo sanh Hòa Bình ở Ngã 6 Chợ Lớn với nhiệm vụ là lao công để lấy tiền nuôi hai con […] Má xin làm ở đây với mục đích là gần gũi với tổ chức […] Năm 1958 - 1959, má nghỉ làm nhà bảo sanh và xin về trường Mẫu Giáo Việt Nam ở Bàn Cờ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (lúc này bà Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn Mới làm Hội trưởng). Có một số chị em kháng chiến cũ tới lui trong Hội để hoạt động công khai hợp pháp”...
Khi ấy tôi mới 5 tuổi, học mẫu giáo tại trường này. Hai má con ở trọ một căn gác nhỏ của trường. Nhiều buổi chiều, má đi công tác về muộn, tôi đứng trong khuôn viên trường vắng lặng, nhìn qua hàng rào khóc tức tưởi, mong má...
Năm 1962, tôi đang học lớp ba trường tiểu học Phan Đình Phùng, một đồng chí của má bị bắt đã khai báo và tổ chức yêu cầu má lánh đi. Má đem tôi về quê ngoại, “gởi” cho người chị ruột, tôi gọi là má Năm, rồi về Mỹ Tho làm thuê để địch mất dấu. Má Năm nuôi tôi, cho đi học trường làng. Em trai tôi thì má “gởi” người chị thứ ba nuôi giùm. Đúng là “tấn về nội, thoái về ngoại”.
“Năm 1963, má liên lạc được với tổ chức cũ là Ban Trí vận Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1965, tổ chức móc má về cứ (T4) để học chỉnh huấn. Lúc này, má dẫn C. đi luôn. Lúc bấy giờ dì Tám lo lắm, dì đi coi quẻ hiện lên những hình ảnh không vui đưa cho má xem, nhưng má đâu có tin dị đoan […] Lớp chỉnh huấn cấp trung cao thì má thấy có Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Vương Văn Lễ, Bảy Kiến, Tạ Bá Tòng, Bùi Thị Nga, chị Mười Hai, anh Mười Phổ, anh Ba Nam, anh Hai Nam (Tảo), anh Tư Nước, anh Sáu Tổng, chị Mười Lê (Mỹ), anh Sáu Hoài (Mười Tân) v.v.. Lớp chỉnh huấn của má thì có dì Bửu Liên, dì Chín Nuôi, dì Ba Ca…”
Đoạn này thì tôi nhớ rất rõ, vì C. trong hồi ký của má chính là tôi. Cần là tên má đặt cho, ghi trong khai sanh với họ của má (nhiều đứa trẻ có cha mẹ hoạt động bí mật thời kỳ đó thường mang họ mẹ để che giấu tung tích người cha). Cũng từ cột mốc này trong hồi ký của má, cuộc đời tôi chuyển sang một bước ngoặt khác thường. Năm 1965, tôi thi rớt đệ thất (lớp sáu), đang học để thi lại. Má về thăm và nói sẽ cho tôi đi theo. Bà ngoại thì thầm: “Lần này “nó” mang con vô rừng rồi bỏ luôn trong đó. Con nhớ, mỗi lần “nó” đi đâu không cho con theo, con nhớ níu áo khóc ré lên, đòi đi theo”.
![Các cô giáo ở trường mẫu giáo Bình Dân thuộc quận 3, Sài Gòn khoảng năm 1959. Người ở bìa phải là bà Trương Thị Thuấn, má của tác giả (Ảnh tư liệu gia đình).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_342_51482180/036a449a77d49e8ac7c5.jpg)
Các cô giáo ở trường mẫu giáo Bình Dân thuộc quận 3, Sài Gòn khoảng năm 1959. Người ở bìa phải là bà Trương Thị Thuấn, má của tác giả (Ảnh tư liệu gia đình).
Một buổi sáng tháng 4.1965, má và tôi ra chợ Bến Thành. Theo ám hiệu, có người đến gặp, rồi đưa hai má con lên xe đò, đi vào vùng giải phóng Bến Cát. Mấy tiếng sau, đến cầu Ông Cộ thì phải xuống xe, qua đò, vì cầu bị ta giựt sập để cản địch càn quét. Giao liên chở hai má con bằng xe đạp trên con đường đầy cát nóng, hai bên là những khu vườn trồng điều, mít, sầu riêng, măng cụt. Khoảng một tiếng sau thì đến A8, một căn cứ của Ban Trí vận, đóng chung với xóm dân. Đến nhà, người đầu tiên chào hai má con tôi là cậu Mười Phổ (Phan Văn Phổ), thủ trưởng A8. Cậu Mười nói: “Cho nó vô đây là đúng. Để ở ngoài, vài năm nữa lớn lên, nó đi lính, cha mẹ một bên con một bên!”.
