Kỹ sư điện 30 năm lặng thầm làm việc nghĩa

Bỏ tiền túi xây 17 cây cầu cho bà con nhân dân tỉnh Bến Tre, xây Mô hình Cột mốc chủ quyền Trường Sa và biển, đảo Việt Nam cho học sinh để giáo dục lòng yêu nước, hỗ trợ những cảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam dioxin và nhiều công trình dân sinh khác hàng chục tỷ đồng, đi gần hết cuộc đời, ông nhận ra rằng, cho đi là còn mãi; sống, cống hiến cho xã hội chính là làm đẹp cho đời. Ông là Nguyễn Hữu Thọ - Thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư điện - nguyên Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc đã nghỉ hưu, hiện sống ở Mê Linh, Hà Nội.

Người tiên phong đem chủ quyền biển, đảo Việt Nam vào trường học

Sáng 16-11-2024, Trường Tiểu học xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội nhộn nhịp niềm vui như ngày hội lớn. Hàng trăm học sinh, thầy cô giáo, đại biểu khách mời cùng người dân địa phương có mặt chứng kiến lễ khánh thành Mô hình Chủ quyền biển, đảo Việt Nam - cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được xây dựng từ khát vọng của người kỹ sư điện lực Nguyễn Hữu Thọ với mong muốn chủ quyền biển, đảo Việt Nam được tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh xã Tráng Việt.

 Ông Nguyễn Hữu Thọ (đứng giữa, hàng sau cùng) cùng các em học sinh Trường Tiểu học Tráng Việt, huyện Mê Linh - Hà Nội trong ngày Lễ khánh thành Cột mốc Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Hữu Thọ (đứng giữa, hàng sau cùng) cùng các em học sinh Trường Tiểu học Tráng Việt, huyện Mê Linh - Hà Nội trong ngày Lễ khánh thành Cột mốc Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không thể kể xiết niềm vui sau những tháng ngày vất vả “chạy đua với thời gian” thiết kế, thi công, xây dựng; chỉ biết ngày khánh thành “Mô hình Chủ quyền Trường Sa” là ngày ông Thọ rơi nước mắt. Chạm tay vào phiến đá trên cột mốc thiêng liêng, ngước nhìn cờ Tổ quốc bay phấp phới giữa bầu trời xanh thẳm, ông xúc động nói với chúng tôi: “Vậy là tôi đã thực hiện được khát vọng mang Trường Sa và chủ quyền biển đảo Việt Nam vào đất liền. Mô hình cột mốc thiêng liêng này sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh quê tôi và bà con trong xã và lan tỏa đến các địa phương khác trong huyện”.

Trong lễ khánh thành Cột mốc chủ quyền biển đảo hôm ấy, có nhiều vị khách nhìn ông Thọ ngưỡng mộ; học sinh xã Tráng Việt thì ríu rít gọi tên “Ông Thọ xây cột mốc Trường Sa đấy”. Có cô giáo còn thân mật nhắc tên ông: “Bác ấy gần nhà em, làm từ thiện nhiều năm rồi”…

Việc ông Nguyễn Hữu Thọ xây Mô hình Cột mốc chủ quyền biển, đảo giữa sân Trường Tiểu học xã Tráng Việt xuất phát từ sau chuyến đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa năm 2012 và năm 2018. Chuyến đi đầu tiên (năm 2012), ông Thọ là một trong ba đại biểu danh dự của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc theo Tàu HQ-936 Vùng 4 Hải quân ra Trường Sa.

Với suy nghĩ mang biểu tượng tâm hồn người Việt ra nơi tiền tiêu Tổ quốc. Trong chuyến đi này, ông đã đem những khóm tre vàng từ đất liền ra trồng tại đảo Trường Sa Lớn. Lúc đứng trong hàng ngũ chào cờ Tổ quốc, nhìn cột mốc chủ quyền sừng sững hiên ngang trong bạt ngàn nắng gió, trái tim ông như nín thở khi nghe 10 Lời thề danh dự của quân nhân vang lên đanh thép: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”... Khoảnh khắc xúc động ấy, ông nghĩ: “Mình mang ra Trường Sa tre vàng, khi trở về đất liền sẽ đưa cột mốc chủ quyền Trường Sa vào Trường Tiểu học Tráng Việt để giáo dục truyền thống yêu biển, đảo Tổ quốc cho học sinh và người dân quê mình”.

