5 lần du lịch Sa Pa, du khách kể điều 'ám ảnh' nhất

Độc giả Minh Hằng chia sẻ về tình trạng trẻ em bán hàng rong đeo bám khách hay nhảy múa các động tác không phù hợp để xin tiền ở Sa Pa (Lào Cai).

Khi đọc bài viết "Tấm biển gồm 52 từ bên sông Nho Quế tiết lộ sự thật khó tin" trên báo VietNamNet, trong đầu tôi lập tức hiện lên hình ảnh những đứa trẻ mặc quần áo phong phanh hay trang phục dân tộc, tập trung ở khu vực trung tâm thị xã Sa Pa. Có bé cúi gập lưng, địu theo đứa em vài tháng tuổi, nước mũi đang chảy dài vì lạnh. Trên tay các bé là vài món đồ thổ cẩm nho nhỏ.

Các bé chạy theo du khách, nỉ non mời mua giúp món đồ. Mặc cho du khách lắc đầu từ chối, các bé vẫn lẽo đẽo đi theo và luôn miệng: "Mua cho cháu đi".

Lần đầu tiên tôi tới Sa Pa là vào tháng 9/2016. Đó cũng là lần đầu tôi bắt gặp những đứa trẻ mặc đồ thổ cẩm, chân đất, đứng thành từng nhóm ở khu vực quảng trường.

Một bé gái khoảng 5, 6 tuổi kéo áo tôi, mời mua vòng tay, móc khóa thổ cẩm. Nhìn đứa trẻ run rẩy, bàn tay lạnh cóng giữa thời tiết 15-16 độ C, tôi dù không mấy thích thú với món đồ, vẫn rút ví mua cho bé.

Trong túi có vài chiếc kẹo, tôi cũng cho bé luôn. Nhận tiền từ tay tôi, bé cúi đầu chạy vội về phía một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, đưa tiền rồi lại tìm du khách khác.

Chưa kịp quan sát tiếp thì có khoảng 3, 4 bé khác đã lại gần chỗ tôi. Chúng đồng loạt mời: "Mua cho con đi cô"; "Có cái vòng tay này đẹp lắm cô"; "Mua thêm đi cô"...

Dù tôi nói đã mua rồi, những đứa trẻ vẫn bám theo, kéo áo, năn nỉ. Thậm chí có bé xin tôi 5.000, 10.000 đồng. Phải mất 10 phút từ chối, các bé mới rời đi.

Khi về khách sạn, tôi kể chuyện gặp các bé bán hàng rong. Chị quản lý ở đây nói: "Em mua là hại lũ trẻ đấy. Bố mẹ chúng toàn cho con nghỉ học, chở ra đây bán hàng. Có khi bán tới 24h, mắt lờ đờ, vừa đi vừa ngủ gật. Bố mẹ lũ trẻ không chỉ muốn bán hàng mà mục đích chính là để du khách rủ lòng thương, cho tiền chúng".

Tôi thấy nhói lòng vì thương những đứa trẻ.

Năm 2019, 2020, 2022 tôi đều có những chuyến du lịch, làm việc dài ngày tại Sa Pa. Mỗi năm, Sa Pa đều có những điều mới mẻ, những công trình, chương trình du lịch hấp dẫn hơn. Nhưng tình trạng trẻ em bán hàng rong, chèo kéo, xin tiền thì vẫn còn.

Chiếc xe lưu động liên tục phát loa kêu gọi du khách không cho tiền trẻ em lang thang, ăn xin, không mua hàng từ người chèo kéo, đeo bám. Tại các điểm công cộng, trong nhà hàng, khách sạn đều đặt biển khuyến cáo không mua hàng, cho tiền trẻ nhỏ hoặc người bán hàng rong.

Tôi bắt gặp cảnh, khi có đội kiểm tra, những đứa trẻ nhanh chóng chạy tản đi khắp hướng. Đội kiểm tra rời đi, những đứa trẻ quay trở lại, tiếp tục đeo bám du khách.