Khi ấy, các căn cứ của Ban Trí vận đóng ở Bến Cát và Củ Chi, xen lẫn với dân, trong những căn nhà tranh, vách đất, có hơi riêng biệt trong một vườn sầu riêng hay một khoảnh rừng chồi, không có rào giậu. Hàng ngày, công việc của cơ quan cứ diễn ra: lãnh đạo nghiên cứu tài liệu để đoán định tình hình và có đối sách; giao liên dẫn người và mang tin tức đi, về; sản xuất tài liệu tuyên truyền để chuyển vào Sài Gòn; hội họp với những cán bộ từ thành phố ra, ngăn cách nhau bằng những tấm ni lông, đi lại phải che mặt để tránh nhận diện nhau…
Khi không có càn quét hay oanh kích của địch thì vùng giải phóng thật thanh bình, với tiệm quán, chợ búa xôn xao; chiều chiều, thanh niên nam nữ tập hát những bài hát cách mạng và những lớp học xóa mù chữ đêm đêm vẫn mở dưới ánh đèn dầu. Nếu có văn công hay chiếu phim, tổ chức trên những bãi cỏ rộng thì đồng bào đi xem rất đông. Có người canh gác ngồi rất xa, thổi còi khi có tiếng máy bay và mọi thứ đèn đóm đều tắt ngóm, ai nấy ngồi yên tại chỗ. Máy bay xa rồi thì còi nổi lên và đèn lại sáng.
Tuy vậy, chiến tranh vẫn hiện diện, với những con đường bị đào sâu một nửa để cản trở cơ giới của địch; những hố chông đào sẵn hai bên đường sẽ được cắm chông khi địch đến; và trên những ngọn cây cao là những giàn chông tre nhọn hoắt sẵn sàng được thả xuống khi địch đi qua. Thỉnh thoảng, một tốp du kích hay địa phương quân đeo súng, đội lá ngụy trang đi qua xóm, trẻ con chạy theo lốc nhốc, nhìn mê mẩn.
"Sau lớp chỉnh huấn, tổ chức bố trí má trở về Sài Gòn ngay để lãnh nhiệm vụ mới. C. ở lại cứ…"
Bây giờ nhớ lại, tôi mới biết mỗi ngày sống chung khi ấy, má đã lặng lẽ chuẩn bị cho cái ngày “má trở về Sài Gòn ngay để lãnh nhiệm vụ mới” và tôi sẽ “ở lại cứ”. Thỉnh thoảng, má con ngồi chung võng, má thủ thỉ: “Nếu má về Sài Gòn, con ở lại, ráng tự lực. Các bác lãnh đạo hứa sẽ đưa con đi học ở miền Bắc”. Tôi hỏi ngược: “Sao má con mình không về Sài Gòn, về với ngoại, cho con đi học?”. Má bảo: “Má phải đi làm cách mạng. Đó là việc đúng, phải làm mà con!”. Cậu bé không hài lòng, nhưng vẫn đang có má bên cạnh, lo gì!
Cuộc sống chung với má dần bị gián đoạn bởi những lần “má đi công tác vài ngày, con ở lại với các chú bác, anh chị cơ quan”. Những ngày má “đi công tác”, tôi - một cậu bé 12 tuổi phải tự kéo nước giếng lên để tắm và giặt quần áo, tối ngủ tự mắc võng, sáng dậy đúng giờ, ăn uống chung với tập thể, mỗi ngày làm việc theo sự phân công của người lớn: chép tin đọc chậm từ đài phát thanh Hà Nội để cơ quan làm tài liệu tuyên truyền; “sản xuất” bao thơ từ những tờ báo cũ; giúp “chị nuôi” lo cơm nước cho cơ quan…
Tôi không biết là đang được tập dượt để có thể tự lập và tồn tại trong cuộc sống tập thể thiếu thốn và ác liệt của chiến khu. Kể cả việc các anh lớn dạy cho là vừa ngủ, vừa phải nghe được tiếng “đề pa” của đại bác 105 ly từ bãi pháo Lai Khê hay Đồng Dù của địch, để kịp bay xuống hầm, vì chậm hơn vài giây là nó đã nổ trên đầu mình. Kể cả việc cảnh giác với tiếng máy bay “đầm già” của địch quần trên đầu, vì sau đó có thể là một trận ném bom của Sky Raider hay B57. Sau này, quả thật, những phản xạ đó đã giúp tôi sống sót.