Nói là thực hiện, ông Thọ trở về đất liền và bắt tay vào công việc. Ông suy nghĩ, mô hình cột mốc Trường Sa đã có ở nhiều địa phương, nhưng Mô hình Cột mốc chủ quyền biển, đảo Việt Nam thể hiện trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước thì chưa có ai làm: Đó là cột mốc bia chủ quyền Trường Sa có 4 mặt: Cực Bắc - đảo Bạch Long Vĩ; cực Nam - đảo Thổ Chu; cực Đông- đảo Tiên Nữ; mặt chính là quần đảo Trường Sa.

Ông Thọ chia sẻ: “Xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo giữa sân trường học phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc, nhất là các thủ tục giấy tờ, cấp phép. Sau 2 năm chuẩn bị các thủ tục và hơn ba tháng xây dựng công trình đã được hoàn tất ở ngôi trường mà tuổi thơ của tôi đã học ở đó. Cái làm tôi hạnh phúc nhất là được cống hiến, góp một phần nhỏ bé của mình vào giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Những cây cầu nối nhịp bờ vui

Sau hơn 40 năm lăn lộn và cống hiến trong ngành điện, trong đó có gần 30 năm làm việc trong Công ty Điện lực Vĩnh Phúc. Khi còn làm Giám đốc Công ty, ông đề xuất kết nghĩa với Công ty Điện lực tỉnh Bến Tre. Trong những lần về tỉnh bạn công tác, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ tay bám cây, chân bấm chặt đi qua “cầu khỉ” với cặp sách nặng oằn lưng; những bà mẹ dò dẫm cõng con nhỏ qua cầu, ông Thọ trăn trở: “Cần phải xây cầu bê tông thay cho cầu khỉ để nhân dân đi lại an toàn, đỡ vất vả”.

Từ đó, ông bắt đầu nghĩ đến làm công tác an sinh xã hội, làm cái gì đó vừa với sức mình, thiết thực cho bà con sống trong vùng kênh rạch chằng chịt mà ngân sách nhà nước chưa kịp đáp ứng. Sau chuyến đi ấy, ông đề xuất với Công ty Điện lực, chính quyền địa phương và Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường tỉnh Bến Tre về việc tài trợ xây dựng cầu bê tông thay “cầu khỉ”.

Được vợ và con ủng hộ, ông Thọ bước vào công việc xây cầu với chủ trương: Gia đình ông tài trợ toàn bộ kinh phí xây lắp; phần giải phóng mặt bằng, thiết kế, chọn nhà thầu thi công, giám sát xây dựng đều do địa phương thực hiện, coi đó là phần đối ứng để thêm phần trách nhiệm của địa phương.

Sau hơn ba tháng thi công, cây cầu bê tông đầu tiên mang tên Tráng Việt đã nối liền đôi bờ kênh rạch. Ngày khánh thành cây cầu Tráng Việt ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, ông Thọ không kìm được xúc động trước tình cảm của lãnh đạo và bà con Bến Tre. Sau cây cầu Tráng Việt được xây dựng ở huyện Thạnh Phú, ông Thọ tiếp tục xây dựng 16 cây cầu khác ở các huyện Mỏ Cầy Nam, Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành và Bình Đại với số tiền từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho mỗi cây cầu.

Mỗi lần khánh thành một cây cầu, ông đều đề xuất với địa phương tặng 10 đến 20 xe đạp tới học sinh nghèo và tặng 10 hộ nghèo từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi hộ. Đến nay đã có hàng trăm học sinh, hộ nghèo được tặng quà. Kinh phí tặng, ngoài gia đình ông, ông Thọ vận động con cháu, người thân đóng góp, ủng hộ.

Có một điều đặc biệt là, 17 cây cầu xây ở 17 địa điểm tại Bến Tre đều có tên Tráng Việt. Giải thích về việc này, ông Thọ chia sẻ: “Tráng Việt là quê hương nơi tôi sinh ra thuộc huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Cầu Tráng Việt được xây ở Bến Tre như sự kết nối tình cảm giữa người dân Vĩnh Phúc với bà con Bến Tre, đây cũng là nhịp cầu nối những niềm vui của nhân dân hai tỉnh”.

