Có một Ba Chúc vươn mình mạnh mẽ

Trở lại Ba Chúc lần này, bức tranh no ấm của một thị trấn vùng biên đã khoác lên những gam màu tươi sáng, nhịp sống hiện đại đã lan tỏa khắp các ngả đường của thị trấn...

Ba Chúc ơi, nỗi đau bao giờ nguôi...

Thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 7km. Đây là nơi diễn ra cuộc thảm sát hơn 3.000 người dân vô tội của tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Saryvà chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; là cái nôi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - một tôn giáo nội sinh của tỉnh An Giang.

Trong lần trở lại thị trấn Ba Chúc mới đây, chúng tôi không khó để tìm nhân chứng, vì hàng ngàn người dân của làng quê trên vùng đất Ba Chúc chính là nhân chứng sống về tội ác của Pol Pot và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Điều mà chúng tôi cần biết là số phận, cuộc sống của người dân Ba Chúc sau cuộc thảm sát đó, và gần 50 năm sau, “vùng đất chết” năm xưa đã vươn mình mạnh mẽ như thế nào?

Nhà mồ Ba Chúc và chùa Tam Bửu (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) ngoài giá trị lưu giữ chứng tích tội ác chiến tranh còn là điểm tham quan và du lịch tâm linh - Ảnh: M.H

Nhà mồ Ba Chúc và chùa Tam Bửu (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) ngoài giá trị lưu giữ chứng tích tội ác chiến tranh còn là điểm tham quan và du lịch tâm linh - Ảnh: M.H

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tư (70 tuổi, quê Vĩnh Long, nhập ngũ năm 1972, đơn vị Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9) tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau khi giải phóng miền Nam ông tiếp tục tham gia các trận đánh tại chiến trường biên giới Tây Nam, nhớ lại: “Có lẽ người dân Ba Chúc sẽ nguôi ngoai phần nào nếu sự kiện không được khơi lại. Gần 50 năm rồi còn gì. Lúc đó vào ngày 18.4.1978, đơn vị tôi cơ động về Ba Chúc, khi đánh xuống đây thì thấy rất nhiều người dân mình bị địch giết, từ phụ nữ, trẻ em, người lớn... Khi quân ta đánh giải tỏa được Ba Chúc thì nơi này điêu tàn không còn gì hết. Chiến tranh biên giới xong, tôi gặp bà xã, rồi cưới và ở lại Ba Chúc cho đến ngày hôm nay”. Ông Tư đột ngột nghẹn lời, đưa mắt nhìn mông lung về hướng nhà mồ Ba Chúc

“Chiến tranh lùi xa, nhưng mất mát đau thương vẫn còn đó. Hậu quả do Pol Pot để lại đã gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền, người dân xã Ba Chúc. Người dân bị đói 2 năm liền, đất ruộng bị bỏ hoang không sản xuất được; trẻ em nhiều năm liền không đi học được do trường bị đốt phá. Hơn 200 người chết và bị thương do lựu đạn và mìn của Pol Pot còn cài lại”, một người dân (ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) kể lại chuyện giết người không gớm tay của giặc Pol Pot.

Người dân và du khách tham quan Nhà mồ Ba Chúc - Ảnh: MC

Người dân và du khách tham quan Nhà mồ Ba Chúc - Ảnh: MC

Trước khi đưa chúng tôi về thăm Khu di tích nhà mồ Ba Chúc, ông Phạm Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc cho biết, chỉ tính riêng gia đình liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, thì Ba Chúc này đã có đến gần 600 hộ trong tổng số 4.651 hộ trên địa bàn thị trấn.

Vụ thảm sát Ba Chúc là sự kiện nổi cộm vì giặc giết người dân tập trung. Chỉ 13 ngày đêm, vùng đất Ba Chúc đã phải chịu đựng 30 cuộc tấn công của lực lượng Khmer Đỏ. Hơn 3.100 người dân vô tội bị sát hại, toàn bộ hoa màu, nhà cửa, công trình bị đốt sạch, phá sạch. Ba Chúc hoang tàn như một vùng đất chết.