Một hôm, má xếp quần áo chu đáo, ôm tôi vào lòng, dặn dò tỉ mỉ những chuyện lớn nhỏ, nói rằng “lần này má đi công tác hơi lâu, khoảng 3 - 4 tuần”. Sau hôm đó tôi bắt đầu cuộc sống tự lập của một “nhân viên nhỏ tuổi”. Một tháng sau vẫn không thấy má về, cũng không có một lời nhắn. Nhớ má quá, tôi gặp ông Mười Phổ, ngập ngừng hỏi: “Cậu Mười ơi, má con nói đi 3, 4 tuần về, mà sao không thấy?”. Cậu Mười nói thẳng, không nương nhẹ: “Má mày đi vô Sài Gòn luôn rồi. Bả không nói cho mày biết sao?”.
Trái tim bé nhỏ của tôi như ngừng đập sau câu nói đó. Nước mắt tôi ứa ra, cố ghìm để không khóc òa. Tôi lặng thinh, lủi thủi đi vô chỗ vắng, một mình nức nở: “Má xí gạt và bỏ mình lại rồi. Làm sao để về lại quê nhà, làm sao để gặp lại má?”. Với cậu bé mười hai tuổi, khoảng cách một trăm cây số từ chiến khu Bến Cát đến nhà dì Tám ở Sài Gòn là một khoảng cách tự mình không thể vượt qua. Buồn bã và bất lực, không biết phải làm sao. Sau này, tôi chợt nghĩ, liệu pháp sốc của cậu Mười có lẽ đúng trong lúc đó. Đời kháng chiến không có chỗ cho sự ủy mị, dù với một “nhân viên” mười hai tuổi!
Bắt đầu cuộc sống không có má, không người thân, chỉ có những người dưng mới làm quen được mấy tháng qua: bác Tám Chí (Huỳnh Tấn Phát), cậu Sáu Hoài (Phan Trọng Tân), bác Năm Thới (Tạ Bá Tòng), dì Năm Tú (Nguyễn Thị Tú), dì Mười Lê (Trần Thị Mỹ), cậu Ba Nam (Trần Minh Triết), dì Ba Nhân (Bửu Liên), dì Chín Huế, anh Duyên, chị Út Huyền, chị Mười Mến… Cơ quan lúc đó còn có một “nhân viên nhỏ tuổi” khác, nên tôi cũng có bạn trang lứa, bớt tủi thân. Mọi người cũng tội nghiệp, tìm cách an ủi. Dì Ba Nhân dạy hát. Dì Mười Lê dạy thơ. Chị Út Huyền hay kể chuyện “hồi chị đi học”. Chị Mười Mến thủ thỉ: “Má đi có dặn mấy chị chăm sóc em. Má cũng khóc dữ lắm, nhưng nếu nói thật sợ em níu áo đòi theo, má đi không đành!”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_342_51482180/ebcbb13b82756b2b3264.jpg)
Hàng trước, từ phải: Nhà báo Thái Duy (thứ ba) cùng các phóng viên trẻ báo Giải Phóng, năm 1969. “Hai thằng nhỏ” nhắc trong bài: Tác giả Trương Trọng Nghĩa (thứ hai) và Phan Thanh Nam (thứ tư). Ảnh do nhà báo Thái Duy tặng
Cuộc sống chiến khu lôi tôi đi với những “việc nhỏ” hàng ngày và những thử thách khốc liệt của chiến tranh. Cơ quan học chính trị, tôi cũng được tham gia. Tôi mê đọc sách, mà cơ quan Trí vận thì có cả một thư viện “mini”, sách đựng trong các thùng dầu lửa hai mươi lít, để tiện chôn giấu khi địch càn. Nỗi nhớ má, nhớ nhà nhờ sách mà dần nguôi ngoai…
Thử thách đầu tiên là một trận pháo 105 ly, dập vào cơ quan khoảng 4, 5 giờ sáng. Tôi nhảy khỏi võng, bay xuống hầm sâu hai mét. Trên đầu pháo nổ toang tác. Nửa tiếng sau, đợt pháo kích qua đi, mọi người chui lên, nhìn quanh thì: thật kỳ diệu, vì mái nhà bạt của cơ quan, kể cả mấy cái võng, thủng lỗ chỗ, mà không ai bị thương, vì mọi người đều đã kịp chui hầm trước đó. Giờ nghĩ lại, tôi không thể hiểu vì sao mình tỉnh thức và kịp bay xuống hầm, cắm đầu xuống đất mà vẫn lành lặn!
