Đau bụng, nôn ra máu tươi, bé trai 9 tuổi bất ngờ được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa

Trước khi nhập viện khoảng 2 giờ, cháu bé đột ngột đau bụng dữ dội và nôn ra máu tươi. Trên cơ sở kết quả nội soi, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa cao, mức độ nặng do loét hành tá tràng.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận cấp cứu bé trai B.N.H (9 tuổi, trú tại TP. Cẩm Phả) trong tình trạng mệt lả, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Trước khi nhập viện khoảng 2 giờ, cháu bé đột ngột đau bụng dữ dội và nôn ra máu tươi.

Theo lời kể từ gia đình, trong ngày 5/5, bé đã có biểu hiện đi ngoài phân đen nhưng không rõ số lượng. Trong khi đó, năm 2024, bệnh nhi từng được chẩn đoán và điều trị loét hành tá tràng.

Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được thăm khám và nội soi. Kết quả nội soi cho thấy, cháu bé có hai ổ loét tại hành tá tràng kích thước 7mm và 5mm đang rỉ máu, trên nền sẹo loét cũ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa cao, mức độ nặng do loét hành tá tràng.

Bệnh nhi được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo.

Bệnh nhi được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo.

Ngay lập tức, cháu bé được truyền máu cấp cứu và nội soi can thiệp để cầm máu. Sau khi can thiệp, bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo.

Xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, thường gặp ở người lớn. Tuy nhiên, hiện nay biến chứng này đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Nguyên nhân có thể liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý, lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, stress kéo dài, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và cả yếu tố di truyền.

Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi có các biểu hiện như: Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, buồn nôn/nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có mùi hôi tanh bất thường, da xanh xao, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò quyết định để tránh tình trạng xuất huyết tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn như mất máu cấp, sốc, thậm chí tử vong.

Trước sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo: Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. Hạn chế cho trẻ sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau khi không có chỉ định của bác sĩ. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, nhất là trong các kỳ thi. Bên cạnh đó cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ.

Đức Tùy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-bung-non-ra-mau-tuoi-be-trai-9-tuoi-bat-ngo-duoc-chan-doan-xuat-huyet-tieu-hoa-169250510203126225.htm
Zalo