Sống là cho đâu phải nhận riêng mình

Vốn là kỹ sư điện lực không ngừng sáng tạo và có lối tư duy nhạy bén. Trong ý chí và trái tim, ông Thọ chưa bao giờ nghĩ sẽ ngừng làm việc chỉ trừ khi trái tim ông ngừng đập. Ngay khi nghỉ hưu, được biết nhà nước có chủ trương tái tạo điện năng lượng mặt trời phục vụ dân sinh; cơ hội mở ra, ông chọn miền cát trắng thừa gió, nắng nóng quanh năm thuộc tỉnh Bình Thuận làm nơi xây dựng nhà máy tái tạo năng lượng điện phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thọ (thứ hai, từ phải sang) chụp ảnh với các chiến sĩ Trường Sa, phía sau là cụm tre Đằng Ngà trồng trong khuôn viên Đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa, được ông mang ra từ đền Hai Bà Trưng quê hương ông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Hữu Thọ (thứ hai, từ phải sang) chụp ảnh với các chiến sĩ Trường Sa, phía sau là cụm tre Đằng Ngà trồng trong khuôn viên Đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa, được ông mang ra từ đền Hai Bà Trưng quê hương ông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giữa đồi cát nóng như dội lửa, hàng trăm tấm pin năng lượng phơi mình “ăn nắng”. Ngày điện từ pin năng lượng mặt trời hòa vào mạng lưới điện quốc gia là ngày ông Thọ mừng trào nước mắt. Trước mặt nhiều cộng sự ông đã nói: “Lợi nhuận sẽ dành hết để làm từ thiện, giúp đỡ bà con nghèo khổ”, đó cũng là câu trả lời cho nhiều người thắc mắc: “Ông Thọ làm từ thiện nhiều thế thì tiền lấy từ đâu?”.

Trong quá trình công tác trải qua nhiều chức vụ khác nhau, ông Thọ được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và vinh danh tiêu biểu; nhưng điều bình dị mà cao quý nhất ở ông là đã làm được nhiều việc nghĩa để lại cho đời. Ông nói: “Tôi làm việc nghĩa, việc thiện hoàn toàn tự nguyện, làm từ trái tim chứ không phải làm để đánh bóng tên tuổi, hoặc mưu cầu lợi danh. Tiền xây cầu cho người dân Bến Tre, tiền xây cột mốc chủ quyền cho học sinh Trường Tráng Việt, tiền hỗ trợ cho những trẻ em mồ côi, những cảnh đời bất hạnh đều được dành dụm từ tiền lương thời tôi còn làm Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, song phần nhiều là lợi nhuận từ kinh doanh điện năng lượng mặt trời”.

Trong quan niệm sống, ông Thọ trải lòng: “Tôi có chút năng lực kinh doanh thì cần phải có trách nhiệm giúp đỡ người nghèo, những mảnh đời cơ nhỡ. Cho đi là còn mãi, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Tôi chỉ là một công dân bình thường đơn giản là thích làm việc thiện, việc nghĩa như một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi”.

Thấy việc làm của ông Thọ có ích cho cộng đồng, xã hội; vợ, con ông cũng theo ông làm từ thiện. Cuối năm 2023, hưởng ứng chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông Thọ đã vận động gia đình, con cháu nhận đỡ đầu cho 7 học sinh ở Bến Tre, mỗi cháu 6 triệu đồng một năm cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Nhiều năm nay, gia đình ông luôn đóng góp cho các hoạt động phong trào và thiện nguyện của địa phương hàng chục triệu đồng mỗi năm. Với những đóng góp đó, năm 2023, ông Thọ được UBND TP Hà Nội vinh danh là một trong 5 công dân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô…

Những việc làm thiện nguyện của ông Nguyễn Hữu Thọ và gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục gieo mầm xanh, chắp cánh ước mơ tương lai tươi sáng cho nhiều em nhỏ. Mô hình Cột mốc chủ quyền Trường Sa và biển, đảo Việt Nam ông xây tại Trường Tiểu học Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội là minh chứng cho lớp người đi trước có trách nhiệm truyền nối tình yêu Tổ quốc cho thế hệ mai sau. Hàng trăm em học sinh nghèo khó được ông giúp đỡ, nhiều mảnh đời cơ cực được ông cưu mang thể hiện nghĩa cử cao đẹp của một kỹ sư điện tài năng có đức, có tâm, có tầm, cả đời cuộc đời ông là khát vọng cống hiến cho cộng đồng xã hội. 17 cây cầu ông Thọ xây dựng cho bà con tỉnh Bến Tre mãi mãi là biểu tượng của mối ân tình giữa hai miền đất nước: Quê hương của khởi nghĩa Hai Bà Trưng và xứ Dừa bất khuất, kiên trung.

Rồi mai đây, những cây cầu mới sẽ tiếp tục được xây ở nhiều địa phương, những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam dioxin, những cảnh đời bất hạnh trên mọi miền đất nước tiếp tục được ông Thọ giúp đỡ. Ông Thọ cũng sẽ già đi theo dòng chảy của thời gian, nhưng khát vọng cống hiến, làm việc nghĩa, việc thiện trong ông chưa bao giờ vơi cạn.

MAI THẮNG - QUỲNH HOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/ky-su-dien-30-nam-lang-tham-lam-viec-nghia-810123
Zalo