Hôm khác, tôi đang giặt quần áo ngoài mội nước thì một Sky Raider bay ngang, thả bom xuống vườn sầu riêng nhà bác Bảy Sến, nơi cơ quan đang trú đóng. Sau hai, ba tiếng bom nổ rất to, miểng bom bay rào rào, chặt đứt mấy nhánh sầu riêng rơi xuống đất, tôi nghe cậu Sáu Hoài la to: “Thằng nhỏ đâu rồi?”. Tôi hoảng hồn chạy ào vào hầm. Mọi người đã ở trong hầm, thấy tôi nhào vô ai nấy đều mừng rỡ, vỗ đầu, vỗ vai tôi.
Mùa mưa năm 1965, quân Mỹ trực tiếp càn quét vào vùng tam giác sắt Bến Cát, Củ Chi. Những làng mạc hiền hòa ở An Tây, An Thành, Xóm Chùa, Xóm Thuốc, nơi đặt những căn cứ A5, A7, A8 của Ban Trí vận, bị đào xới lên bởi những trận bom B52 rải thảm. Những trận càn ngày càng dài hơn, quân địch đông hơn, bom đạn ác liệt hơn. Cả cơ quan phải ẩn nấp trong địa đạo có khi cả tuần; việc tiếp tế rất khó khăn, nguy cơ bị bao vây và bị phát hiện ngày càng cao. Nhiều người dân và cả cán bộ bị giết, bị thương; có người bị bắt.
Tôi nghe người lớn bàn nhau: cơ quan có “hai thằng nhỏ”, chiến tranh ngày càng ác liệt, sợ tụi nó chịu không nổi, hoặc bị thương vong. May quá, có chú Tám Văn, là cán bộ Mặt trận của ông Nguyễn Hữu Thọ, xuống công tác, nhân thể “tuyển tân binh” lên R. Cơ quan đồng ý cho ba nhân viên trẻ đi, nhưng kèm theo “hai thằng nhỏ”. Chú Tám Văn đồng ý.
Người ấy không chúc đứa con đã trưởng thành của mình chức quyền hay giàu có, mà chỉ mong: “Các con ráng giữ gìn phẩm chất, đạo đức để trở thành người tốt”.
Mấy ngày chuẩn bị lên đường, “thằng nhỏ” kia là Phan Thanh Nam, con cậu Sáu Hoài, có cha mẹ chuẩn bị quần áo, vật dụng, thức ăn và cả tiền bạc. Còn tôi chỉ có hai bộ đồ bỏ trong “bồng” (bao đựng bột sửa lại thành balô), chiếc thắt lưng ngang hông đeo cái võng dù, tấm tăng che mưa và cái bình toong đựng nước. Dì Năm Tú kêu lại, cho mấy trăm đồng “dằn túi”, rồi xoa đầu dặn: “Con đi khỏe nhé. Dì sẽ nói má viết thơ cho con”. Cậu Mười Phổ đưa một gói nhỏ, nói: “Cậu chỉ có củ sâm người ta cho. Cậu cho lại con. Lên trển ráng phấn đấu”. Củ sâm này tôi giữ kỹ, tuy chẳng biết làm gì. Hai năm sau, thấy nhà báo Tiểu Dân cùng cơ quan bị bệnh, gầy yếu, ho hen, tôi đã cho chú củ sâm này.
Đoàn có ba anh thanh niên, chở hai “thằng nhỏ” bằng xe đạp, đi theo chú Tám Văn lên R. Đêm đầu tiên, đoàn dừng lại ở Bời Lời, một khu rừng chồi đặt trạm giao liên của kháng chiến. Đoàn nấu cơm, ăn xong thì giăng võng ngủ. Đang ngủ thì mưa to ập xuống. Tuy có tấm tăng, nước chảy theo dây võng ngập ướt hết lưng. Tôi đành ôm balô trên bụng, cố dỗ giấc, rồi cũng ngủ say đến sáng. Thì ra, khi trời mưa phải mắc võng vào hai cọc mồi, nếu buộc thẳng vào hai gốc cây thì nước mưa sẽ chảy từ cây xuống võng. Bài học đầu tiên của cuộc sống ở rừng thật quý, vì nhiều năm sau, giấc ngủ hằng đêm của tôi là… ở trong rừng và trên võng!
