'Cô phù thủy' làm bánh ngọt giống hệt mâm cỗ Tết cổ truyền
Thùy Dương khiến cộng đồng mạng trầm trồ với tài biến những chiếc bánh kem thành mâm cỗ Tết cổ truyền gồm các món bánh chưng, giò lụa, nem rán, thịt quay...
Với tình yêu đặc biệt dành cho ẩm thực truyền thống và niềm đam mê làm bánh, Nguyễn Thị Thùy Dương (28 tuổi, sống tại Thanh Xuân, Hà Nội) sáng tạo nên những tác phẩm mà ai nhìn vào cũng phải ngỡ ngàng. Không chỉ làm ra những chiếc bánh kem thơm ngon, cô còn "biến hóa" chúng thành muôn hình vạn trạng. Nhìn những mâm cỗ Tết cổ truyền mà Dương làm, nhiều người không tin rằng đó thật ra là bánh ngọt.
Bước vào tháng cuối năm, người Việt Nam luôn mong nhớ không khí Tết Nguyên đán với sự hiện diện của những món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, thịt đông, giò lụa, thịt quay, hành muối... Đó là những mỹ vị được chuẩn bị công phu nhằm dâng cúng tổ tiên và dùng trong bữa cơm đoàn viên trong tiệc tất niên hay năm mới.
Với đôi bàn tay tài hoa của Thùy Dương, tất cả những món ăn quen thuộc ấy được "hóa phép" hiện ra trông vô cùng ngon mắt, tưởng như không gian đang tỏa ra mùi dưa hành thơm nức, hương thơm của nếp, lá dong quyện với mùi béo ngậy của nhân thịt mỡ trong bánh chưng... Dù đã được tiết lộ đó là bánh ngọt, nhiều người nhìn đi nhìn lại vẫn không tin vì mâm cỗ trông quá thật, quá có hồn.
Mâm cỗ Tết được tạo hình từ bánh ngọt, tất cả đều có thể ăn được trừ chiếc mâm.
Để biến một chiếc bánh kem thành mâm cỗ Tết, Dương phải trải qua nhiều công đoạn từ việc chọn nguyên liệu, pha trộn màu sắc, cho đến khâu trang trí sao cho hài hòa và chân thực nhất.
Mâm cỗ Tết làm từ bánh kem của do Dương sáng tạo bao gồm đủ món ăn truyền thống với từng chi tiết được chăm chút cẩn thận, từ màu sắc đến hình dáng. Chiếc bánh chưng vuông vức với màu xanh lá dong được tái hiện từ cốt bánh cacao, phủ kem chocolate và bọc kẹo đường. Nem rán chính là những bánh cuộn mềm mại với lớp kem phủ vàng óng ánh. Món thịt đông, giò lụa cũng được mô phỏng sống động đến mức ai nhìn qua cũng bị nhầm.
Điều đặc biệt của mâm cỗ Tết này là tất cả nồi niêu bát đũa đều được làm từ bánh, từ kẹo đường và hoàn toàn ăn được. Toàn bộ bát đĩa đều được Thùy Dương nặn thủ công bằng kẹo đường tự trộn để mau khô và tiết kiệm chi phí. Từng họa tiết, hoa văn được cô vẽ tỉ mỉ bằng tay, giống hệt với những chiếc đĩa, chiếc bát tráng men thời xưa. Để vẽ được những hoa văn như vậy, Dương đã cố gắng tìm kiếm những mẫu bát thông dụng trong những năm 1990 - 2000.
Cô thợ bánh chia sẻ rằng ý tưởng độc đáo này xuất phát từ mong muốn khơi gợi ký ức mâm cỗ ngày Tết xưa mà mẹ cô từng nấu. "Ý tưởng đến với mình thường xoay quanh các chủ đề về truyền thống về văn hóa, hay là về những ký ức rất quen thuộc. Đến dịp năm mới, điều mà mình luôn luôn nghĩ tới là mâm cơm tất niên chiều 30 Tết. Mình đã áp dụng sở trường làm bánh để tạo nên mâm cơm tái hiện ký ức tuổi thơ của mình", Thùy Dương chia sẻ.
Trong ký ức của Dương, hương vị Tết là nem rán với đầy đủ nhân thịt, mộc nhĩ, hành hoa, nấm hương, rau mùi... chứ không sơ sài cho qua bữa như thường ngày nên cô cũng làm nem rán - bánh ngọt trông y như vậy.
Các món dưa hành, giò lụa, canh bóng, thịt đông được làm cầu kỳ, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Để hoàn thành tác phẩm bánh ngọt mâm cỗ Tết này, Thùy Dương cùng 6 cộng sự đã làm trong 5 ngày liên tiếp, có những ngày phải làm đến 22h. Dương phân công ra mỗi người phụ trách một công đoạn, có người chuyên nặn, có người chuyên lên màu và hoàn thiện tác phẩm.
Quá trình làm có khá nhiều thử thách. Vì không có tài liệu tham khảo của nước ngoài, Thùy Dương phải mày mò thử áp dụng nhiều cách mới có thể tạo ra những sản phẩm giống thật nhất. Các tạo hình bánh kem được làm với tỷ lệ 1:1 so với mâm cỗ thật
Dương cho biết: "Một số thứ mình làm bằng kẹo đường tự trộn, phải đủ cứng để bảo quản được lâu hơn nhưng thao tác sẽ khó hơn nên phải cố gắng rất nhiều, khi mọi người nhìn kỹ tác phẩm sẽ thấy không được tròn trịa cho lắm. Trong lúc làm những chiếc bát hay món ăn bằng bánh kem, mình cũng gây gãy hỏng nhiều. Với bánh chưng, phải làm rất nhiều cách mới có thể tạo vân hạt gạo giống thật nhất".
Thùy Dương phải thử rất nhiều cách làm khác nhau cho từng món.
Cộng đồng mạng dành rất nhiều lời khen ngợi cho sự sáng tạo và khéo léo của Thùy Dương. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ và cho biết họ cảm thấy ấm áp hơn khi ngắm hình ảnh những mâm cỗ Tết được tái hiện độc đáo như vậy. Đối với nhiều người xa quê, mâm cỗ bằng bánh ngọt của Thùy Dương còn gợi nhớ về Tết đoàn viên, với bữa cơm gia đình quây quần và niềm vui sum họp.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Dương nói cô sẽ tiếp tục tìm kiếm và sáng tạo thêm nhiều mẫu bánh mới, không chỉ riêng các dịp Tết mà còn cho nhiều sự kiện khác, để có thể quảng bá rộng rãi hơn văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mâm cỗ Tết từ bánh ngọt của cô như một lời nhắn nhủ ý nhị rằng dù cuộc sống có hiện đại và thay đổi thế nào, những giá trị truyền thống vẫn luôn đáng trân quý và gìn giữ.