Đã đọc nhiều thông tin tiêu cực về tình trạng này nên tôi không còn mua đồ từ các bé. Nếu có sẵn cái bánh, chiếc kẹo, tôi cho các bé rồi kiên quyết từ chối mua hàng, nhanh chóng rời đi.

Nhưng thật sự trong lòng tôi vẫn thấy thương, day dứt khi không mua giúp. Khi ấy tôi nghĩ, biết đâu trong nhóm trẻ, có các bé gia đình thật sự hoàn cảnh, chút tiền nhỏ bán hàng có thể giúp các em mua sách vở, quần áo đi học.

Năm 2024, vợ chồng tôi đưa con trai 4 tuổi tới Sa Pa. Ở quanh quảng trường, các bé vẫn xuất hiện bán hàng, xin tiền. Vài bé tới chỗ vợ chồng tôi, liên tục mời chào mua hàng. Lần này, chúng tôi phải mua 3 chiếc vòng từ 3 bé khác nhau.

Bởi nếu từ chối, chúng tôi không biết giải thích với con trai thế nào. Ở tuổi lên 4, con đã biết bày tỏ cảm xúc, thương các bạn nhỏ phải bán hàng ngoài đường. Thực sự, đứng trước những đứa trẻ má đỏ ửng, chân tay run rẩy vì lạnh, tôi hay các vị khách khác cũng khó lòng từ chối.

Không chỉ bán hàng rong, tôi còn thấy những em nhỏ đứng hát, nhảy múa. Bên cạnh chúng là chiếc loa kéo và một bát ô tô nhựa, có đặt ít tiền lẻ.

Điều đáng nói, những bé gái chỉ ngang tuổi con tôi hoặc nhỉnh hơn một chút lại thực hiện các động tác không phù hợp lứa tuổi - xoay tay, lắc mông trên nền nhạc xập xình. Nhiều người lớn thích thú cổ vũ, lấy máy ra chụp ảnh, quay phim.

Tôi thực sự ám ảnh với hình ảnh này. Hai vợ chồng tôi vội vã đưa con rời đi trong tâm trạng không vui.

Hình ảnh những đứa trẻ ở Sa Pa nhảy múa "không phù hợp lứa tuổi" lan truyền trên mạng

Hình ảnh những đứa trẻ ở Sa Pa nhảy múa "không phù hợp lứa tuổi" lan truyền trên mạng

Gần đây, trên mạng xã hội, tôi thấy xuất hiện nhiều video các bé nhảy xin tiền ở Sa Pa. Hầu hết người xem đều cảm thấy không phù hợp và coi tình trạng này là "hạt sạn" trong du lịch của thị xã mờ sương. Thậm chí, cả khách nước ngoài cũng than phiền về hình ảnh này.

Là du khách, tôi nhận thấy rõ những động thái từ tuyên truyền tới xử lý của chính quyền thị xã Sa Pa để ngăn chặn tình trạng trẻ em đu bám, chèo kéo khách du lịch.

Tôi nghĩ, nhiều du khách sẽ giống tôi, thấy thương các em. Những đứa trẻ chèo kéo xin tiền hay nhảy múa mà chưa hề nhận thức được, đó là hành động không đẹp.

Nhưng có lẽ, tình thương phải đúng cách. Càng mua hàng, càng cho tiền sẽ khiến tình trạng đó diễn ra phổ biến hơn, tiếp tục đẩy những đứa trẻ vào vòng luẩn quẩn nghỉ học - đi làm sớm.

Và nếu trẻ em ở Sa Pa kiếm được tiền nhờ chèo kéo du khách thì tôi e rằng tình trạng này có khả năng sẽ lan rộng ra nhiều điểm du lịch khác.

Độc giả Minh Hằng

Mời độc giả chia sẻ quan điểm, trải nghiệm của mình về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-lan-du-lich-sa-pa-du-khach-ke-dieu-am-anh-nhat-2371406.html
Zalo