Đến ngày thứ ba, đoàn về tới cơ quan: B5, tức báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Cơ quan có khoảng hai mươi người, quê tứ xứ. Người già nhất hơn bốn mươi tuổi, rất nhiều thanh niên và nhiều “cô bé, cậu bé” cùng trang lứa với tôi và Nam. Một số ở miền Bắc vào, gọi là “đi B”; rất đông là từ các tỉnh Nam bộ, miền Trung và Việt kiều Campuchia.
Thủ trưởng cơ quan, nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), nguyên Tổng biên tập báo Cứu Quốc, là chủ bút, trên ông là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ nhiệm báo. Phóng viên thâm niên nhất cả về tuổi đời và tuổi nghề là nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân). Cả cơ quan đang tập trung làm báo Xuân, cũng là số báo đặc biệt kỷ niệm 5 năm thành lập Mặt trận, 20.12.1965. Tôi được phân công về nhà in đóng gần đó. Máy in khi ấy chạy bằng sức người, kéo tay bởi hai thanh niên có sức khỏe. Việc của tôi là rã các khuôn chữ chì đã in xong, và trả những con chữ li ti ấy về lại bảng xếp chữ alphabet để các công nhân tiếp tục xếp những khuôn chữ mới.
Ở nhà in, không có việc nào chán ngắt hơn việc này, và chừng nào máy còn in thì công việc ấy không bao giờ chấm dứt. Tờ báo Giải Phóng đặc biệt năm ấy in ba màu, với “công nghệ in” khi ấy thì mỗi trang phải được in ba lần, tờ báo có 40 trang với hàng ngàn số thì phải kéo tay hàng chục ngàn lần. Hàng ngàn tờ báo Xuân đã được các giao liên chuyển vào Sài Gòn, đi khắp các tỉnh Nam bộ, ra cả Hà Nội. Báo ra xong, cả cơ quan hồ hởi đón Tết Bính Ngọ. Năm đầu tiên trong đời, tôi ăn một cái tết xa má, xa người thân, xa cái làng Long Hựu, quê ngoại của tôi, bên dòng sông Vàm Cỏ, nhưng không còn cảm giác nhớ má, nhớ nhà day dứt.
Một hôm, chú Ba Trí (Trần Tâm Trí), chánh văn phòng cơ quan, gọi tôi lên, thông báo: “Chúc mừng cháu và Nam đã được vào biên chế, còn lâu nay tụi cháu ăn ké mọi người”. Tôi không còn nhớ rõ cảm giác lúc đó của mình là gì. Chỉ biết từ nay, tôi đã là thành viên chính thức của một cơ quan tuyên huấn của kháng chiến. Hai năm liền, tôi là lính giao liên, đeo cây carbine, phóng xe đạp như gió trong rừng để đến điểm hẹn, đưa và nhận thư về. Tôi đã quen với những trận B52 ném bom bi, tiếng nổ kéo dài hàng chục phút. Khi lên khỏi hầm, những trái bom chưa nổ nằm la liệt, vàng tươi, đẹp như đồ chơi trẻ em. Tôi đã có thể tự tay cạy ngòi nổ, ném xuống đất cho nổ như pháo, rồi dựng trái bom bi có chân, đốt thuốc nổ để nấu nước, pha trà. Tất nhiên, sơ suất có thể gây chết người, nhưng người khác làm được thì tôi cũng làm được.