Rồi ông Hiền chỉ tay vào ngôi Chùa Tam Bửu (nằm trong quần thể Khu di tích nhà mồ Ba Chúc), cho biết ngay cả chính điện thờ Phật của chùa vẫn còn dấu bom của giặc Pol Pot.

Hàn gắn vết thương

Sau khi quân Pol Pot bị đánh đuổi, chính quyền và người dân nơi đây đã nén đau thương cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương, đất nước, khôi phục sản xuất, từng bước đẩy lùi khó khăn.

Ông Chau Yêm (ngụ thị trấn Ba Chúc) vui mừng vì được Nhà nước hỗ trợ cặp bò sinh sản, giúp gia đình phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo - Ảnh: M.C

Ông Chau Yêm (ngụ thị trấn Ba Chúc) vui mừng vì được Nhà nước hỗ trợ cặp bò sinh sản, giúp gia đình phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo - Ảnh: M.C

Một góc chợ Ba Chúc, người dân mua bán tấp nập - Ảnh: M.H

Một góc chợ Ba Chúc, người dân mua bán tấp nập - Ảnh: M.H

Cựu chiến binh Lê Văn Mộng (ngụ thị trấn Ba Chúc - người đã từng trực tiếp tham gia các trận đánh quân Pol Pot) và đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, đến bây giờ bản thân ông vẫn còn ám ảnh với những cảnh tượng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Ông Mộng cho biết gia đình ông có 3 người nhưng 2 người đã hy sinh trong cuộc thảm sát. Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, bản thân ông xin phục viên để về chăm sóc cha mẹ già.

“Tôi có 3 người con, 1 cháu đã nối nghiệp tôi và giờ đã là trung tá bộ đội. Còn 1 đứa làm công nhân. Riêng con gái út cũng đã lập gia đình. Khi tôi mới phục viên, cuộc sống rất vất vả, phải đi làm mướn làm thuê để kiếm sống và nuôi con ăn học, vợ tôi đi bán hàng ở chợ cũng chỉ đủ ăn hằng ngày. Sau này, gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ chính sách, tôi đã cất được nhà tường kiên cố, có điện, có nước, có cả wifi… đầy đủ. Thị trấn Ba Chúc ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, thay đổi phải nói là hoành tráng”- ông Lê Văn Mộng chia sẻ.

Nói về công tác chăm lo đời sống người dân địa phương, ông Phan Bá Phước, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc thông tin, hiện số hộ nghèo của địa phương chỉ còn hơn 1,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 74 triệu đồng/người/năm. Thị trấn Ba Chúc có nhiều lợi thế phát triển, nhất là có dãy Ngọa Long Sơn nằm trải dài từ Lê Trì qua Ba Chúc, Lương Phi, Châu Lăng, tiềm năng phát triển kinh tế vườn trên núi kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Hiện nay, Ba Chúc là một trung tâm đô thị trù phú của huyện Tri Tôn. Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu-Phi Lai đã trở thành điểm thu hút khách du lịch của An Giang.

“Địa phương sẽ tiếp tục chăm lo công tác an sinh xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa; thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, củng cố nâng cao chất lượng giáo dục. Địa phương tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp dịch vụ, sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao…

Hàng chục năm qua, chính quyền và người dân Ba Chúc đã nén đau thương cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương, đất nước, khôi phục sản xuất, từng bước đẩy lùi khó khăn - Ảnh: M.H

Hàng chục năm qua, chính quyền và người dân Ba Chúc đã nén đau thương cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương, đất nước, khôi phục sản xuất, từng bước đẩy lùi khó khăn - Ảnh: M.H

Đến thời điểm này, địa phương cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển theo hướng thương mại du lịch và dịch vụ. Đồng thời, vận động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương buôn bán và phát triển du lịch”, ông Phước nói.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/co-mot-ba-chuc-vuon-minh-manh-me-231651.html
Zalo