![Tác giả Trương Trọng Nghĩa bên dì Chín Huế và chị Út Huyền, ảnh chụp 31.12.2024. Ảnh: Phan Tuấn Kiệt](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_342_51482180/aca9c659f5171c494506.jpg)
Tác giả Trương Trọng Nghĩa bên dì Chín Huế và chị Út Huyền, ảnh chụp 31.12.2024. Ảnh: Phan Tuấn Kiệt
Tôi đã tham gia chiến dịch X4 với hàng trăm thanh niên của các cơ quan Trung ương Cục: hàng trăm tấn vũ khí hiện đại (H12, B41, RPD, AK47…) chở bằng xe tải từ Campuchia về, được chuyển từ căn cứ Xa Mát - Bến Ra bằng xuồng theo dòng Vàm Cỏ Đông về Xóm Giữa, giao cho bộ đội chủ lực trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Đầu tháng 5.1970, trong trận càn Đông Dương, cả cơ quan di tản sang đất bạn, tôi và vài đồng đội được giao ở lại giữ căn cứ, ôm AK sẵn sàng chiến đấu khi địch càn vào. Lần khác, được giao đi liên lạc với cơ quan bạn, một mình một AK, tôi đạp xe hàng trăm cây số, xuyên qua những cánh rừng vắng có thể là biệt kích địch vừa rời đi, những xóm làng vừa bị bom, mùi tử khí nồng nặc. Chiều tối, vào một nhà người Khơ me, xin cơm ăn, rồi nằm ngủ ở một góc nhà sàn, vẫn phải ôm AK đề phòng địch xuất hiện.
Năm 1966, trong một bức thư gửi từ Sài Gòn qua đường giao liên, má báo tin: “Ba con đã hy sinh ở Đồng Tháp Mười trên đường công tác, giữa mùa nước nổi”. Tôi nhận tin ba hy sinh trong niềm cảm xúc không giống như hồi “bị má bỏ lại chiến khu” để về Sài Gòn tiếp tục hoạt động bí mật, hồi đó tim tôi như ngừng đập. Có lẽ vì từ lúc chào đời tôi chỉ được gặp ba đúng một lần vào năm lên 7 tuổi, sau đó đến khi ba tôi hy sinh, cha con không gặp lại nhau lần nào.
Tháng 5.1971, tôi được cơ quan cử đi học văn hóa ở miền Bắc. Cùng với mấy chục cán bộ, học sinh, tôi vác balô đi bộ gần ba tháng trời qua đường Trường Sơn, xuyên qua đất Campuchia, qua Lào, vượt cao nguyên Bô Lô Ven, leo qua biết bao đỉnh núi, có những ngọn núi đi hai ngày mới lên tới đỉnh, thêm hai ngày mới xuống tới chân núi. Đến trạm 5, trạm cuối cùng của đường dây 559, thì có xe tải chở về Cự Nẫm (Quảng Bình), rồi về Vinh, theo xe lửa về Hà Nội. Trước khi lên đường, tôi được thư má, kèm theo một bộ quần áo mới và chiếc đồng hồ, dặn dò con ra miền Bắc ráng học giỏi để hòa bình trở về xây dựng quê hương. Năm 1978, sau 13 năm xa cách, từ một cậu bé 12 tuổi trở thành một chàng trai 25 tuổi, tôi mới gặp lại má và các em tại Sài Gòn, khi ấy đã là thành phố Hồ Chí Minh.
“Các con ráng giữ gìn phẩm chất, đạo đức để trở thành người tốt. Má của các con. Trương Thị Thuấn, trong kháng chiến là Trương Thị Châu [Ký tên]”
Dòng cuối cùng của Hồi ký có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với tôi. Một phụ nữ nông dân như má tôi, cùng bao người tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước suốt ba mươi năm, chức vụ cao nhất cuối đời là bí thư chi bộ, về hưu với vài triệu đồng lương hàng tháng. Người ấy đã nén lòng đưa đứa con còn rất nhỏ vào kháng chiến trước khi lao mình vào công tác bí mật đầy nguy hiểm. Người ấy không chúc đứa con đã trưởng thành của mình chức quyền hay giàu có, mà chỉ mong: “Các con ráng giữ gìn phẩm chất, đạo đức để trở thành người tốt”. Mong ước của má thật thanh khiết, giản dị mà làm không dễ, nhưng đó là “việc đúng, phải làm” cho được.
Nhớ lại 60 năm trước (1965) khi má đưa tôi 12 tuổi vào chiến khu và nén lòng gửi tôi lại đó cho tổ chức, tôi muốn nói với má đang ở miền mây trắng là tôi rất nhớ má và rất biết ơn má vì đã được má sanh ra, được má nuôi dưỡng những năm đầu đời, dạy cho những điều dù ít ỏi nhưng đủ để sống tốt như má mong muốn.
Trương Trọng Nghĩa
_________________
(*) Bài viết đã đăng trên giai phẩm Người Đô Thị Tết 2025. Phiên bản online được tác giả bổ sung nội dung và hiệu đính chi tiết “số báo đặc biệt kỷ niệm 5 năm thành lập Mặt trận, 20.12.1965”